.

Đưa học sinh đến “địa chỉ đỏ”

.

Việc chăm sóc các “địa chỉ đỏ” và đưa học sinh đến tham quan, học tập lịch sử tại các bảo tàng đã trở thành những hoạt động thường xuyên của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu).

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tìm hiểu, học tập tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tìm hiểu, học tập tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Chăm sóc “địa chỉ đỏ”

Việc nâng cao chất lượng giáo dục cho thiếu nhi về những giá trị truyền thống, lịch sử, từ đó khơi dậy trong các em niềm tin, lòng tự hào dân tộc, giúp học sinh phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi… lâu nay đã trở thành những hoạt động thường xuyên và được quan tâm đúng mức ở Trường THCS Nguyễn Huệ.

Từ nhiều năm nay, trong căn nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sự (K191/17 Ông Ích Khiêm) luôn đầy ắp tiếng cười rộn rã. Mẹ cảm thấy hạnh phúc khi được học sinh thường đến thăm hỏi, học tập lịch sử địa phương ngay trong căn nhà của mình. Nhờ sự lui tới thường xuyên của các em mà mẹ cảm thấy đỡ hiu quạnh phần nào. Ký ức về những năm tháng ác liệt của chiến tranh cũng luôn hiện hữu trong tâm thức, vì mẹ thường xuyên kể cho các cháu nghe về một thời oanh liệt trong căn nhà này. Nhiều học sinh ở Chi đội Phan Đình Giót, Trường THCS Nguyễn Huệ đều có chung cảm nhận rằng, nhờ các hoạt động ngoài giờ như thế, các em đã biết được ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Sự là cơ quan của Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo phong trào đấu tranh 76 ngày đêm (10-3-1966 - 24-5-1966) và là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, biệt động thành từ năm 1966-1972. Nhà của mẹ Sự bây giờ đã trở thành di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố.

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhà trường đã thường xuyên phân công từng chi đội, từng lớp thay phiên nhau đến ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Sự để tìm hiểu về giá trị lịch sử truyền thống, đồng thời quét dọn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, động viên thăm hỏi mẹ.

Dạy học lịch sử tại bảo tàng

Không dừng lại ở việc đưa học sinh đến chăm sóc các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn, Trường THCS Nguyễn Huệ còn chú trọng đến công tác đưa học sinh đến tham quan, học tập tại các bảo tàng. Cô Phạm Thị Thùy Loan cho biết, trong bối cảnh phương pháp dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông đang bộc lộ nhiều hạn chế thì việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng rất cần thiết. Vì vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đến tham quan, học tập tại các đình làng và các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Em Nguyễn Trần Yến Nhi, học sinh lớp 8/2 (Chi đội Ông Ích Khiêm) chia sẻ: Từ trước đến nay, em chỉ học lịch sử qua sách vở và thuyết trình “chay” trên lớp nên rất khô và khó nhớ. Qua vài lần được tham quan, nhìn ngắm trực tiếp các hiện vật tại bảo tàng khiến không khí buổi học rất lý thú, sinh động và dễ nhớ. Yến Nhi mong muốn có nhiều hơn những buổi học thực nghiệm dưới dạng sinh hoạt dã ngoại và tham gia chương trình học tập tại các bảo tàng.

Bên cạnh việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại các bảo tàng, đình làng trên địa bàn thành phố, Trường THCS Nguyễn Huệ còn thường xuyên tổ chức các hội thi như tìm hiểu di sản văn hóa, lịch sử Việt Nam và di tích lịch sử, văn hóa Đà Nẵng; cuộc thi Rung chuông vàng với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”; các sân chơi đố vui, hái hoa dân chủ, giải ô chữ về các chủ đề tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng - Đoàn - Đội, tìm hiểu về Bác Hồ, tham gia CLB “Em yêu lịch sử”; đồng thời mời các cán bộ lão thành cách mạng về giao lưu, gặp gỡ và kể chuyện truyền thống cho học sinh nghe.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.