.

Văn hóa tắm chung của người Nhật Bản

.

Khi đến một đất nước nào đó, mỗi người cần có thời gian để hòa nhập và thích nghi với những nét văn hóa truyền thống của xứ người. Nhưng ở Nhật Bản, có một nét văn hóa rất độc đáo, khiến những ai lần đầu đến nơi đây rất khó hòa nhập, đó là văn hóa tắm chung.   

Ở Nhật Bản, việc nam, nữ tắm chung là chuyện thường thấy. 										Ảnh: Internet
Ở Nhật Bản, việc nam, nữ tắm chung là chuyện thường thấy. Ảnh: Internet

Việc tắm chung từ lâu đã là thói quen của người Nhật. Theo thời gian, việc tắm không còn đơn thuần là việc tắm rửa thông thường mà trở thành nghệ thuật tắm và nâng dần thành văn hóa tắm. Lần đầu tiên đến Nhật Bản, đoàn học sinh, sinh viên Đà Nẵng phải tập thích nghi với rất nhiều nét văn hóa truyền thống của người Nhật, từ chào hỏi, đi lại đến cả chuyện ăn uống. Nhưng cái khó thích nghi nhất là văn hóa tắm chung. Người Nhật Bản thường có câu “Rượu uống 3 nhà, tắm rửa 3 lần” nhằm nói lên sở thích tắm rửa của người dân đất nước mặt trời mọc này. Vì vậy, người Nhật rất quan tâm chuyện tắm rửa, không chỉ đối với bản thân họ mà còn những người sống xung quanh.

Tắm trong gia đình

Trong mỗi gia đình ở Nhật Bản, dù nhà giàu sang hay những nông dân bình thường nhưng khi xây dựng nhà ở bao giờ cũng ưu tiên hàng đầu về diện tích và trang thiết bị buồng tắm. Mỗi nhà tắm thường có một bể nước nóng rộng khoảng 3-6m2. Trong phòng tắm thường có 4 vòi tắm trở lên. Cách đặt các vòi tắm cũng rất khác lạ, bởi người Nhật Bản dù nam hay nữ, người lớn hay trẻ em cũng đều phải ngồi tắm, nên các vòi tắm được thiết kế rất đặc trưng và đặt sát mặt đất. Mỗi vị trí vòi tắm có một ghế ngồi và một thau nhựa nhỏ.

Ghế để ngồi tắm, thau để giặt khăn tắm. Cách tắm của người Nhật Bản thật cầu kỳ nhưng cũng hết sức nghiêm túc như một quy trình khép kín để vệ sinh thân thể. Họ tắm, gội và lấy khăn kỳ cọ đến từng centimet trên cơ thể (kỳ cọ xong, họ giặt khăn và tiếp tục kỳ như thế ít nhất 3 lần). Mỗi lần tắm như vậy phải hơn 10 phút dù trời nắng nóng hay giá lạnh. Sau đó, họ mới xuống bể nước nóng. Khi xuống bể nước, người Nhật chỉ ngâm mình và thư giãn trí óc chứ không có bất kỳ động tác kỳ cọ nào.

Do chưa thích nghi nên qua một số buổi tắm chung với người Nhật Bản, đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam bất ngờ nhận được thông báo: Sẽ ưu tiên cho người Nhật tắm trước. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được anh phụ trách đoàn (người Nhật) lý giải về điều này. Anh cho biết, các bạn Việt Nam tắm không đúng quy trình, mọi người chỉ dội sơ qua và xuống bể nước nóng kỳ cọ làm mất vệ sinh bể tắm, ảnh hưởng đến nhiều người khác.

Tắm Onsen

Đối với người Nhật Bản, việc tắm ở buồng tắm gia đình hay tắm Onsen (suối nước nóng) đều tuân thủ những quy trình tắm nhất định. Mỗi lần đi tắm, họ cũng chỉ mang theo một chiếc khăn nhưng không ai cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ. Đơn giản là theo quan niệm của người Nhật, mặc đồ lót khi xuống tắm là không vệ sinh và không đạt chất lượng môi trường tự nhiên.

Ở các khu Onsen mà chúng tôi đến thông thường ngăn thành 2 khu tách biệt dành cho nam và nữ. Bước vào khu vực tắm Onsen, chúng tôi như bước vào thế giới của người nguyên thủy. Chúng tôi ai nấy ngượng đến đỏ cả mặt, nhưng vì muốn tỏ ra là người “sành điệu” với các bạn Nhật cùng đi, nên cũng cố gắng hòa mình vào những bể tắm chung.

Những năm gần đây, ở Nhật Bản còn xuất hiện thêm các hình thức tắm chung dành cho cả nam lẫn nữ. Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi chưa được tắm ở các dịch vụ này, nhưng Matsuoka Masaki - sinh viên Trường ĐH Tokyo cho biết: “Ở Nhật Bản, việc nam, nữ tắm chung là chuyện thường thấy. Đây cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nhật có từ lâu đời, nhưng qua thời gian bị mai một. Và giờ đây nét văn hóa truyền thống đặc biệt này đã và đang bắt đầu trở lại. Matsuoka Masaki còn cho biết thêm, đối với người Nhật, khi nam nữ tắm chung, thể xác và tình dục là hai khái niệm hoàn toàn… không liên quan nhau.

Tuy nhiên, một số du khách nước ngoài khi tham gia tắm chung đã có những hành động khiếm nhã như chọc ghẹo và có những ánh mắt không lịch sự với giới nữ. Vì thế, tại những suối nước nóng, người ta đã ra những quy định nghiêm khắc để hạn chế và chấm dứt tình trạng không văn minh này. Khách nào có những cử chỉ không tốt sẽ bị mời ra ngoài và không bao giờ được đón tiếp tại những nơi mà việc tắm chung chỉ hoan nghênh những người có... tâm lý lành mạnh.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.