Không hiểu sao khi nghĩ về GS Tô Ngọc Thanh, một trong những cây đại thụ lớn nhất của giới nghiên cứu văn hóa - văn học dân gian, tôi lại nhớ về những từ ngữ, những câu nói thường trở đi trở lại trong khi trình bày hay giải quyết vấn đề của ông. Những câu, chữ đó hệt như nhiều lát cắt khác nhau giúp tôi hình dung về những khía cạnh đặc biệt tạo nên một chân dung trong sắc thái tổng hòa của ông.
GS Tô Ngọc Thanh |
Bài viết này chỉ xin như góc nhìn ngưỡng vọng của một kẻ hậu sinh với bậc trí thức đã, đang và sẽ còn tiếp tục dành trọn tâm huyết cuộc đời cho những bản sắc văn hóa đa dạng của dân tộc.
Định tính và định lượng
GS Tô Ngọc Thanh có lần chia sẻ, trong bất cứ công việc gì, khi đã đưa ra kế hoạch hành động, nhất thiết phải thể hiện đầy đủ 2 mặt: định tính và định lượng. Theo ông, cách nói chỉ thiên về định tính, tức là chỉ ra mục tiêu, định hướng chung chung, mà thiếu thông tin về định lượng, tức là những yếu tố cụ thể về thời gian, cách thức thực hiện, dự trù nhân lực, ngân sách, phương pháp… đều không giải quyết được bất cứ vấn đề nào. Với ông, nguyên tắc để triển khai công việc bao giờ cũng phải cụ thể, rành mạch, không chung chung, vô thưởng vô phạt, cốt nói cho hay mà làm thì thật dở. Nhìn vào rất nhiều những chủ trương, chính sách hiện nay, GS cho rằng, sự cụ thể hóa của những chủ trương, chính sách đó về mặt định lượng là hết sức quan trọng, điều đó sẽ quyết định tới mức độ thành công của các tiêu chí đã được đặt ra về mặt định tính. Và ông không chỉ nói mà thực sự đã vận dụng điều này ngay trong thực tế công việc ở Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Tất cả vì hội viên
Với quan điểm tất cả vì hội viên, ngay từ năm 1989, khi tổ chức vận động thành lập Hội Văn nghệ dân gian từ một thực trạng tản mát, thiếu định hướng, và sau đó là giữ vị trí Chủ tịch Hội, GS Tô Ngọc Thanh đã tuyên bố không nhận lương kiêm nhiệm cho vị trí này và thuyết phục những người khác trong BCH Hội không nhận lương. Số kinh phí duy trì hoạt động Hội do Nhà nước rót xuống hằng năm đều được ông dành trọn vẹn cho công tác đào tạo, nghiên cứu và xuất bản các công trình khảo cứu của hội viên. GS quan niệm, tất cả vì hội viên, nhưng phải là những hội viên thực sự làm việc.
Với những người tâm huyết trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu các giá trị văn hóa dân gian, ông không những động viên, khích lệ về mặt tinh thần mà còn chủ động đầu tư, cấp kinh phí, tạo điều kiện vật chất ở mức tốt nhất có thể để họ làm tốt công việc.
Với hơn 1.200 hội viên trải rộng trong 84 chi hội thuộc 63 tỉnh, thành phố cả nước, hằng năm, ông luôn chủ động mở lớp tập huấn thường xuyên cho các hội viên về kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm. Điều đáng nói, thời gian tổ chức mỗi lớp như vậy chỉ kéo dài 6 ngày nhưng bao giờ cũng cung cấp cho học viên những điều cơ bản nhất, thiết thực nhất để ai cũng có thể độc lập và tự chủ trong công việc của mình. Hơn ai hết, người Chủ tịch Hội hiểu rằng, khác rất nhiều với các Hội nghề nghiệp khác, Hội Văn nghệ dân gian phải là Hội đứng chân tại địa phương, và những giá trị, nếu có thể đạt được, của Hội phải được khai thác từ ngay chính cơ sở. Theo đó, trong suốt hơn 20 năm ở cương vị này, ông đã không ngừng gây dựng, khuyến khích và góp sức hình thành một đội ngũ làm công tác nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian rộng khắp trên cả nước.
Dự án 2.000 đầu sách và ông chủ trang trại gián
Dẫu vậy thì số tiền để Hội có thể đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản các công trình về văn hóa - văn học dân gian vẫn còn rất khiêm tốn. Hàng nghìn công trình sau khi được hoàn thành bản thảo vẫn trở thành… nơi trú ẩn của gián trong kho lưu trữ vì không có tiền xuất bản. Nghĩ về thực trạng đó, không khỏi có lúc nhà nghiên cứu, GS Tô Ngọc Thanh tự trào rằng ông đang trở thành… chủ một trang trại gián. Bởi theo thời gian, bản thảo các công trình chưa in đang dần bị mối mọt, gián xâm hại mà dù tâm huyết tới chừng nào, ông và các cộng sự cũng đành lực bất tòng tâm.
Bức ảnh chụp giáo sư và câu chuyện về “trang trại gián” của phóng viên Việt Văn trên Báo Lao động đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quan tâm. Và rồi liền sau đó, GS Tô Ngọc Thanh đã được mời tham gia lên kế hoạch và triển khai dự án 2.000 đầu sách trong 10 năm của Hội Văn nghệ dân gian. Từ năm 2008 tới nay, sau 5 năm triển khai, dự án đã in được khoảng 1.000 đầu sách và số sách này đã được chuyển tới các Hội Văn học-nghệ thuật, các trường đại học, cao đẳng và thư viện các tỉnh trên cả nước. Nhìn lại những việc đã làm được của mình cho Hội và cho các hội viên, nhiều lúc GS cho rằng, có lẽ những tố chất của một anh lính trinh sát năm xưa đã tác động tới nhiều cách làm việc của ông, đó là luôn chu đáo, tỉ mỉ và cố gắng làm sao để chọn được con đường ngắn nhất, tối ưu nhất cho vấn đề cần giải quyết.
Học “nội ngữ” và ngoại ngữ
GS Tô Ngọc Thanh cho rằng, nếu muốn một người làm tốt được công việc của mình, không thể không trang bị cho họ công cụ làm việc, kỹ năng làm việc mà còn phải là điều kiện vật chất cần thiết để làm tốt việc ấy. Chính quan niệm định tính và định lượng đã giúp ông hiểu cặn kẽ và sâu sát vấn đề, giúp hội viên Hội Văn nghệ dân gian có được điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần trong công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học dân gian. Câu chuyện ông đã tìm được nguồn tài trợ từ quỹ Ford mỗi năm hàng chục tỷ đồng cho các công trình của hội viên Hội Văn nghệ dân gian và ngay cả cách chuyển nguồn tài trợ đó tới từng hội viên đã cho thấy tâm huyết vô cùng đáng trọng ở người trí thức này. |
Nhiều người từng gọi GS Tô Ngọc Thanh là một huyền thoại bởi khả năng rất đặc biệt về ngôn ngữ của ông. Chưa nói tới ngoại ngữ, ta hãy chỉ xem số “nội ngữ”, tức các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ông biết được tới giờ cũng đã rất nhiều rồi. Ngoài tiếng Thái là thứ tiếng ông bắt đầu học hỏi và làm quen ngay từ những ngày đầu là một cán bộ tuyên truyền văn hóa ở vùng Tây Bắc, ông còn đọc và viết thông thạo các tiếng khác như Mường, Mông, Lào, Tày, Nùng, Dao, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai.
Việc thành thạo ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số rõ ràng là lợi thế không nhỏ trong công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của ông. Nhưng không chỉ vậy, ông còn tự học ngoại ngữ khi thấy nó thực sự cần thiết cho công tác của mình. Còn nhớ khi ông đã bước sang tuổi 60, quan sát xu thế phát triển của ngôn ngữ trên thế giới, ông quyết định sẽ tự học thêm tiếng Anh. Với vốn tiếng Pháp sẵn được học từ ngày còn bé, việc bổ sung thêm vốn tiếng Anh với ông xem ra không quá khó khăn. Nhưng điều quan trọng là ông luôn cố gắng tìm ra phương pháp học nhanh nhất và hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt được kết quả.
Và cũng giống như khi quan sát để tìm ra quy luật biến âm của rất nhiều “nội ngữ”, với tiếng Anh, ông đi từ những cấu trúc biến đổi từ nguyên để hình thành từ loại. Theo đó, học một chữ, ông phải biết được thêm ít nhất 5 chữ khác được phát sinh từ nó. Là người nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, ông rất hiểu nguyên tắc tư duy của các dân tộc luôn khác nhau. Vậy là với tiếng Anh, ông bắt mình phải học và nhớ thật nhiều những thành ngữ, tục ngữ, những cách nói thể hiện một phương thức tư duy hoàn toàn khác, đôi khi trái ngược với lối tư duy người Việt. Nhưng chỉ theo cách ấy ông mới có thể nói đúng như người Anh và viết cũng theo cách của người Anh.
