.

Những sợi chỉ vàng

.

Tôi gọi những cây cầu bắc qua sông Hàn là những sợi chỉ vàng. Những sợi chỉ này đã dệt nên ước mơ của bao thế hệ người dân Đà Nẵng, những người chứng kiến từng ngày từng giờ những đổi thay của dòng sông thương yêu.

Một đoạn bờ tây sông Hàn xưa, hình ảnh giờ đây không còn.
Một đoạn bờ tây sông Hàn xưa, hình ảnh giờ đây không còn.

Còn nhớ, khi tôi vẫn đang ở tuổi cắp sách đến trường, giấc mơ về cây cầu qua sông Hàn gắn liền với những ký ức về chuyến đò nối đôi bờ sông. Con sông thường ngày hiền hòa là vậy nhưng đến những ngày mưa bão, sự cuồng nộ của dòng sông khiến những chuyến phà trở nên nhỏ bé, chật vật chống chọi với sóng nước để đến bờ đối diện. Những học trò như tôi lúc ấy chỉ thầm ước giá như có một chiếc cầu thay thế cho những chuyến phà và như vậy, chúng tôi không phải mất công đứng chờ phà hàng chục phút, lo lắng trễ giờ vào lớp, lo phà trôi không cập được bờ khi mưa to, sóng lớn. Mẹ kể lại rằng, lúc tôi mới gần 2 tuổi, những chuyến phà đưa mẹ đi làm cũng đồng thời chở theo tuổi thơ tôi. Mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, nhiều lúc sợ lỡ chuyến mà phải ôm tôi vội vàng nhảy lên phà cho kịp giờ làm. Vào thời điểm đó, cuộc sống của người dân quận Ba (quận Sơn Trà bây giờ) như cách biệt với phía bên kia thành phố cả về điều kiện kinh tế lẫn văn hóa, xã hội. Chính bởi vậy mà câu nói “gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất” cho đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến trong những câu chuyện phiếm của người dân Đà thành. Thời bấy giờ, cây cầu Nguyễn Văn Trỗi dù già cỗi nhưng lại là “sợi chỉ” duy nhất nối đôi bờ sông Hàn. Những người dân sống quanh khu vực quận Sơn Trà bây giờ phải mất nhiều thời gian hơn nếu đi qua cầu thay bằng đi phà. Cũng vì thế, những chuyến phà xưa lúc nào cũng tấp nập, chật ních người và chen lẫn những cuộc nói chuyện ồn ào là tiếng nhạc mệt mỏi, não lòng của những người ăn xin trên phà.

Khi khánh thành cầu Sông Hàn cũng là lúc mọi người chia tay với những chuyến phà đã gắn bó bao đời với người Đà Nẵng. Với tôi, chiếc cầu Sông Hàn đã mở ra một không gian sống hoàn toàn mới cho người dân quận Sơn Trà, mà hiển hiện rõ nhất là con đường Phạm Văn Đồng thênh thang, rộng đẹp nối thẳng từ cầu ra đến bờ biển. Tiếp theo đó, hàng loạt những khu dân cư mới, những tuyến đường mới hình thành. Những căn nhà chồ ven sông Hàn cũng dần được thay thế bằng những dãy nhà tập trung dành cho những hộ nghèo, sinh sống dọc bờ sông. Cầu Sông Hàn như một sự bứt phá, một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố Đà Nẵng, thể hiện những nỗ lực hiệu quả của chính quyền trong việc thay đổi diện mạo một khu vực vẫn được xem là chậm phát triển ở phía đông thành phố. “Bên sông nay là phố mới, điện giăng giăng như lưới nhạc, thành phố như mơ, sông Hàn như thơ”, câu hát thân thương ấy như nói lên những gì mà người dân thành phố cảm nhận được từ khi cây cầu Sông Hàn nối nhịp đôi bờ Đông - Tây.

Cầu Sông Hàn minh chứng cho sự đồng thuận của người dân Đà thành.
Cầu Sông Hàn minh chứng cho sự đồng thuận của người dân Đà thành.

Có lần, về chuyện xây dựng cây cầu mới thay thế cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói rằng, ông không muốn người ta tháo dỡ cầu Nguyễn Văn Trỗi vì đây là một chứng tích lịch sử không thể nào xóa bỏ. Và thêm vào đó, những nét uyển chuyển của cây cầu với tính thẩm mỹ cao của nó không hề vì sự phôi phai của thời gian mà giảm giá trị. Đến nay, khi cây cầu Trần Thị Lý mới đang dần dần hình thành và cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn được giữ lại để sau này trở thành địa điểm dành cho khách tham quan, người đi bộ thì ắt hẳn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng như bao người dân Đà thành sẽ vui mừng lắm. Vì cho dù bên cạnh nó là một cây cầu hiện đại thì cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn sừng sững với dáng vóc uyển chuyển, mềm mại mà không phải cây cầu nào cũng có được.

Không chỉ vậy, sau này, khi cầu Thuận Phước góp mình vào danh mục những “sợi chỉ vàng”, hằng đêm, tôi vẫn thường ngắm nhìn ánh đèn sáng rực, nhấp nháy đủ màu, ánh lên từ phía xa xa. Cây cầu kiêu hãnh, hiên ngang, kiên cường đứng nơi cuối sông đầu biển và mang đến niềm vui cho bao người dân sống nơi cửa Hàn. “Những sợi chỉ vàng” - những cây cầu yêu thương ấy cứ song hành với cuộc sống hằng ngày của tôi và hàng vạn người dân thành phố. Mỗi mùa qua đi, từng ngày, từng giờ, tôi chứng kiến những đổi thay của thành phố gắn với những chiếc cầu hiện đại, có một không hai trên đất nước. Sau này, khi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý đưa vào sử dụng, tôi sẽ lại có dịp ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng phô diễn vẻ đẹp của mình với những “sợi chỉ” đầy sắc màu, những dáng hình độc nhất vô nhị. Dấu ấn những cây cầu ấy sẽ khắc sâu trong tâm trí những người dân thành phố và ngày qua ngày, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của một đô thị hiện đại nơi con sông Hàn ưu ái chảy qua. Sông Hàn vẫn miệt mài ngày đêm đưa nước ra biển lớn cũng như thành phố Đà Nẵng không ngừng phát triển, không ngừng lớn lên, hòa nhịp với đà phát triển vững mạnh của cả nước, thể hiện sự năng động, sáng tạo của một thành phố trẻ hiện đại và đáng sống.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.