Trung thu, ngày Tết của trẻ em, hiển hiện rõ nhất ở phố thị. Hơn nửa tháng nay, tại khắp các đường phố lớn, nhỏ của Đà Nẵng đã có sự hiện diện của bánh Trung thu cùng lồng đèn đủ kích cỡ. Nào là bánh nhân vi cá, hải sâm… cùng chai rượu, hộp trà trị giá cả triệu đồng được người lớn mua từ rất sớm, chủ yếu dùng làm quà.
Có người nói vui rằng, với chiếc bánh Trung thu, người mua thì không ăn, còn người ăn thì không mua. Với giá “mềm” nhất cũng trên dưới 50.000 đồng/chiếc thì không ít bà mẹ công nhân hay người lao động nghèo cũng phải đắn đo khi chọn mua cho con. Ấy vậy, lại còn có cảnh chiếc bánh Trung thu chạy lòng vòng từ nhà này sang nhà khác để “đền ơn trả nghĩa”, trong khi trẻ con còn chưa kịp hưởng niềm vui và nếm thử mùi vị của nó. Có nơi, bánh Trung thu nhiều đến độ người lớn, trẻ em cũng chẳng buồn ăn, nên niềm háo hức được nhận quà, bánh của con trẻ cũng không còn. Niềm vui cũng dần tan… Rồi còn cảnh ngập tràn trong biển đồ chơi mà 90% là hàng Trung Quốc. Tìm mãi mới thấy vài ba chiếc lồng đèn Trung thu bằng giấy bóng kính, hay những chiếc lồng đèn xếp được làm thủ công gợi nhớ ký ức của một thời tuổi thơ. Bố mẹ vội vã chọn nhiều đồ chơi đắt tiền cho con bởi ở phố thị thứ gì cũng sẵn; trẻ em vội vã đón nhận, cũng không còn cảm giác hồi hộp hay niềm vui sướng nâng niu món quà nữa. Phố thị ngập tràn ánh điện với đủ sắc màu, âm thanh rộn rã về đêm, chẳng ai để ý đến ông trăng tròn vành vạnh trên trời và mơ về chị Hằng, chú Cuội vào mỗi dịp đêm rằm nữa.
Rong ruổi nhiều nơi, theo chân các nhà hảo tâm thăm các trẻ em nghèo trong thành phố, tôi chứng kiến nhiều Trung thu khác. Đó là một Trung thu tràn đầy tiếng cười, tiếng trống lân tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố. Những đứa trẻ vì hoàn cảnh nghèo khó, đứa còn mẹ thì mất cha, còn cha lại mất mẹ, phải xa gia đình từ sớm để được đi học, sống nhờ vào những tấm lòng thơm thảo. Với các em, niềm vui Trung thu không chỉ là món quà, tấm bánh từ các sinh viên, các nhà hảo tâm trao tặng trong đêm rằm mà còn vì những nụ cười, sự sẻ chia, những cái nắm tay rất chặt từ những người bạn trước đó hãy còn xa lạ. Đó còn là một Trung thu thật rộn rã vào đêm 26-9 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Những cánh tay còn băng bó, những khuôn mặt trẻ thơ xanh xao rộn lên niềm vui trong đêm hội “Vầng trăng yêu thương” do các nhà hảo tâm tổ chức. Các em vẫn hồn nhiên đùa vui, hồn nhiên đón nhận những món quà. Và chắc hẳn rằng, các em sẽ mang theo hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và cả vầng trăng đong đầy yêu thương với đủ trò chơi, quà bánh như phép mầu, như điều kỳ diệu, như món quà của cuộc sống vào giấc ngủ.
Tại thành phố Đà Nẵng, vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, là nạn nhân da cam. Bởi vậy, lo cho các em có một mùa Trung thu trọn vẹn, nhiều ý nghĩa là việc cần làm. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn gửi tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tổ chức ngày hội Trung thu cho trẻ em, trong đó quan tâm hơn tới nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố đã khẳng định, Tết Trung thu là dịp để gia đình, nhà trường và xã hội cùng chia sẻ yêu thương với những trẻ em bất hạnh, để các em được vui chơi, hưởng không khí náo nức của ngày Trung thu. Và đêm hội “Vầng trăng cho em” do Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào 27-9 (tức 12-8 âm lịch) đã mang đến một đêm trăng thật vui, rộn rã cho hàng trăm trẻ em nghèo ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) với chương trình nghệ thuật đặc sắc mà có lẽ các em hiếm khi được thưởng thức. Ánh trăng nơi núi rừng này không chỉ sáng mà còn lung linh hơn bởi rất nhiều mơ ước của trẻ em nghèo nơi đây đã trở thành hiện thực. Người ta cũng không thể quên những bóng áo xanh tình nguyện trên khắp các ngả đường mang theo những món quà xinh xắn do chính tay các bạn làm để góp vui với trẻ em nghèo trong dịp Trung thu này.
Niềm vui của trẻ thơ ở đâu cũng vậy, chỉ khác chăng là ở nhiều nơi của thành phố, niềm vui đó mang bóng dáng của sự đủ đầy; còn ở nông thôn, miền núi, niềm vui đó được thắp lên trong tình yêu thương, sự sẻ chia của cộng đồng. Chợt ước ao rằng, niềm vui ấy không chỉ đến vào mỗi dịp Trung thu mà có nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa các hoạt động vì trẻ em, để trẻ thơ được sống trong bình yên, yêu thương và hạnh phúc.
PHƯƠNG TRÀ