Cứ theo cách học này, chỉ trong vòng một năm, GS Tô Ngọc Thanh đã có thể làm chủ ở một mức tương đối thứ ngôn ngữ mà chỉ trước đó chừng 360 ngày thôi vẫn còn xa lạ với ông. Tất nhiên, với một người luôn có ý thức tự học như ông, ngoài việc tự lực rèn luyện, mỗi chuyến ra công tác ngoài nước lại là cơ hội để ông tiếp tục bổ sung, trau dồi vốn ngoại ngữ của mình.
Cho tới giờ, khi đã ở ngoài độ tuổi 80, ông đã có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong mọi công việc, thậm chí giảng dạy bằng ngôn ngữ này tại một số trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Và hẳn nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng, khi quỹ thời gian không còn nhiều nữa nếu nhìn vào tuổi tác của GS, ông vẫn đang chuẩn bị học thêm tiếng Đức bởi niềm say mê nền triết học cổ điển Đức đang ngày càng thôi thúc.
Không hiểu thì phải học
Có lẽ, câu chuyện về việc học thêm tiếng Đức ở độ tuổi ngoài 80 như thế sẽ không khó hiểu với những người biết được quan niệm sống, học tập và làm việc của GS Tô Ngọc Thanh. Ông luôn nghĩ, điều gì mình không biết thì nhất định phải học, phải tìm hiểu cho tới nơi tới chốn, không nghe theo, không nói theo và nhất là không được nói liều, làm liều. Trong đời mình, giáo sư luôn đi theo hai cách làm việc. Trước hết, mỗi ngày mới bắt đầu, ông đều cố gắng cập nhật một cách nhanh nhất những vấn đề đang diễn ra trên thế giới, những điều mà dư luận thế giới quan tâm, từ đó tìm và lọc ra, đâu là những chuyện có liên quan tới công việc chuyên môn của mình. Tiếp đó, ông sẽ đi sâu vào nghiên cứu, học hỏi tỉ mỉ những điều thực sự bản thân thấy cần thiết và có ích nhất.
Có lẽ trong đời mình, GS Tô Ngọc Thanh đã nuôi dưỡng một cách ý thức và đầy chủ động tinh thần tò mò trước cuộc sống. Trước những điều không hiểu, ông đều cố gắng tìm cho tới ngọn nguồn, chi tiết, nhất thiết không hài lòng với những kiến thức trơn truội, nông cạn, lờ mờ. Lối phát ngôn theo kiểu như một thói quen, thấy người khác nói thế thì mình cũng nói không bao giờ được ông cho là cách làm việc đúng. Chẳng thế mà có lần, ông đã ra sức phản đối khi ai đó cứ nêu 2 phạm trù “truyền thống” và “hiện đại” là đối lập nhau như trong cách nói: “Điệu múa này truyền thống nhưng rất hiện đại”. Với ông, truyền thống và hiện đại là hai phạm trù hoàn toàn có thể dung hợp, tương đương và không hề đối lập về ý nghĩa.
Không bao giờ làm phiền ai
Trong một lần có dịp đi công tác cùng GS Tô Ngọc Thanh, tôi rất ngạc nhiên khi thấy phía sau chiếc xe ông được Nhà nước cấp riêng để làm việc để những vật khá lạ. Đó là một chiếc bình oxy để trợ giúp hô hấp khi cần thiết. Theo anh Soạn, người lái xe riêng đã gắn bó với GS Tô Ngọc Thanh trong suốt hơn 20 năm nay, bình oxy đó trước hết để phục vụ GS những lúc cần kíp, nhưng chưa biết nó đã phải phục vụ ông lần nào chưa, chỉ biết đã có vài bận, nó từng hỗ trợ sơ cứu những người chẳng may gặp nạn trên đường công tác của ông suốt từ Bắc chí Nam. Cùng với bình oxy là các dụng cụ đo huyết áp, thuốc men có thể đáp ứng nhu cầu sơ cứu và hỗ trợ y tế cần thiết trong trường hợp cấp bách. Thói quen tự lo cho mình và không để mình phải rơi vào cảnh nguy cấp ngoài dự tính này, tôi nghĩ rằng đã được GS và người cộng sự của mình duy trì từ rất lâu rồi.
