Đọc tập thơ “Lá thức” của Vạn Lộc, tôi chợt thấy lạ lùng như vừa gặp lại người quen đi lang thang giữa sương mù thời gian. Tập thơ tình của chị được viết bằng thể thơ Đường luật, Đường luật một cách hoàn hảo, từ các miền đất danh thắng đến các danh nhân, các vật dụng hằng ngày mà thể thơ Đường luật luôn luôn tìm cách nhắc nhở đến trong thế giới của mình, và từ một cấu trúc luôn thực hiện sự công bằng của nội tâm. Và cũng cần nhắc lại, Đường luật từ bằng – trắc, niêm luật, thể đối ứng và thể phá cách của nhà thơ nghĩa là luật của Vạn Lộc không tuân theo một bài bản nào ràng buộc, nghĩa là nhà thơ luôn có tự do.
Nhà thơ Vạn Lộc và bìa Lá Thức. |
Nhận xét về “Lá thức”, công việc chủ yếu là phẩm bình về mặt hình thức của thơ, còn nội dung thì thực ra, tác giả đã nói những điều không có gì cần phải nhận xét. Yếu tố bản chất của thơ - dù thơ cổ hay thơ mới – là chữ “thành”. “Thành” có nghĩa là không sáo, không cần đến những trần từ sáo ngữ trong cách nói làm sao để chỉ trong nửa tiếng, người ta vẫn tin điều này là có thật. Chữ “thành” rút cuộc là một tấc lòng giấu kín trong đáy trái tim, và bây giờ tôi đã để lộ ra cho anh thấy thế giới bí ẩn của tôi. Và điều mật nhiệm ấy chính là cái ta có thể bắt gặp trong “Lá thức” của Vạn Lộc.
Với “Lá thức”, chữ “thành” đồng hóa với chữ “tâm”, có điều là nó không tầm thường, và ngôn ngữ thơ thì xán lạn, dễ hiểu, vì không dùng đến điển cổ, khác với thi pháp của những “ông Đồ xưa”. Ở đây, “Lá thức” làm ta liên tưởng đến một thời đại của thi ca trên Báo Nam Phong, hoặc lối thơ Đường hiện đại của Quách Tấn. Và điều đáng nói là tôi chưa được đọc của nhà thơ nữ nào một tập thơ Đường trên 72 bài như Vạn Lộc.
Chị rất đam mê thiên nhiên, nên trở về quê chồng ở thành phố Huế tạo dựng khu nhà vườn trên 2000m2, xây dựng một nhà thờ để thờ tổ tiên, ông bà và một nhà nghỉ cho con cháu, bà con bạn bè gần xa về thăm có chỗ nghỉ ngơi, đất còn lại chị trồng cây, nay sum suê trái ngọt. Vạn Lộc đặt cho cái tên vườn “Thanh trà và Thơ”. Bằng chính đôi tay của chị. Suốt 3 năm chị sống chung với lũ lụt và nắng mưa để thực hiện được ước mơ của mình là một người dâu hiền. Bàn tay ấy đã viết nên những áng thơ Đường nhẹ nhõm, sành điệu, kín đáo, thuộc về một thế giới khác; tôi muốn chân thật ngợi ca cái tài của Vạn Lộc, và hơn nữa, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Tập “Lá thức” cho ta thấy Vạn Lộc như một người phụ nữ kiểm toán trước cái cân của thần nghệ thuật: sau khi cân nhắc từng chữ một, chị đặt vào một đầu cân tính minh triết của thơ Đường và đầu kia là tính tự do của thơ mới.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG