Nhà giáo chúng mình hằng năm đến ngày 20-11, thường chong đèn ngồi nhớ lại những chuyện vui buồn của nghề mình, đời mình.
Cách đây mấy năm, một nhà giáo về hưu đến tôi chơi, kể vừa rồi ông nhận điện thoại của học sinh ngoài Bắc gọi vào chúc mừng Ngày Nhà giáo. Không phải một người mà gần đủ mặt cả một lớp do ông làm chủ nhiệm trước đây. Cậu lớp trưởng bảo nhớ thầy quá mà không vào thăm được nên xin thầy cho chúng em được lần lượt nói điện thoại với thầy để được nghe lại tiếng nói của thầy. Thế rồi mỗi người khoảng mươi giây, chỉ xưng tên rồi chúc sức khỏe thầy. Có một cô vừa xưng tên xong là tôi nhớ ngay. Tôi bảo: “Tâm ròm hả, học giỏi nhất lớp, thầy nhớ hồi đó nhà em nghèo lắm”. Mấy giây im lặng. Cậu lớp trưởng nói vào máy: “Tâm xúc động không nói được thầy ạ, bạn ấy giờ đang đi theo con đường của thầy, đã được Nhà giáo Ưu tú rồi đó”. Lại có một cậu, xưng tên xong là hỏi ngay “thầy còn nhớ em không?” Tôi nói ngay “Cậu ngồi ở bàn cuối, dãy bên phải chứ gì, chữ như gà bươi ấy”. Cậu ta “úi giời” rồi có tiếng một cậu khác hét to “Lính Quảng Trị về, đã đại tá rồi đấy thầy ạ”.
Không phải em nào tôi cũng nhớ kỹ được như vậy. Có em chỉ mang máng, nghe tên mà không hình dung được gương mặt. Nhưng gương mặt của một lớp học sinh những ngày sơ tán dưới bom đạn thì cứ hiện lên mồn một. Cuộc đàm thoại cứ thế kéo dài dễ đến mươi phút. Cuối cùng, tiếng cậu lớp trưởng hô khẽ “hai ba…” một tiếng hô đồng thanh “Chúng-em-nhớ-thầy-lắm!” vang lên rất to… Kể đến đây, ông giáo lặng người đi, loay hoay tìm mùi-soa. Chắc là tiếng hô của mấy chục học trò cũ từ mấy chục năm trước, cách xa gần ngàn cây số đang dội vào một nơi rất sâu trong người ông.
Còn sau đây là một chuyện cũng dính đến ngày 20-11. Một ông bạn, không phải thầy giáo mà là phụ huynh học sinh đến chơi, kể. Ông có đứa cháu gái đang học lớp 2. Một hôm đi học về cháu bảo ông phải làm cho cháu một tấm thiệp chúc mừng cô giáo. Cháu bảo ông chỉ được trang trí thôi, cháu phải tự viết lấy, cô bảo chỉ hai câu thôi, một câu chúc một câu hứa. Sau khi ông trang trí xong, cháu nắn nót viết rồi đưa cho ông xem. Hai câu của cháu thế này:
“Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, em kính chúc cô sức khỏe.
Em xin hứa từ nay không nói chuyện trong lớp nữa để khỏi bị cô đánh”
Những chuyện như thế cứ khiến nghĩ ngợi.
Người ta bảo sản phẩm của nghề thầy giáo là con người.
Con người thì tuyệt vời lắm mà cũng đáng sợ lắm.
Nói đúng ra, nghề chúng ta chỉ góp phần làm nên con người nhưng phần đóng góp này rất quan trọng. Chúng ta, bằng kiến thức và tình thương, và bằng cả cuộc đời mình nữa, gieo vào học trò, từ tấm bé, cái mầm nhân đức và trí tuệ. Rồi hết bậc học này đến bậc học khác, tiếp tay nhau chăm sóc cho cái cây nhân cách ấy ngày một tốt tươi, đẹp đẽ. Để cho con người ngày một tuyệt vời hơn. Để cho con người ngày một đáng yêu hơn.
Và khi bước vào nghề, ai trong chúng ta lại chẳng tâm niệm sẽ hiến trọn đời mình cho sứ mệnh cao cả đó. Nhưng ở đời khó mà tránh được sai sót, nhiều khi đơn giản chỉ vì không kiềm chế được sự bực bội. Rồi thời gian trôi, hết lớp học trò này đến lớp học trò khác ra trường bước vào đời. Khi đó, đến lượt mình, họ sẽ là vị giám khảo tập thể cho điểm lại chúng ta. Từng người có thể bất công nhưng toàn thể học trò của một đời nhà giáo thì bao giờ cũng công bằng. Họ như tấm gương thần chỉ lưu giữ lại những nét đẹp trong hình ảnh người thầy giáo. Hình ảnh đó sẽ theo họ suốt đời, từ người lao động bình thường đến người có cương vị cao nhất, tiếp tục cổ vũ họ khi họ thành công, nâng đỡ họ khi họ vấp ngã.
Vậy đó, khi người thầy giáo xứng đáng là ông thầy thì cuộc đời họ chỉ một thời mà nghề của họ thì không dừng lại, nó như một thứ ánh sáng không tắt trong hàng trăm, hàng nghìn cuộc đời của học trò mình. Tôi hiểu, khi người xưa nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là nói trên ý nghĩa đó.
Nhân 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, giá có bụt hiện lên cho một điều ước, chỉ một điều thôi, thì chắc các bạn cũng như tôi sẽ ước cho ngành giáo dục Đà Nẵng - một vùng giáo dục dồi dào sinh lực và giàu thành tích, luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, sẽ ngày càng có nhiều những hiền tài trong đội ngũ thầy giáo của mình, để đào tạo một thế hệ người Đà Nẵng năng động, sáng tạo, xây dựng Đà Nẵng mình thực sự trở nên một thành phố đáng sống.
PHẠM PHÁT