Truyện Kiều được vô cùng ngưỡng mộ, thế nhưng...
Mới đây, về thăm “văn hiến địa” Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), buớc vào Nhà Lưu niệm Nguyễn Du, tôi không thể không ghi lại lời Đình nguyên Đào Nguyên Phổ thán phục ngợi ca bút lực phi phàm của Tố Như tiên sinh:
“Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp tan, cam khổ mà tình không rời cảnh. Tả cảnh thì bày hết thú vị phong, hoa, tuyết, nguyệt mà cảnh tự vướng tình. Mực muốn múa mà bút muốn bay. Chữ hay phô mà lời hay nói. Khiến người cười, người khóc, khiến người vui, người buồn! Giở đi giở lại hàng nghìn lần, càng đọc thuộc càng không biết chán! Thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng, một điệu tình phả vô song!”.
Buổi tối, ngồi trong trụ sở UBND xã, xem diễn “chèo Kiều” - hình thức “chèo” đặc biệt của Tiên Điền, tôi nghe nhiều câu hát chèo thật ý nhị:
Bước xuống sông Lam tìm con cá lội
Trèo lên Hồng Lĩnh hái một trái sim
Có thương, anh mới đến đây tìm
Bây giờ gặp mặt như Kim gặp Kiều…
Hoặc là:
Ra ngõ vừa gặp người xinh
Khác nào Kim Trọng tiết Thanh Minh gặp Kiều...
Dân Tiên Điền coi nàng Kiều, chàng Kim như những người thân gần gũi nơi đầu làng, cuối xóm.
Không chỉ dưới hình thức “chèo Kiều” Tiên Điền, Truyện Kiều đi vào lòng nhân dân ta từ Bắc chí Nam suốt 2 thế kỷ qua, và còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nữa, rất độc đáo Việt Nam như vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… Những nhân vật trong truyện như Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh... không hề xa lạ đối với nhiều thế hệ người Việt Nam ta, ở nơi thôn cùng xóm vắng cũng như chốn đô hội thị thành.
Truyện Kiều được nhân dân ta vô cùng ngưỡng mộ. Thế nhưng, cho đến nay, tiếc thay vẫn thiếu một văn bản có thể coi là gần nguyên tác nhất!
Chữ Nôm bị rẻ rúng qua nhiều thế kỷ
Sở dĩ có tình trạng đó là do trước kia, trong thời quân chủ ở nước ta, chữ Nôm không được coi trọng. Về mặt ngôn ngữ, văn tự, các nho sĩ ta chỉ được chính thức học chữ Hán, thi chữ Hán, không được học chữ Nôm, thi chữ Nôm. Cách viết chữ Nôm suy ra từ chữ Hán lắm khi “mỗi người một phách”, khiến kẻ hậu sinh gần như phải vừa đọc vừa “đoán mò”, “giải mã”.
Nhà nước phong kiến Việt Nam lại không ấn hành các loại từ điển chữ Nôm chính thống để làm chuẩn mực cho văn tự quốc gia. Khác với chữ Hán, cách đây hơn 2.000 năm, từ đời nhà Hán, ở Trung Quốc đã có từ điển, và càng về sau, số từ điển càng nhiều, nội dung càng phong phú, chính xác. Ai đã từng một lần tra cứu bộ Khang Hy từ điển không thể không cảm thấy ngỡ ngàng thán phục.
Thợ khắc ván in ở nước ta cũng không quen khắc chữ Nôm. Đó là chưa kể có bản Kiều Nôm còn phải đưa sang Trung Quốc thuê thợ Quảng Đông khắc ván in. Tất nhiên, do không đọc được chữ Nôm, đôi khi họ cho là bản thảo viết “sai”, nên tự ý sửa lại cho “đúng” với... chữ Hán. Chất lượng bản in chữ Nôm thường kém xa bản in chữ Hán.
Thơ, phú Nôm không được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Việc thưởng thức thơ, phú Nôm chỉ là chuyện... “trà dư tửu hậu”!...
Trong bối cảnh đó, những bản Truyện Kiều Nôm, được chép tay hay khắc ván in ra, thật khó mà tránh khỏi nhiều chỗ sai lạc!
Các bản Truyện Kiều đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ lại căn cứ vào một số bản Nôm khác nhau đã có sẵn, cho nên càng ngày càng xa nguyên tác. Đó là chưa nói đến cái tật “nhuận sắc” tùy theo sở học và thị hiếu của từng người. Đã có những ông hoàng xứ Huế tự ý chữa thơ Nguyễn Du cho... “hay hơn”!