Lần công tác ấy, tôi còn chứng kiến một cử chỉ cũng thật đặc biệt ở vị GS đã ngoại bát tuần này. Không thích sử dụng loại dầu tắm có sẵn ở khách sạn, ông tự mình ra tận siêu thị chỉ để mua một bánh xà phòng mà không làm phiền bất cứ ai.
Ký ức về cha và bài học làm người
Cho tới giờ, khi đã bước vào cái tuổi làm ông, làm bà, GS Tô Ngọc Thanh vẫn còn giữ nguyên những ký ức thật tốt đẹp về người cha đã quá cố, danh họa Tô Ngọc Vân. Ông bảo, lúc còn sống, cha ông luôn nhắc nhở các con, khi ra ngoài, không ai được phép nói rằng mình là con ông. Ông không muốn con cái ỷ lại, sống tựa vào cái bóng của bố để rồi cả đời “cớm nắng”. Là con trai của một họa sĩ nổi danh hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, có thể nói, GS Tô Ngọc Thanh sớm được tiếp thu từ người cha rất nhiều điều hay lẽ phải về lối sống, cách làm việc. Và dù cha ông biền biệt xa nhà theo kháng chiến, những năm tháng thiếu thời, ông chủ yếu sống cùng mẹ và các em, nhưng những điều cha dạy, dù chỉ là một lời nói, một cách uốn nắn suy nghĩ, cũng đã từng bước thấm nhuần sâu sắc trong ông.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân từng đặt không ít kỳ vọng về sự tiếp nối truyền thống hội họa ở người con trai cả, nhưng khi nhìn GS Tô Ngọc Thanh vẽ, dù rất buồn, nhưng ông cũng đã phải thành thật bảo con rằng “Thế là con không vẽ được rồi. Chẳng biết rồi có ai sẽ tiếp nối được công việc của cha. Trong nghệ thuật, nếu không có tài năng thì đừng cố đứng vào, tranh mất chỗ của những người khác”. Câu nói đó đã theo suốt cuộc đời của GS Tô Ngọc Thanh, luôn nhắc nhở ông về một quan điểm sống, và cũng là một đạo đức sống của người trí thức, người nghệ sĩ.
Tây Bắc - mảnh đất lắm ân tình
Chúng ta vẫn nói, quê hương là nơi ta sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nhưng thiết nghĩ, quê hương có lẽ cần phải có thêm những nội hàm khác nữa, không nhất thiết chỉ là nơi sinh ra. Nó cũng có thể không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nhưng lại là nơi gắn bó sâu sắc với những điều thiêng liêng và quan trọng nhất trong cuộc đời ta, ví như nơi ta khởi nghiệp và đạt được những thành tựu đáng kể nhất trong đời mình, nơi ta gửi gắm những kỷ niệm tình yêu đầu đời đẹp nhất, nơi mà bao hạnh phúc, khổ đau của cuộc đời ta cũng đều gắn với từng mảnh đất yêu thương.
Với GS Tô Ngọc Thanh, tôi nghĩ, nội hàm của khái niệm quê hương theo cách này có lẽ đúng hơn chăng? Với Tây Bắc, mỗi lần trở lại với ông hệt như một lần về thăm làng cũ. Trở lại Tây Bắc với nhà nghiên cứu đã ở quá xa cái tuổi xưa nay hiếm còn làm trỗi dậy bao thương nhớ thời trai trẻ với mối tình đầu cùng một người con gái Thái. Người con gái ấy ông đã gặp trong một buổi hát đối đáp giao duyên với những câu ca thật ý nhị tình tứ: “Em đi đường nước anh chưa kịp hỏi thăm lúa/ Em đi đường rừng anh chưa kịp hỏi thăm nứa/ Em đi đường ruộng anh chưa kịp hỏi thăm gạo…”. Và cũng người con gái ấy, chỉ vì sự khác biệt về văn hóa, đã không thể đến được với ông trong hạnh phúc trăm năm.
Với GS Tô Ngọc Thanh, Tây Bắc luôn ẩn chứa những vẻ đẹp thật đằm thắm và tinh tế vô cùng. Cách nói đầy hình tượng của người Thái nói riêng và của người dân tộc thiểu số nói chung đã trở thành một trong những hấp lực vô cùng lớn khiến ông triền miên đắm chìm trong những công trình nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu các giá trị tinh thần vô giá của đồng bào. Và đến nay, những chặng đường miên viễn nơi núi cao đèo sâu vẫn đang lôi kéo bước chân lãng du của người trai Hà Nội như gần 60 năm trước.
DƯƠNG KIM THOA