.

Hành trình theo chân Bác

.

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác cho các văn nghệ sĩ đến thăm các di tích mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hoạt động cách mạng trước đây tại Quảng Tây (Trung Quốc).

Đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng tham gia sáng tác và nghiên cứu tại Nhà trưng bày Hồ Chí Minh tại thành phố Liễu Châu (Trung Quốc).                                                                                                Ảnh: Hồ Xuân Bổn
Đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng tham gia sáng tác và nghiên cứu tại Nhà trưng bày Hồ Chí Minh tại thành phố Liễu Châu (Trung Quốc). Ảnh: Hồ Xuân Bổn

Mới đây nhất, đoàn thực tế sáng tác “Theo chân Bác Hồ” gồm 12 văn nghệ sĩ do nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố làm Trưởng đoàn đã đi thực tế trong 9 ngày tại một số địa danh lịch sử liên quan đến dấu ấn hoạt động của Bác trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Chuyến thực tế bao gồm tham quan, nghiên cứu tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi Bác sinh sống và đào tạo cán bộ cách mạng cho Tổ quốc tại Long Châu; tham quan một số địa danh từng in dấu chân hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1936-1940; tham quan, nghiên cứu tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng hoạt động ở Quảng Tây tại Liễu Châu; tham quan, nghiên cứu tư liệu tại Bảo tàng Bát bộ quân, nơi Bác Hồ bí mật hoạt động tại Quế Lâm…

Sau mỗi chuyến đi, các văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã có thêm nhiều tác phẩm mới và từ đó tích lũy nguồn tư liệu phong phú. Đối với nhà báo Quốc Phồn (Đài DRT), hội viên Hội Điện ảnh thành phố, đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa, bởi anh có được nguồn tư liệu về Bác Hồ để phục vụ cho sự nghiệp sáng tác và làm báo của mình. Anh cho biết, qua chuyến đi, anh mới biết Long Châu là một trong 14 thành phố của Quảng Tây (hay còn gọi là Khu tự trị dân tộc Choang) của Trung Quốc. Nơi đây, tại ngôi nhà số 99 phố Nam, từng là cơ quan bí mật mà Bác Hồ và những người hoạt động cách mạng Việt Nam dùng để hoạt động từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Đến nay, thời gian trôi qua đã 70 năm nhưng nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Hồ Chủ tịch và các đồng chí của Người vẫn còn được lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn.

Ngoài thành phố Long Châu, tại Quảng Tây còn có 2 địa phương khác có nhà trưng bày lưu giữ các hiện vật liên quan đến quãng thời gian Bác Hồ ở đây. Đó là Nhà trưng bày Hồ Chí Minh tại thành phố Liễu Châu và di tích Văn phòng Bát bộ quân tại thành phố Quế Lâm với những hình ảnh, hiện vật còn lưu giữ được từ khi Bác còn hoạt động tại Quảng Tây. Ngoài ra, tại các nhà trưng bày Hồ Chí Minh ở Quảng Tây còn sưu tầm, lưu giữ được khá nhiều hình ảnh quý về Bác khi Người trở lại Quảng Tây thăm nhân dân và cán bộ nơi đây sau khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NSNA Hồ Xuân Bổn đã đến rất nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng lần này ông rất tự hào và vinh dự cùng các văn nghệ sĩ Đà Nẵng “Hành trình theo chân Bác”. Chuyến đi vừa qua, NSNA Hồ Xuân Bổn đã có hàng trăm tác phẩm ảnh về các di tích và hiện vật của Người ở Trung Quốc.

Còn đối với nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, khi bước chân vào các di tích liên quan đến quãng đời hoạt động cách mạng của Bác, ông rất xúc động và đã thể hiện trong tác phẩm âm nhạc của mình: “Ngỡ như Người còn đây/ Bôn ba nơi xứ này/ Miền Long Châu dầu dãi/ Đất Bằng Tường chông gai/ Ngỡ như Người còn đây/ Tây Phong Lĩnh trời mây/ Dòng Ly Giang vẫn chảy /Như tình nước non còn đây… Dẫu cho mình bao nỗi vơi đầy/ Cho dân Việt mùa xuân mãi xanh ngời”.

Qua mỗi chuyến thực tế, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng hy vọng sẽ góp phần trang bị thêm tư liệu, vốn hiểu biết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, về cách mạng Việt Nam, qua đó giúp các văn nghệ sĩ có thêm nhiều sáng tác văn học và tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với xã hội cũng như văn nghệ sĩ thành phố.

Nhà văn Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng bày tỏ: “Qua mỗi chuyến đi, văn nghệ sĩ cảm nhận hơn nữa về cuộc đời hoạt động cũng như cách sống của Bác và có những sáng tác hay về tấm gương đạo đức Bác Hồ”.

NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.