.

Nửa ổ mì

Cuối năm 1979, khi mẹ mang thai tôi, gia đình phải vào Nam sinh sống. Do không hợp nguồn nước, mẹ tôi thường xuyên bị sốt nặng và tôi phải chào đời khi thai chưa tròn 8 tháng tuổi, nặng chưa đầy 2kg. Sau trận sốt thập tử nhất sinh ấy, bố mẹ tôi phải quay về lại Quảng Trị sinh sống. Từ đây, cái sinh linh bé bỏng ấy cắt đứt dòng sữa mẹ ngọt ngào. Tôi được đưa về làng Phước Tượng (thuộc xã Lộc Trì, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế)  sống với bà ngoại và trải qua một tuổi thơ buồn khổ.

Những năm 1990-1993 là những năm khốn khó của gia đình ngoại, đói kém, mất mùa triền miên. Khi vừa lên 7, tôi đã đi chăn trâu, làm ruộng phụ gia đình. Giai đoạn đói kém ấy, ngoại tôi cũng đã già, kèm thêm bệnh tim nên tôi phải lao động vất vả hơn. 12 tuổi, lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng một mình tôi phải bôn ba từ rừng này qua núi nọ để kiếm củi, chăn trâu, đốt than, chặt say, vác chan, gánh thuê, bán rau… kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ngoại tôi rất thèm bánh mì nhưng nhà ngoại làm gì đủ tiền để mua thứ xa xỉ đó. Tôi ước ao sau này mình thật giàu để đền bù cho ngoại tôi những gì cực khổ của hiện tại. Nhưng tôi thật ngây ngô, ai mà sống thọ đến thế! Thủa ấy, tôi chưa bao giờ ăn một bữa no, chưa bao giờ ăn cơm gạo trắng mà chỉ toàn môn, khoai, thỉnh thoảng mới có chén cơm độn. Đã hết thời bao cấp nhưng gia đình ngoại tôi lại thiếu ăn đến trầm trọng, rơi vào cảnh đói chẳng khác gì năm 1945 mà truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân miêu tả. Ngoại tôi phải lấy môn, khoai đổi gạo hàng xóm. Ngoài đường, người bán mì vẫn rao lên vào mỗi buổi sáng. Tôi ước ao có năm trăm mua cho ngoại một ổ mì để ngoại ăn trước khi còn có thể ăn được. Bởi bao tính toán, lo toan cho gia đình, ngoại tôi đã già yếu. Căn bệnh tim đã làm ngoại nhiều lần chết đi sống lại. Hai lần nằm viện, gia đình phải bán trâu đi chữa bệnh nhưng đều vô vọng. Ước nguyện cuối cùng trước khi ra đi của ngoại thật đơn giản, chỉ có ổ bánh mì để ăn.

Cuộc sống bắt tôi phải lao động nhiều hơn. Tôi bắt đầu đi cày thuê từ xã này đến xã khác. Tiền công không đủ đong gạo hằng ngày nên cũng không thể làm điều mà ngoại ao ước. Thật may, hôm ấy, tôi được chú Bòn người xóm dưới thuê đi cày ruộng. Chú Bòn không giàu lắm, nhưng cũng thuộc dạng khá của làng thời bấy giờ. Cày thuê cũng được trả công như mọi ngày, nhưng hôm nay là một ngày không bao giờ quên đối với tôi vì chủ nhà đã cho tôi ăn bữa lỡ (giữa bữa) bằng một ổ bánh mì và 2 bánh ram. Tôi mừng quá hét lên: A! Bánh mì, sướng quá. Ngoại ơi đã có bánh mì rồi. Tôi ăn hai cái bánh ram và một nửa ổ bánh mì, nửa còn lại để trên bờ ruộng lấy nón đậy cẩn thận. Chú Bòn hỏi: Sao con không ăn? Mệt ăn không nổi à? Tôi rưng rưng nước mắt vì họ không hiểu ngoại tôi đang thèm ăn bánh mì. Đã hai năm nay, ngoại tôi khát khao ăn một ổ bánh mì rồi chết cũng sướng. Tôi nói trong nước mắt: Dạ con đem về cho mệ ngoại. Chú Bòn im lặng không nói gì thêm và lặng lẽ đi về. Tôi thúc trâu cày cho nhanh để đem bánh về cho ngoại. Lúc cầm nửa ổ bánh mì trên tay, ngoại tôi rưng rưng nước mắt và nói giọng run run: Mệ cám ơn coong (con - giọng Huế). Ngoại tôi ăn bánh mì một cách ngon lành như ăn một cái gì quý giá nhất trên đời...

Thời gian trôi đi cũng thật nhanh và cũng thật oan nghiệt. Đúng như lời ngoại tôi nói, chỉ cần có một ổ mì ăn chết cũng sướng mồm. Năm 1994, ngoại qua đời sau khi bệnh tim tái phát, bỏ tôi lại một mình. Tôi nhớ ngoại đến điên cuồng và ngày nào cũng đến mộ ngoại ngồi khóc…

Bây giờ, tôi đã trưởng thành, công việc ổn định nhưng mỗi lần nhìn lại quá khứ, đôi mắt cứ cay xè. Thời nay, bánh mì không còn là thứ xa xỉ đối với tôi như ngày xưa nhưng tôi không bao giờ coi thường nó, mà rất trân trọng khi ăn. Mỗi lần ăn bánh mì, tôi lại nhớ đến ngoại tôi, nhớ đến những tháng ngày cơ cực của gần 20 năm về trước…

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.