Về những ứng xử liên quan đến cái miệng
Cái miệng có vai trò quan trọng trong giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng. Tôi xin bắt đầu bằng một mẩu tin cách đây hơn hai năm trên báo Người Lao động (số ra ngày 10-8-2010) theo đó người Anh nhai 9.000 tấn kẹo cao su mỗi năm và 80% kẹo nhai ra bị nhổ xuống những nơi công cộng khiến các đường phố khắp Anh quốc đều bị bã kẹo cao su bám đầy lòng, lề đường, biến thành màu xám đen, người đi đường dẫm lên dính vào giày dép rất khó chịu. Nếu muốn dọn sạch tất cả số bã kẹo trên đường phố ở xứ sở sương mù, Chính phủ Anh phải tốn chừng 150 triệu bảng - tất nhiên cho một lần. Sau khi làm một phép tính rằng nếu như nhà sản xuất chỉ tốn vài xu để làm một thanh kẹo cao su nhưng khi bã kẹo nhả xuống đường phố thì nhà nước phải tốn một bảng Anh để dọn sạch, Thị trưởng London Boris Jonhson bèn phát động chiến dịch mang tên “Cuộc chiến chống kẹo cao su” nhằm xóa bỏ tình trạng mất vệ sinh làm xấu thủ đô nước Anh từ nhiều năm nay dưới con mắt của du khách nước ngoài, nhất là khi Olympic London 2012 đang đến gần.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Olympic London 2012 vừa kết thúc cách đây chừng một tháng nên tôi chưa có thông tin về kết quả thực sự của chiến dịch “Cuộc chiến chống kẹo cao su” rất ấn tượng này, nhưng qua câu chuyện xứ người cũng cần thấy rõ việc xây dựng lối sống đô thị văn minh tiến bộ là cả một quá trình dài lâu và gian khổ. Hơn hai năm trước, hãng tin Reuters dự báo khả năng thành công vô cùng hạn chế của chiến dịch “Cuộc chiến chống kẹo cao su” như sau: “Đáng buồn là kẻ thù kẹo cao su không dễ bị đánh bại. Nó bám đầy các hè đường London hàng chục năm nay và sẽ còn tồn tại sau khi Thị trưởng Jonhson nghỉ hưu” (Báo Người Lao động - tin đã dẫn). Câu chuyện của người Anh cho thấy ý nghĩa kinh tế lẫn ý nghĩa văn hóa của việc xây dựng lối sống đô thị văn minh tiến bộ: những hành vi nhổ bã kẹo cao su xuống lòng, lề đường hoặc nơi công cộng nói chung đã làm tiêu tốn công quỹ rất nhiều, chưa kể còn gây tổn hại cho thương hiệu của một địa phương/đất nước.
Qua câu chuyện xứ người cũng cần thấy rõ việc xây dựng lối sống đô thị văn minh tiến bộ thực chất là một quá trình từ bỏ thói quen xấu không chỉ của số ít cư dân mà còn là của cả một cộng đồng rộng lớn. Không biết bản thân những người Anh thích nhai kẹo cao su luôn miệng vốn là thủ phạm của hành vi nhổ bã kẹo cao su xuống lòng lề đường hoặc nơi công cộng nói chung có đồng thời là nạn nhân của chính họ hay không? Có lẽ là như vậy và với tư cách nạn nhân họ cảm thấy khó chịu khi bã kẹo cao su dính vào giày dép nhưng không vì thế mà họ dễ dàng từ bỏ thói quen nhai kẹo cao su và quan trọng hơn là từ bỏ thói quen nhổ bã kẹo cao su xuống lòng, lề đường. Qua câu chuyện xứ người cũng cần thấy rõ vai trò của nhà cầm quyền trong việc xây dựng lối sống đô thị văn minh tiến bộ.
Chính vì ý thức vai trò của chính quyền thành phố và của cá nhân người đứng đầu chính quyền ấy mà ông thị trưởng London đã phải vào cuộc với quyết tâm rất cao và để chiến dịch “Cuộc chiến chống kẹo cao su” đạt kết quả nhất định, hẳn ông thị trưởng và các cộng sự phải rất gương mẫu trong việc từ bỏ thói quen nhai kẹo cao su hay chí ít là từ bỏ thói quen nhổ bã kẹo cao su xuống lòng, lề đường hoặc nơi công cộng nói chung. Và không rõ khi hoạch định chiến dịch này, ông thị trưởng London có tham khảo kinh nghiệm của Singapore hay không, bởi trong một thời gian dài Singapore đã cấm người dân và cả du khách nhai kẹo cao su (gần đây do áp lực của Mỹ - là nước sản xuất nhiều kẹo cao su- nên điều cấm này có được nới lỏng hơn chút ít) chủ yếu để ngăn chặn từ gốc những kẻ vô ý thức nhả bã kẹo xuống lối đi hoặc dùng tay đính vào cửa xe điện khiến cửa không khép - mở được.