Con đường phục nguyên Truyện Kiều đầy gian truân
Sau ngày nước ta giành lại được độc lập, tiếng Việt nghiễm nhiên trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia, và nền văn học viết bằng tiếng Việt được coi là chủ đạo. Truyện Kiều được giảng dạy ở tất cả các cấp học, được nghiên cứu ở các viện, các trường đại học. Nguyễn Du được công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới. Việc khảo đính Truyện Kiều được coi trọng hơn trước rất nhiều. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh ra mắt bạn đọc vào năm 1974.
Tuy đã có những bước tiến khá dài trong việc khảo đính, nghiên cứu Truyện Kiều, nhưng giới “Kiều học” vẫn còn nhiều việc phải làm để phục nguyên tác phẩm của Nguyễn Du.
GS Hoàng Xuân Hãn đã bỏ ra gần nửa thế kỷ để nghiên cứu Truyện Kiều và dường như đã hoàn thành cuốn sách dày dặn Kiều tầm nguyên. Nhưng, thật không may, sau khi giáo sư Hãn qua đời, gia đình ông không tìm được bản thảo cuốn sách quý đó để đưa in!
Trong những năm 1982-1990, GS Nguyễn Tài Cẩn được cử sang giảng dạy tại Đại học Paris 7 hai lần, trong khoảng 2 năm. GS Cẩn nhiều lần gặp gỡ, trao đổi ý kiến với GS Hãn. Và ý kiến của GS Hãn đã hoàn toàn thuyết phục ông. Đó là cần phải tìm kiếm, khảo sát tất cả các bản Kiều cổ ở thế kỷ 19 có thể tìm kiếm được, với số lượng càng nhiều càng tốt, từ đó mới có cơ sở khoa học để phục nguyên văn bản gốc Truyện Kiều. GS Hãn cho biết, bản thân ông đã nghiên cứu 8 bản Kiều thời Tự Đức.
Trong thời gian làm việc tại Paris, GS Cẩn để ý tìm kiếm và về sau, còn được bạn bè cung cấp thêm một số bản sao chụp. Cuối cùng, ông có trong tay 9 bản Kiều ở thế kỷ 19. Tuy nhiên, ông chưa có ý định viết gì, bởi còn chờ cuốn Kiều tầm nguyên của GS Hãn ra mắt bạn đọc.
Nhiều năm trôi qua, cuốn sách kia vẫn chưa thấy xuất hiện, trong khi chung quanh một bài nói của GS Hãn trả lời phỏng vấn báo chí - do phát ngôn theo trí nhớ và quá vắn tắt - đã diễn ra một cuộc tranh luận lắm khi khá gay gắt.
Trước tình hình ấy, nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng như ở Pháp đề nghị GS Cẩn trình bày rõ hơn quan điểm khoa học của GS Hãn - một vị học giả uyên thâm, cẩn trọng - về nghiên cứu, khảo đính Truyện Kiều, trong một số bài báo khoa học và tốt nhất là trong một cuốn sách chuyên khảo. Đó chính là lý do thúc đẩy GS Cẩn cho in cuốn Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (645 trang khổ lớn, NXB Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học hợp tác xuất bản gần đây).
Trong Lời nói đầu cũng như Vài lời cuối sách, GS Cẩn dùng những ngôn từ hết sức khiêm nhường để nói về cuốn sách của mình: “Trong khi cuốn Kiều tầm nguyên của Cụ (tức GS Hãn) chưa ra được thì xin bạn đọc hãy dùng tạm cuốn này (...). Nếu nay mai cuốn sách đó ra được, chúng ta sẽ có điều kiện để so sánh. Tuy 2 cuốn đều cùng một hướng, nhưng chắc chắn sẽ có những chỗ khác nhau. Khác nhau chắc phần lớn là do chúng tôi sai lầm: có thể do chúng tôi chưa nắm bắt được thấu đáo ý đồ của Cụ hoặc nắm bắt được đại cương nhưng khi đi vào cụ thể thì thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm nên vận dụng sai ý tưởng của Cụ. Cũng có thể khác nhau là do chúng tôi có đem tri thức ngôn ngữ học bổ sung thêm vào hướng đi mà Cụ đã chỉ dẫn. Một sự so sánh 2 cuốn sách sẽ là một điều rất có lợi cho bước tiến lên của ngành Kiều học”.
