.

Bảo vệ sắc phong

.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, sắc phong - nguồn di sản văn hóa quý giá lâu nay vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ một cách khoa học.

Trước nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, làng Đà Sơn (quận Liên Chiểu) đã có cách làm sáng tạo trong việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị của sắc phong.

Các sắc phong của làng Đà Sơn nay được lưu giữ bằng kỹ thuật “số hóa”.
Các sắc phong của làng Đà Sơn nay được lưu giữ bằng kỹ thuật “số hóa”.

Cách làm mới của Đà Sơn

Sắc phong được xem là di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật. Nghiên cứu sắc phong có thể mang đến những hiểu biết quý giá về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian. Sắc phong cũng thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, giấy sắc là sản phẩm đặc biệt của nghề làm giấy truyền thống Việt Nam, đến nay hầu như đã mai một. Vì vậy, bảo tồn giấy sắc là cách bảo tồn chứng tích của nghề thủ công truyền thống này.

Tầm quan trọng của sắc phong là vậy, nhưng những năm trước đây, cách bảo vệ sắc phong duy nhất ở các đình làng là đựng trong các ống tre hoặc hộp gỗ, để trên các bàn thờ tại đình làng và các nhà thờ tiền hiền. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Đà Sơn, cách làm như thế dẫn đến tình trạng ẩm mốc, mục nát và biến dạng.

Thay vì để trong ống tre hay hộp gỗ, các sắc phong của làng Đà Sơn hiện được scan màu lại và in ra thành nhiều bản. Một số được đóng khung treo trang trọng ở đình làng, một số được đưa lên trang web của làng. Các con cháu của làng Đà Sơn dù đang học tập, công tác ở bất cứ nơi đâu, khi muốn tìm hiểu về quê cha đất tổ thì có ngay tư liệu trên mạng Internet. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc “số hóa” các sắc phong không tốn kém nhiều nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị của các sắc phong, không sợ mai một theo thời gian.

Còn đó những nỗi lo

Theo Sở VH-TT&DL, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 245 sắc phong đang được lưu giữ ở 21 đình làng và nhà thờ tộc. Làng Đà Sơn là địa phương đi đầu trong việc thực hiện “số hóa” các sắc phong. Phần lớn các địa phương còn lại chưa có phương tiện bảo quản hiệu quả, cũng như thiếu ý thức giữ gìn sắc phong, cộng với các biến động của tự nhiên và xã hội, nên xảy ra tình trạng nhiều sắc phong bị hủy hoại, thất tán.

Theo một nghiên cứu của Sở VH-TT&DL, ở đình Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) trước đây có 12 sắc phong. Song, do không được bảo quản tốt nên bị chuột và mối mọt cắn gần hết, chỉ còn 2 sắc phong có thể đọc được. Đình Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) có 8 sắc phong nhưng mục nát gần hết, nhiều chỗ bị mất chữ, hiện chỉ còn 3 sắc phong nhưng không nguyên vẹn. Ở đình Tùng Lâm (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), theo phản ánh của những người cao tuổi, trước đây có tất cả 2 ống tre đựng 16 sắc phong. Trong trận lụt năm 1999, đình Tùng Lâm bị ngập, 2 ống tre bị nước cuốn trôi, may mắn một ống đựng 6 sắc phong mắc phải một lùm cây tại phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn), nhân dân trong vùng vớt được và trao lại cho đình làng, còn lại một ống đựng 10 sắc phong bị trôi mất. Tại đình Lỗ Giáng (Hòa Xuân) có 16 sắc phong, nhưng đến nay do nước mưa ngấm vào làm mục nát, hư hại chỉ còn lại duy nhất một sắc phong đọc được chữ nhưng cũng đã bị rách nát rất nhiều…

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, hiện nay chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản sắc phong, làng Đà Sơn đã sáng tạo trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Các địa phương cần học tập những kinh nghiệm của làng Đà Sơn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sắc phong bị mục nát.

Về lâu dài, việc bảo tồn sắc phong đòi hỏi các kỹ thuật cao và chuyên nghiệp trong việc bồi giấy, bởi hầu hết các sắc phong gốc còn lưu lại đều rất mỏng và dễ hỏng, thậm chí dễ vỡ vụn. Nhưng không phải ai cũng có thể bảo tồn được sắc phong trong khi chi phí bồi giấy cho mỗi tờ sắc phong khá tốn kém và mất nhiều ngày.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.