Người Việt nói chung và người Đà Nẵng ngày nay không mấy ai ăn trầu nên khả năng nhổ bã trầu xuống lòng, lề đường hoặc nơi công cộng nói chung hầu như không có, và tuy vẫn có người thích nhai kẹo cao su nhưng số này không nhiều nên chắc cũng chưa cần phát động phong trào nói không với kẹo cao su. Có điều cái miệng không chỉ được dùng để nhổ bã kẹo cao su hay nhổ bã trầu mà còn để khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng và đây mới chính là hành vi ứng xử thiếu văn minh cần được người Đà Nẵng quan tâm điều chỉnh. Có thể nghiên cứu kinh nghiệm cấm khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng của một số quốc gia trên thế giới, chẳng hạn năm 2006, Hội đồng thành phố Fairfield thuộc khu vực Tây Nam Sydney, Australia đã ban hành lệnh cấm khạc nhổ trên đường phố, vì cho rằng hành động này làm “ô nhiễm môi trường trầm trọng” do mất vệ sinh. Bất kỳ cư dân hay du khách nào vi phạm lệnh cấm này, nếu bị bắt gặp tại chỗ, sẽ bị phạt khoản tiền “tượng trưng” tối đa 1.100 đô-la Mỹ.
Năm 2004, chính phủ Trung Quốc cấm mọi người khạc nhổ nơi công cộng hay trên đường phố, vì trận dịch bệnh SARS lây lan qua đường hô hấp và nước bọt. Ngày 23-1-2007, Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho biết các lái xe taxi tại Trung tâm tài chính Thượng Hải sẽ được phát túi nhổ nhằm ngăn họ mở cửa sổ và nhổ bậy xuống đường. Theo đó, một chiếc túi nhổ sẽ được gắn chặt vào giá kim loại quanh ghế ngồi của lái xe để họ và cả các hành khách có thể dùng nó khi cần thiết. Những chiếc túi đặc biệt này sẽ được Ủy ban Vệ sinh Ái quốc Thượng Hải chuyển cho 45.000 chiếc taxi nhằm hạn chế tình trạng nhổ bậy nơi công cộng - thói quen khó bỏ của người Trung Quốc. Thành phố này đã gắn ống nhổ cạnh thùng rác bên vệ đường song không thu được kết quả vì người dân thường nhầm đó là gạt tàn thuốc lá. Năm 2010, một khu liên hợp nhà ở dành cho những người thu nhập thấp thuộc thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về quy định: bất cứ ai bị phát hiện khạc nhổ 7 lần nơi công cộng sẽ bị tịch thu nhà ở.
Và mới đây nhất, theo tờ nhật báo Anh The Daily Telegraph số ra ngày 13-2-2012, Hội đồng thành phố Enfield ở Bắc London, Vương quốc Anh sắp thông qua lệnh cấm khạc nhổ nơi công cộng, với hơn 3.000 chữ ký đồng thuận của người dân địa phương. Những ai bị cán bộ Hội đồng thành phố Enfield phát hiện khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng sẽ bị phạt tại chỗ 130 đô-la Mỹ, một mức phạt mà nhiều người cho rằng còn quá nhẹ tay. Chỉ có 4 người phản đối lệnh cấm này trong suốt buổi hội ý với người dân. Các cán bộ Hội đồng thành phố Enfield được giao quyền “rình rập” và “trao” giấy phạt cho những người vi phạm ngay khi bị phát hiện. Nếu người vi phạm không đóng tiền phạt sẽ phải hầu tòa với mức phạt lên đến gần 8.000 đô-la Mỹ. Hình ảnh từ camera an ninh ghi lại những hành vi khạc nhổ bừa bãi sẽ được dùng làm bằng chứng buộc tội trước tòa. Ông Chris Bond, Ủy viên Hội đồng thành phố Enfield, cho hay: “Khạc nhổ nơi công cộng là một thói quen thật ghê tởm và chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua lệnh cấm này”.
Cái miệng không chỉ được dùng để nhổ bã kẹo cao su hay nhổ bã trầu hoặc để khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng mà còn được dùng để văng tục chửi thề ở chỗ đông người - cũng là một cách hành xử thiếu văn minh mà người Đà Nẵng cần quan tâm khắc phục. Và mặc dầu không có hiện tượng lệch chuẩn ngôn ngữ như văng tục chửi thề nhưng cũng cần được xem là hành xử thiếu văn minh khi đàm thoại qua điện thoại di động một cách quá tự nhiên như chỗ không người trong những không gian đang rất cần sự tĩnh lặng. Cũng có không ít diễn giả khi đang phát biểu và cử tọa đang chăm chú lắng nghe mình thì cảm thấy bực mình khó chịu vì tiếng chuông điện thoại của ai đó reo vang, càng bực mình khó chịu hơn nếu người ấy cứ hồn nhiên sôi nổi điện đàm mà không hề có dấu hiệu điều chỉnh âm lượng, nhưng đến khi người khác phát biểu thì mình lại hành xử tương tự. Cho nên để hình thành thói quen ứng xử văn minh, mỗi người nên khắc sâu lời dạy của tiền nhân: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều gì mình không muốn, chớ nên gây ra cho người khác.
