.

Đam mê Hán Nôm

.

Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng được thành lập vào ngày 24-9-2012 (tiền thân là Tổ tự học Hán Nôm, ra đời năm 2006), văn phòng đặt tại trụ sở Hội Khuyến học thành phố ở đường Lê Thanh Nghị, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu.

Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng hướng dẫn viết thư pháp.
Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng hướng dẫn viết thư pháp.

Hoạt động của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng tập trung vào 3 nội dung chính: dạy Hán Nôm cơ bản, nâng cao và viết chữ Hán Nôm trên vi tính; sưu tầm, biên soạn, dịch thuật các văn bản bằng chữ Hán; dịch văn bia, văn chỉ, gia phả, hoành phi, câu đối, trướng liễn ở các đền, chùa, nhà thờ...

Chương trình dạy Hán Nôm của trung tâm dựa vào giáo trình Bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Lớp học hiện có hơn 20 học viên, đa số là các cụ hưu trí, học vào sáng mồng một và sáng 15 âm lịch mỗi tháng tại nhà ông Huỳnh Phương Bá, Giám đốc trung tâm, ở số 18/4 kiệt 82 Trưng Nữ Vương. Ông Nguyễn Văn Hiền, một học viên của trung tâm hào hứng nói: Hán Nôm có những cái rất hay mà nhờ đến đây học, tôi mới biết được, chẳng hạn như cùng đi với bạn bè thì gọi là “đồng hành”, cùng đi với gia nhân gọi là “tịnh hành”, còn tất cả mọi người cùng đi gọi là “đẳng hành”...

Thạc sĩ Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Đà Nẵng, vừa tham gia tư vấn, trao đổi, nâng cao trình độ Hán Nôm, vừa nhiệt tình hỗ trợ trung tâm trong quá trình hoạt động. Còn ông Hồ Quang (anh ruột của ông Hồ Tấn Tuấn) rất giỏi Tin học, tự nguyện bỏ công, bỏ tiền, soạn thảo, in ấn và hướng dẫn tác nghiệp chữ Hán Nôm trên vi tính. Từ thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhà thư pháp Phạm Thúc Hồng cũng thường xuyên đến tham gia các hoạt động của trung tâm, nhiệt tình chỉ dẫn cách viết thư pháp và đưa các cụ đi thực tế tại các ngôi chùa nơi phố cổ. Ông Phan Đình Long ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố, đã ngoài 70 tuổi vẫn đều đặn mỗi tháng đến đây 2 lần “ôn lại chữ thánh hiền”. Theo ông Long, tham gia lớp học này, cụ được tiếp nhận thêm kiến thức chữ Hán vốn đã học hồi trẻ và cảm thấy rất vui thú, có ích cho sức khỏe.

Từ Tổ tự học Hán Nôm đến Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng chỉ 6 năm, nhưng các cụ đã làm được nhiều công trình đầy ý nghĩa, đã đọc, dịch các văn bia, văn chỉ, hoành phi, câu đối, gia phả ở nhiều địa phương. Tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) có một tấm bia chữ Hán đã mờ, lâu nay người dân địa phương không hiểu nội dung gì. Nghe tin đó, các cụ đã đến dịch và giải thích rành rọt đó là bia ghi tên những người đã đóng góp xây dựng Văn chỉ La Châu (nội dung Văn chỉ nói về công lao của Khổng Tử). Nhiều tộc họ ở Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận đã đến nhờ các cụ dịch gia phả. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các cụ đã viết “Chiếu dời đô” bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, cùng với chân dung Vua Lý Thái Tổ trên khổ lớn và tổ chức tuyên truyền tại nhiều nơi, sau đó trao tặng cho Trường tiểu học Lý Công Uẩn (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).

Mới đây, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã dịch và giới thiệu một số văn bản chữ Hán nói về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa như Hoàng Sa đảo của nhà bác học Lê Quý Đôn (trích trong Phủ biên tạp lục); Bộ Công - thời Minh Mạng năm thứ 17 (1836), phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc đánh dấu ở Hoàng Sa; Bộ Công - thời Triệu Trị năm thứ 7 (1847) tâu trình việc hoãn đi khảo sát Hoàng Sa…

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.