Trong giờ chào cờ đầu tuần ngày 27-8 vừa qua tại Trường Trung học Trần Quý Cáp-Hội An, ngoài Ban Giám hiệu, Hội đồng giáo viên, Hội Khuyến học, toàn thể học sinh còn có hai vị khách mời. Một ở trong nước: anh Võ Như Lanh, nguyên Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài gòn và một người ở nước ngoài: TS. Trần Văn Thọ, GS. Trường Đại học Waseda (Tokyo). Họ là khách từ hai nơi ở rất xa nhưng có chung một điểm để tự hào: Họ đều là cựu học sinh của trường, học cùng đệ nhị cấp (THPT) những năm 1964-1967. Anh Lanh và anh Thọ về thăm lại trường cũ và mang học bổng do việc phát hành cuốn sách “Việt Nam từ năm 2011 - Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian” của GS. Trần Văn Thọ (NXB Tri thức 2011) tặng cho các em học sinh học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Được mời lên phát biểu, GS. Trần Văn Thọ có cầm theo một cuốn sổ. Đấy là cuốn sổ ghi chép môn Quốc Văn năm học lớp đệ Nhị (lớp 11 bây giờ). Sẽ chẳng có gì để nói về cuốn vở ghi chép của một học sinh, khi nghe thầy giáo giảng bài. Cái gây ấn tượng là cuốn sổ như bản tính của anh Thọ, được ghi chép rất cẩn thận, hầu như không thiếu một chi tiết nào của bài giảng.
Cuốn vở ghi bài học môn “Quốc văn” niên khóa 1965 - 1966, có lẽ do sức học cả năm và nhất là sự cẩn thận, đầy đủ của cách ghi chép nên cuối năm học thầy T. (bấy giờ được gọi một cách kính trọng là Giáo sư) mượn cuốn sổ ghi chép của anh Thọ. Sau đó, tốt nghiệp tú tài “hai” (trước năm 1975, học xong lớp đệ Nhị (lớp 11), học sinh phải vượt qua kỳ thi “tú tài 1” nghiêm túc, người nào thi đỗ mới được lên học lớp đệ Nhất (lớp 12) và cuối năm phải qua một kỳ thi rất căng thẳng, nếu đỗ thì được cấp bằng tú tài 2 (có khi gọi tú tài đôi), kết quả có phân loại: ưu, bình, thứ…) anh Thọ thi đỗ học bổng của Chính phủ Nhật và sang Tokyo từ năm 1968. Biết bao thay đổi trong và ngoài nước, thầy giáo năm xưa cũng đã về nghỉ hưu và chuyển vào ở thành phố Hồ Chí Minh, còn anh Thọ thì học và làm việc tại Nhật. Trong chuyến về nước năm 2000, anh Thọ tìm lại thăm thầy cũ. Hơn 30 năm thầy trò gặp lại, bồi hồi xúc động. Khi chia tay ra về, thầy T. nắm tay anh Thọ nói: Tôi có cái này xin gửi lại anh. Thầy vào lại tủ sách và lấy ra cuốn sổ ghi chép của anh Thọ năm xưa, được giữ gìn nguyên vẹn. Cầm lại cuốn sổ, anh Thọ tràn đầy xúc động. Không chỉ gặp lại cuốn sổ mà như gặp lại biết bao kỷ niệm của một thời học trò không thể nào quên. Dĩ nhiên, cuốn sổ được anh Thọ trân quý và giữ nó từ ấy đến nay.
Gần 50 năm đã qua, tôi cầm cuốn sổ ghi chép của anh Thọ. Đọc lại một cách thú vị những điều anh ghi ngày xưa. Những đoạn trích giảng Nguyễn Công Trứ “không công danh thà nát với cỏ cây”, những phân tích về “Đoạn tuyệt”, “Nửa chừng xuân”… Trong cuốn vở thấy có một tờ giấy rời ghi đề thi “Đệ nhất lục cá nguyệt” như sau: “Một quan niệm sống của người bình dân Việt Nam được thể hiện qua câu: “Sống về mồ, về mả/ Chẳng ai sống về cả bát cơm”. Hãy giải thích câu ấy và thử định cho nó một giá trị tư tưởng”.
Đọc lại tập ghi bài học của anh Thọ và đề văn trên, tôi cảm thấy cách dạy và học ngày xưa có nhiều điều khiến mình suy nghĩ. Một người thầy giỏi không phải là một người thợ dạy nhồi nhét kiến thức hàn lâm cho học trò, mà chính là người khơi mở, truyền trao và thôi thúc sự ham mê sáng tạo của người học trò.
MINH KHUÊ