Cái miệng cũng còn được dùng để hút thuốc lá/thuốc lào ở những khu vực không dành riêng cho người nghiện thuốc lá. Ai cũng biết hút thuốc lá/thuốc lào có hại cho sức khỏe nhưng với không ít người Đà Nẵng - số lượng đang giảm dần theo thời gian - hút thuốc lá/thuốc lào vẫn còn là một nhu cầu nhằm tạo khoái cảm. Có điều trong xã hội văn minh, không ai có thể vì khoái cảm của riêng mình mà làm phiền người khác, thậm chí làm hại tới sức khỏe của những người hút thuốc thụ động hoặc nói đúng hơn là hít khói thuốc thụ động ở xung quanh. Tôi nghĩ đã đến lúc chính quyền thành phố Đà Nẵng phát động chiến dịch mang tên “Cuộc chiến chống khói thuốc lá” với quyết tâm rất cao và để chiến dịch “Cuộc chiến chống khói thuốc lá” đạt kết quả nhất định, hẳn các vị lãnh đạo thành phố phải rất gương mẫu trong việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá hay chí ít là từ bỏ thói quen hút thuốc lá nơi công cộng vốn đang được pháp luật nghiêm cấm.
Về những ứng xử liên quan đến cái tay
Hút thuốc lá được xem là một hành xử thiếu văn minh không chỉ vì cái miệng nhả ra khói thuốc độc hại mà còn vì cái tay vứt đầu mẩu thuốc lá ở nơi công cộng. Cũng theo mẩu tin trên báo Người Lao động dẫn trên kia thì ngoài bã kẹo cao su, hằng ngày nước Anh phải thu dọn khoảng 2 triệu đầu mẩu thuốc lá trên các đường phố làm tốn tầm 700 triệu bảng/năm. Điều đó chứng tỏ nước Anh mới tập trung giải quyết hậu quả, trong khi ở Singapore chỉ cần nhỡ tay vứt đầu mẩu thuốc lá ra đường là chắc chắn sẽ bị phạt 500 đô-la Singapore (tương đương 300 đô-la Mỹ). Nếu không có tiền sẽ phải mặc quần áo bảo hộ lao động và đi dọn vệ sinh ngoài bãi biển. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm bản xứ sẽ phải mặc chiếc áo in hàng chữ “Con sâu rác rưởi” sau lưng và lao động dọn vệ sinh. Người vi phạm nhiều lần sẽ bị đưa lên mặt báo như một tấm gương xấu. Chính phủ Singapore cũng khuyến khích các hướng dẫn viên tham gia bảo vệ môi trường nên ngay từ khi đặt chân đến Singapore du khách đã được khuyến cáo. Quan trọng là người biết người khác vi phạm mà không nhắc nhở cũng sẽ bị phạt rất nặng (Theo VietNamNet ngày 21-12-2004).
Rõ ràng trong xây dựng lối sống đô thị văn minh tiến bộ, quản lý hành chính có vai trò rất lớn cả trong xây và chống, không chống tốt không thể xây nổi. Thường người ta bắt đầu xây một nếp sống văn minh nào đó bằng cách chống nếp sống được xem là thiếu văn minh tương ứng, cụ thể là phải đề ra những hình thức chế tài cần thiết để xử lý các trường hợp vi phạm. Tất nhiên sự nghiêm chỉnh mọc trên kỷ luật sắt chưa hẳn đã là biểu hiện của một ý thức xã hội cao, song trong mấy chục năm qua những hình phạt hà khắc đại loại như vậy được áp dụng nhằm chế tài các vi phạm về nếp sống văn minh đô thị đã đưa Đảo quốc Sư tử trở thành quốc gia sạch sẽ và ngăn nắp nhất thế giới.
Đầu mẩu thuốc lá có kích thước không lớn mà còn gây tác hại xấu cho môi trường sống ở đô thị huống chi các loại rác thải đủ kích cỡ, hữu cơ có vô cơ có, chất rắn có chất lỏng có được thẳng tay vứt bỏ bừa bãi khắp nơi. Có một nơi chốn rất cần gương mẫu trong việc nói không với hành vi vứt rác bừa bãi là trong trường học. Điều đáng buồn không phải vì ở không ít nhà trường vẫn còn nhiều rác thải bị vứt bỏ bừa bãi mà vì ở đây hành vi vứt rác bừa bãi đang trở thành bình thường trong mắt mọi người và những người chưa có thói quen vứt rác đúng chỗ vẫn cứ vô tư xả rác. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi không ít nhà hàng đã chấp hành đúng quy định của chính quyền thành phố về việc đặt giỏ rác ngay mỗi bàn ăn mà không ít thực khách vẫn tiện tay vứt rác trên bàn dưới đất, thậm chí ngay trong một số hội trường/phòng họp uy nghiêm vẫn không tránh khỏi cách hành xử thiếu văn minh này, bởi các hành vi ứng xử văn hóa phải được hình thành từ sớm và theo kiểu mưa dầm thấm lâu, ngay khi những công dân tương lai còn ngồi trên ghế nhà trường.
BÙI VĂN TIẾNG