.

Tranh, tượng sau triển lãm

.

Sau triển lãm, các tranh, tượng thường được tác giả lặng lẽ đưa về cất giữ, bán hoặc làm gì thì cũng không ai hay biết, không quan tâm. Đó là thực trạng đáng buồn của các cuộc triển lãm tranh, tượng của Mỹ thuật Đà Nẵng hiện nay.

Các cuộc triển lãm mỹ thuật hiện nay ở Đà Nẵng thường chỉ kích thích sự tò mò của người xem trong ngày khai mạc.
Các cuộc triển lãm mỹ thuật hiện nay ở Đà Nẵng thường chỉ kích thích sự tò mò của người xem trong ngày khai mạc.

Ai về nhà nấy…

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, theo quy định của các cuộc triển lãm cấp thành phố, khu vực cũng như quốc gia, các tác giả sẽ có quỹ thời gian nhất định để mang tác phẩm đi dự triển lãm. Sau triển lãm khoảng từ 2-3 ngày, tác giả có trách nhiệm mang tác phẩm về. Sau đó, tác phẩm bị hỏng hóc, hư hại gì, ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm. Với các cuộc triển lãm quy mô thành phố thì hầu như không có chuyện gì xảy ra với tác phẩm. Song, đã có chuyện tác giả này, tác giả kia khiếu kiện về việc tác phẩm của họ bị sứt góc, bị thủng, mẻ… ở các cuộc triển lãm quy mô lớn, chẳng hạn như cấp toàn quốc, khi tác phẩm tham gia triển lãm phải trải qua những đoạn đường dài do di chuyển, hoặc tác giả vì điều kiện chưa kịp đến nhận lại tác phẩm đúng hạn. Tuy nhiên, chuyện kiện tụng cuối cùng thường bị rơi vào ngõ cụt vì không ai có trách nhiệm chăm sóc tác phẩm sau triển lãm. Cũng theo các họa sĩ, điều đáng mừng là thực trạng đó chỉ diễn ra khá phổ biến những năm 2000 trở về trước, còn thời gian sau này được hạn chế dần, vì người được cử làm nhiệm vụ vận chuyển thường ít nhiều có chuyên môn mỹ thuật.

Chóng vánh và ít dư vị

Theo nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh, ở Đà Nẵng, các tác phẩm điêu khắc không đến nỗi bị tồn kho, hư hỏng vì không có nơi trưng bày như thực trạng ở hai đầu đất nước; nhưng việc sau triển lãm, tác phẩm âm thầm cùng tác giả về nhà, được cất kín thì cũng không khác mấy việc những bức tượng ấy bị chết dần. Điều các nghệ sĩ đặc biệt quan tâm là sức sống của các tác phẩm trong lòng công chúng. Đà Nẵng hiện tại vẫn chưa có một địa chỉ thật sự để công chúng có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm mỹ thuật nói riêng. Các cuộc triển lãm diễn ra chóng vánh và ít dư vị khiến nhiều người đặt câu hỏi, rốt cuộc triển lãm để cho ai, vì cái gì? Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nhớ rằng, trước đây (những năm 1990-1995), các cuộc triển lãm mỹ thuật ở Đà Nẵng được tổ chức thường xuyên hằng tháng, vào những ngày cuối tuần và người dân thành phố nô nức đi xem tranh, tượng, thỏa sức với các loại hình giải trí phụ trợ. “Còn bây giờ, cảnh đó đã quá xa, người dự triển lãm ngày nay chủ yếu là các văn nghệ sĩ tự xem tác phẩm của mình, của đồng nghiệp, tự tán thưởng, xong thì đem về cất giữ, hoặc bán đi, không ai biết…”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng trầm tư.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm Mỹ thuật thường niên khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên vào tháng 8 vừa qua tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cũng nhấn mạnh rằng: “Các họa sĩ không chỉ biết vẽ đẹp, biết tán thưởng tác phẩm của đồng nghiệp mà phải làm sao lôi kéo được công chúng đến xem triển lãm, thưởng thức tác phẩm. Làm được như thế thì tác phẩm nghệ thuật mới được nâng tầm, mới có đời sống thật sự”.

Hơn bao giờ hết, các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng trông chờ một nơi trưng bày, một địa chỉ văn hóa ổn định, xứng tầm để tác phẩm của họ có điều kiện đến với công chúng. Họ liên tục nói về Đề án về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố tại 78 Lê Duẩn được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chỉ nằm trên giấy, còn họ thì chỉ biết chờ đợi.

Nhưng điều khiến các họa sĩ, nhà điêu khắc lo lắng hơn, sốt ruột hơn là khi bảo tàng hoàn thành thì có gì trong đó, khi các tác phẩm mỹ thuật có chất lượng, được đánh giá cao trong các kỳ triển lãm quốc gia, quốc tế cứ liên tục bị bán đi. Theo thống kê của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, từ năm 1975 đến nay, thành phố có khoảng 50% tác phẩm mỹ thuật có chất lượng, đoạt giải cao trong các kỳ triển lãm các cấp, bị bán ra nước ngoài. Đến nay, tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn vì thành phố vẫn chưa có chủ trương giữ lại. Được biết, Quảng Nam và Huế đã có chủ trương mua tác phẩm đạt giải trong các kỳ triển lãm cấp tỉnh, thành phố và các cấp cao hơn. Quảng Nam 5 năm một lần và Huế thì mua hằng năm.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.