Làng văn xưa nay (không riêng Đà Nẵng) vẫn thường răn dạy nhau: “Chẳng thà chửi cha nó chứ đừng dại mà chê thơ nó”. Mà cái gì đã thuộc vào điều “răn dạy” thì cấm có sai, bởi đó là những “tinh túy” được các cụ đúc kết từ những bài học “xương máu”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1- Văn nghệ sĩ nói chung là “giống trời phạt” (trích lời một nhà thơ Đà Nẵng) “nhiều tật” lắm, một trong những cố tật là “thù vặt”. Và đã thù thì “thù dai”, thù nhất là những kẻ chê thơ, văn mình. Tôi hỏi nhà thơ: “Thù vậy thì họ làm được gì mình hả chú?”, “Thì bịa chuyện, nói xấu, không nhìn mặt nhau… bấy nhiêu đó đã đủ để người ta nể nang và e ngại”, nhà thơ nói.
Cũng theo kinh nghiệm, thường những kẻ văn chương “bập bẹ” hễ bị đụng đến thì càng thù dai!
Bởi thế, mới có chuyện những bạn văn rối rít khen nhau rằng “truyện anh hay lắm” dù đối phương một đời chỉ chung thủy với thơ.
Rồi vì “văn mình”, văn bạn, vì nể nang, không ít nhà văn, nhà thơ được bạn “chọn mặt” gửi gắm viết lời giới thiệu thì phải “cố đấm” mà khen, kiểu như: “Thơ anh cốt ở tấm lòng… chúng ta hy vọng trong chặng đường tiếp theo anh sẽ có những bước tiến dài hơn nữa”. Với những văn bản khó hiểu, đôi khi vì vô nghĩa mà ngay chính người viết cũng không hiểu vì sao mình viết như thế, thì có thể sẽ nhận được lời bình: “Thơ anh nhiều tầng đa nghĩa, trừu tượng, kỳ bí, siêu thực”… rồi cũng yên ổn cả!
Mà đời người giữ cho được hai chữ “yên ổn” ấy là quý lắm! Thế là lối mòn cứ nối tiếp, chồng chéo lối mòn trong những lời phẩm bình, giới thiệu tác phẩm văn chương… khiến không ít độc giả có nhã hứng, nhưng vừa cầm sách lên, đọc vài dòng giới thiệu đã thở dài chán ngán “cũng thế thôi!”…
2- Từ “văn mình” tôi liên tưởng đến “báo mình”, nhất là với những bài báo được đăng đầu tiên, tờ báo được cầm lên, bỏ xuống không biết mấy lần, đi lại cũng chỉ thích ngắm vuốt bài của mình, đọc hoài đọc mãi cứ thấy sao mà hay, sao mà chí lý?! Còn bài của đồng nghiệp thường chỉ đọc lướt một lần để nắm thông tin, rồi thôi... Không nhiều bút danh để lại ấn tượng.
Nhưng, nói ngược xong rồi cũng cần nghĩ xuôi lại một chút, nhiều người cho rằng, đôi khi nhờ cái tư tưởng “văn mình”, “báo mình” ấy mà những bài viết hưng phấn hơn, có trách nhiệm hơn. Người ta nói, tự ái, tự trọng để đi lên là thế. Vì không chịu nổi sự chê bai, không chấp nhận thua kém mọi người mà nhiều cây bút đã thành danh từ những xuất phát điểm không mấy thuận lợi...
Do đó, chuyện “văn mình” đôi khi là nguyên nhân của sự chậm tiến, của những lạc hậu, cổ hũ nhưng mặt khác, nó lại là chất xúc tác hữu hiệu cho sự tiến bộ, làm cho người sở hữu “cố tật” này ngời lên vẻ đẹp tự tin, kiêu hãnh! Nhất là khi cái sự viết lách rất cần dấu ấn riêng, có người cặm cụi viết cả đời, cuối cùng vẫn không thể chạm đến hai chữ phong cách. Phong cách, giọng điệu là yếu tố không thể thiếu khẳng định tài năng, nhận thức xã hội, cảm quan thẩm mỹ, đạo đức… của nhà văn, nhà thơ và cả nhà báo. Ngẫm thêm nữa, thấy “văn mình”, “báo mình” cần vô cùng trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng Internet tràn lan, bản quyền bị lạm dụng bằng nhiều phương cách, mọi ngõ ngách như hiện nay.
3- Vậy là, cái tư tưởng “văn mình” xem ra cũng không hoàn toàn đáng phê phán! Vấn đề là cách nhìn nhận và thể hiện của chúng ta đến mức độ nào. Khi viết bài này, ngay từ đầu, chúng tôi chỉ muốn góp một cái nhìn thực tế, chứ không hề có ý hạ bệ văn chương, hay nhạo báng những văn sĩ. Người cầm bút dù không bao giờ được quên “cái tôi”, nhưng cũng nên biết tiếp thu, biết lắng nghe ý kiến, biết trau dồi mình… Và hơn bao giờ hết, những nhà nghiên cứu, phê bình có nhiệm vụ định hướng dư luận hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của “người cầm cân nẩy mực”: chỉ nói thật lòng mình, nói những điều mình thực sự “cảm” thấy, bởi khi viết xong những bài bình hay phê, người viết đều phải ký tên cuối bài. Và bởi vì, không chỉ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ hoặc bài báo… mà phê, bình hay bài gì đi nữa, rốt cục cũng là “văn mình” đó thôi.
THANH TÂN