Bước đột phá trong ngành Kiều học
Tuy tác giả khiêm nhường rất mực, nhưng giới thức giả nước ta và nước ngoài vẫn đánh giá rất cao cuốn sách của Nguyễn Tài Cẩn, coi đó là bước đột phá trong việc nghiên cứu và khảo đính Truyện Kiều vào những năm đầu thế kỷ 21. Nét nổi bật ở công trình này là tác giả đã vận dụng những phương pháp khoa học, hiện đại để nghiên cứu, khảo đính. Ông là chuyên gia hàng đầu về Việt ngữ học ở nước ta, là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngữ văn tại Leningrad, Liên Xô cũ (nay là Saint Petersburg, LB Nga) năm 1960, và cũng là nhà ngôn ngữ học đầu tiên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách Tư liệu Truyện Kiều…, tác giả đã khảo sát cặn kẽ, chi li 9 bản Kiều ở thế kỷ XIX, gồm 7 bản Nôm: Duy Minh Thị (1872, 1879), Liễu Văn Đường (1871), Quan Văn Đường (1879), Thịnh Mỹ Đường (1879), Lâm Nọa Phu (1870), Kiều Oánh Mậu (biên tập cuối thế kỷ XIX, xuất bản năm 1902); 1 bản nửa Nôm nửa Quốc ngữ của Abel des Michels (1884) và một bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (1875).
Công phu bỏ ra thật không kể xiết! Điều tra về 9 bản Kiều tức là phải khảo sát khoảng 29.000 câu với khoảng 205.000 chữ, hầu hết là chữ Nôm viết tay hoặc in mộc bản hơn trăm năm về trước, nay mờ, khó đọc, lại thêm có nhiều tự dạng cổ khó “giải mã”.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc rồi, Nguyễn Tài Cẩn vẫn tiếp tục khảo sát kỹ thêm các văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm cổ có trong tay, và phát hiện ra một số vết tích kỵ húy thời Lê - Trịnh. Điều đó gợi cho ta suy đoán rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào thời kỳ Tây Sơn, trong “mười năm gió bụi”, “bèo dạt mây trôi”, chứ không phải sau khi đi sứ Trung Quốc trở về nước, như nhiều nhà “Kiều học” trước đây vẫn tưởng.
Nhà học giả “bất yếm, bất quyện”
Có lẽ cũng nên nói thêm điều này: Sau khi về hưu, Nguyễn Tài Cẩn chuyển sang sống tại Mátxcơva cùng vợ là GS Nona Stankyevitch. Cư trú trên đất Nga để được con cháu chăm sóc lúc ốm đau, nhưng hai ông bà vẫn mải mê nghiên cứu tiếng Việt, như những năm nào còn giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - kể cả thời kỳ trường sơ tán lên vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Qua thư điện tử gửi từ Mátxcơva, ông vẫn đều đều thông báo với những người thân quen ở Việt Nam (trong đó có tôi) và cả ở Pháp, Mỹ một số tìm tòi mới nhất của ông về Truyện Kiều.
Là người được đào tạo tại Nga, lấy vợ Nga, nhưng trong suốt cuộc đời dài, ông dành nhiều công sức nghiên cứu Hán, Nôm và đã công bố nhiều công trình trong lĩnh vực này, như: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt, Một số vấn đề chữ Nôm, ảnh hưởng Hán văn Lý - Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Tư liệu Truyện Kiều bản Duy Minh Thị, v.v…
Năm 2000, Nguyễn Tài Cẩn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vào dịp ấy, Đại học Quốc gia Hà Nội tặng ông một chiếc đĩa sứ lớn, tráng men trắng ngà, trên mặt đĩa có in 4 chữ Hán viết tay: Bất yếm, bất quyện (rút ngắn lời Khổng Tử trong Luận Ngữ: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, nghĩa là học không biết chán, dạy người không biết mỏi).
Thật quá đúng với tư chất thầy Cẩn!
Trên nền tảng kiến văn thâm hậu, các công trình nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn có thể coi là chuẩn mực, đáng để cho tất cả những ai yêu tiếng Việt và văn học nước nhà tìm đọc. Tất nhiên, đó không phải là thứ sách “nhẹ nhàng”, “bay bướm”, hợp “gu” đám người đọc chỉ cốt để “giải trí cho vui” sau những giờ lai rai nhậu nhẹt.
Đối với Nguyễn Tài Cẩn, nghiên cứu khoa học là lẽ sống. Ông nhiều lần khước từ những chức vụ quản lý nhiều quyền uy để dành tất cả thời gian và tâm huyết cho nghiên cứu.
Sinh ngày 2-5-1926 tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, GS Nguyễn Tài Cẩn qua đời ngày 25-2-2011 tại Mátxcơva, thọ 85 tuổi.
HÀM CHÂU