Các loại truyện tranh cổ tích của nhiều nhà xuất bản khác nhau đang xuất hiện tràn lan với các hình thức, mẫu mã bắt mắt. Song, nhiều truyện cổ tích được “hiện đại hóa” quá đà làm biến dạng nội dung, ý nghĩa đến khó tin.
Các bậc phụ huynh nên định hướng việc chọn và đọc sách cho các em. |
Mới đây, trên thị trường xuất hiện 2 bộ truyện tranh cổ tích do Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp với NXB Giáo dục cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam xuất bản, có 2 phần, phần 1 gồm 20 truyện cổ tích chọn lọc Việt Nam, phần 2 là truyện thần thoại và cổ tích nước ngoài. Nhưng hầu hết các tình tiết thú vị đều đã bị cắt bỏ, thay vào đó là những câu nói thời hiện đại với mong muốn tạo ra tính hài hước, dễ đọc, dễ hiểu cho trẻ. Việc thay đổi cốt truyện, tình tiết của những câu chuyện cổ tích vốn rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt gây ra những băn khoăn, lo lắng cho nhiều độc giả, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ.
Thường xuyên đưa con trai đang học lớp 2 đến các cửa hàng mua sách, chị Đặng Thị Nguyệt (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) phàn nàn: “Thị trường có quá nhiều sách thiếu nhi, đủ các thể loại, trẻ con lại chỉ thích đọc loại truyện tranh có màu sắc, hình ảnh bắt mắt. Nhiều khi đi mua sách cùng con mà không thể kiểm soát hết nội dung của những cuốn sách con mua”.
Băn khoăn của chị Nguyệt là có cơ sở bởi trong những cuốn truyện tranh cổ tích được bày bán có những câu chuyện nội dung vẫn như cũ, nhưng những câu nói, ngôn từ bị biến dạng, thậm chí thay đổi hoàn hoàn toàn như truyện cổ tích Mai An Tiêm, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám… Trong truyện Tấm Cám, câu nói quen thuộc “Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” đã bị biến thành câu nói khó hiểu “Bống bống bang bang, lên ăn cơm sườn cơm bí nhà ta, chớ ăn cơm trắng nước tương nhà người”. Hay câu nói “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn” đã biến thành “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ăn chứ bà không ngửi”…
Không chỉ sử dụng ngôn ngữ hiện đại, hình ảnh phản cảm, những truyện cổ tích bằng tranh thời nay còn bị lược bớt nội dung, làm biến dạng, sai lệch cốt truyện như truyện Công chúa ngủ trong rừng (NXB Mỹ Thuật), Chú mèo đi hia, Alice lạc vào xứ thần tiên (NXB Văn hóa Sài Gòn)... Người đọc từng yêu thích chú mèo đi hia thông minh, mưu trí bẫy chim đa đa để biếu vua nhưng trong những trang truyện tranh lại được “chế” thành bẫy thỏ khiến câu chuyện mất hẳn phần chú mèo đấu trí với tên phù thủy để có được tòa lâu đài cho chủ nhân.
Có thể thấy, thị trường truyện tranh dành cho thiếu nhi ngày càng đa dạng. Những câu chuyện cổ tích được thể hiện bằng hình ảnh, màu sắc giúp trí tưởng tượng của các em phong phú hơn, nhưng khi việc biến tướng, thay vào đó là những hình ảnh phản cảm, những ngôn từ thiếu tính định hướng sẽ làm mất đi giá trị đích thực của truyện cổ tích, đó là tính giáo dục, định hướng nhân cách và tâm hồn rộng mở cho trẻ.
Trao đổi về vấn đề này, giám đốc một nhà sách tại Đà Nẵng cho biết, với những em ở độ tuổi mầm non, chưa biết chữ thì đa số được bố mẹ mua sách về đọc cho nghe, còn những em đã đi học và biết chữ thì thường tự chọn sách cho mình. Với những cuốn truyện tranh màu sắc bắt mắt, hình ảnh sinh động thường dễ thu hút độc giả ở độ tuổi này hơn, còn những cuốn sách truyện thuần chữ thường ít người hỏi mua. Cũng theo vị giám đốc này, việc đọc là cần thiết, nên chăng các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến việc đọc và định hướng chọn sách cho con mình để bảo đảm giữ được nét hồn nhiên của tuổi thơ cho trẻ.
CAO MINH