Không ngẫu nhiên để nói rằng, tình yêu nghệ thuật quần chúng là một trong những nhân tố làm nên vẻ đẹp tâm hồn của đất và người xứ Quảng hôm qua, Đà Nẵng hôm nay.
Một tiết mục tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng quận Thanh Khê năm 2012, nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3). |
Mạch nguồn chảy mãi
Từ năm 1984-1985, đội văn nghệ tuyên truyền hợp tác xã (HTX) Hòa Châu, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đã trở thành một hiện tượng, một điển hình trong phong trào văn nghệ quần chúng trong cả nước. Chương trình kịch dân ca mang tên “Hạt lúa Hòa Châu” của đội được biểu diễn báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc lúc đó là vinh dự của địa phương, góp phần mang thương hiệu thóc lúa của HTX Hòa Châu bay xa. Theo nhiều người cao tuổi, đặc biệt là những người yêu thích dân ca thì những năm 1980, không chỉ Hòa Châu mà khắp Quảng Nam - Đà Nẵng, đâu đâu cũng rộn ràng lời ca tiếng hát: hát trên nương rẫy, dưới đồng ruộng, hát khi cấy lúa, chặt củi, gánh nước, hát khi nghỉ ngơi, hát để tự tình… Tiếng hát xua đi mệt nhọc, tiếng hát khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. “Bây giờ, mọi thứ đã khác xưa nhiều”, ông Nguyễn Hữu Mai (62 tuổi, lão nông chuyên viết dân ca) trầm ngâm.
“Đúng là cuộc sống đã thay đổi, nhiều thứ phải thay đổi, có thứ sẽ bị mất đi như một tất yếu. Có điều, sức mạnh của nghệ thuật quần chúng trên mảnh đất này không dễ gì mai một, bởi đó là nhu cầu tự thân, tự nhiên của đông đảo người dân”, ông Cao Tấn Ngọc, Trưởng Phòng Văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa thành phố khẳng định. Theo lý giải của ông Ngọc, sự tồn tại của nghệ thuật quần chúng trong lòng Đà Nẵng phù hợp của tâm lý người miền Trung “làm vừa phải, ăn vừa phải, chơi vừa phải…”. Thực tế cho thấy, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Đà Nẵng nở rộ trong thời bao cấp như: Đoàn Ca múa nhạc Tiên Sa, Đoàn Kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn cải lương sông Hàn, Đoàn Dân ca kịch… thì hầu hết đã bị giải thể. Đến nay, toàn thành phố chỉ còn 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn Ca múa nhạc thành phố và Đoàn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhưng việc tìm chỗ đứng vững chắc của các đoàn nghệ thuật này trong lòng công chúng như thời hoàng kim đã qua đang là những câu chuyện dài, đầy thử thách. Trong khi đó, phong trào nghệ thuật quần chúng có thể không thật rầm rộ như trước đây nhưng vẫn tuôn chảy không ngừng, tiêu biểu có thể kể đến phong trào tại các quận, huyện: Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Hòa Vang…
Không để biến tướng
Hiện tại ở Đà Nẵng có rất nhiều loại hình nghệ thuật cùng tồn tại. Ngoài những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, các show lớn của các ngôi sao, nghệ sĩ tên tuổi trong cả nước về biểu diễn, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây bắt đầu nở rộ các tụ điểm ca nhạc không chuyên tại các điểm du lịch, quán bar, nhà hàng… và được gọi là những loại hình nghệ thuật bán chuyên nghiệp. Rồi các đoàn nghệ thuật tư nhân như Minh Nhật, Thế Kỷ, Hoàn Vũ… cũng góp phần tạo nên diện mạo phong phú cho bức tranh đời sống văn hóa - giải trí của người Đà Nẵng.
Đội thông tin lưu động của huyện Hòa Vang gồm 15 thành viên có thể diễn kịch, múa, hát dân ca, hát bài chòi... được coi là điểm sáng của phong trào nghệ thuật quần chúng Đà Nẵng. Ngày 19-5 vừa qua, quận Hải Châu thành lập đội nghệ thuật quần chúng của quận với 30 thành viên. |
Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, đây là thời mà khoảng cách giữa nghệ thuật chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng đôi khi không thật rõ nét. Có ý kiến bày tỏ lo ngại nghệ thuật quần chúng sẽ bị biến tướng, có nguy cơ bị mất đi khi không ít cuộc thi, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, ban giám khảo vẫn lấy tiêu chí chuyên nghiệp để áp đặt đối với các thí sinh không chuyên. Và “linh hồn” của các chương trình nghệ thuật quần chúng lúc này hoàn toàn không phải là quần chúng mà là các đạo diễn, biên đạo và cả diễn viên chuyên nghiệp để giành giải, để lấy thành tích. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc sở VH-TT&DL cho rằng đây là điều cần suy nghĩ đối với những người làm công tác văn nghệ bởi điều chúng ta cần là tinh thần quần chúng, niềm vui quần chúng chứ không phải là kỹ thuật múa, hát, diễn kịch…
Bài và ảnh: NGỌC DUNG