.

Miên Đức Thắng: Cuộc rong chơi trong thế giới sắc màu

.

Sau hơn 10 năm ở Đức, từ năm 2000 đến nay, Miên Đức Thắng - ca sĩ, nhạc sĩ rất nổi tiếng của phong trào học sinh - sinh viên vào những năm 1970 đã trở về định cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài âm nhạc, Thắng hiện có một xưởng vẽ bao gồm hàng trăm tác phẩm tranh sơn dầu, gốm sứ tại trung tâm thành phố này.

Miên Đức Thắng tại xưởng vẽ (ảnh trên).
Miên Đức Thắng tại xưởng vẽ.

Tháng 8-2009, tại Bảo tàng Mỹ thuật và triển lãm số 69 Phó Đức Chính (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra cuộc triển lãm tranh tượng mang tên “10 trại sáng tác & tác phẩm mới” giới thiệu khoảng 700 tranh tượng của các hội viên Hội Mỹ thuật thành phố. Công chúng đã bất ngờ khi bức sơn dầu mang tên “Phố trăng” (khổ 100 x 100cm) của nhạc sĩ Miên Đức Thắng có mặt trong số 12 giải thưởng duy nhất của triển lãm.

Lúc đầu, nhiều người dễ lầm tưởng đây là bước ngoặt đột phá, chuyển đổi của người nhạc sĩ, ca sĩ vang bóng một thời với dòng nhạc phản chiến và tình tự dân tộc. Thế nhưng, thực tế, hội họa vốn cũng là một trong những đam mê gắn liền với Miên Đức Thắng từ thời trai trẻ. Anh cho biết, bức tranh đầu tiên anh thực hiện như một tác phẩm hoàn chỉnh là bức chân dung vẽ về người yêu (về sau cũng là vợ anh) từ năm 1971. Khi chính thức bước vào hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, anh có điều kiện giao du với nhiều họa sĩ tài năng và học hỏi thêm từ họ. Tuy nhiên, đến những năm tháng sống lang bạt ở Đức, anh mới thật sự vẽ nhiều hơn, vì sống cảnh đất khách quê người không có cảm hứng để viết nhạc…

Giờ đây, trong căn hộ chung cư nho nhỏ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Miên Đức Thắng có vẻ như tìm được hạnh phúc đích thực, khi không gian quanh anh, bên cạnh chiếc đàn piano và cây guitar, tất cả đều tràn ngập sắc màu những bức tranh và các lọ gốm vừa sáng tác. Anh nói: “Những bức tranh hồi xa xứ không được như bây giờ. Dường như sắc màu nó không tươi tắn, vì thiếu bóng hơi thở quê nhà…”.

Thực vậy, phần lớn những bức tranh mới nhất của Miên Đức Thắng, người xem dễ nhận ra, dường như tác giả đang say đắm trong một hành trình phiêu lưu đầy hưng phấn với những gam màu rực sáng và những hình thể phá phách táo bạo… Chủ đề trong tranh Miên Đức Thắng thường gặp gỡ là cây đàn xiêu vẹo như những hồi ức nhạt nhòa về một khúc nhạc xa xưa; những bông hoa ẩn hiện bên ô cửa sổ; những khu phố mộng ảo dưới bóng trăng thổn thức quê nhà…

Một số bức tranh khác của anh còn đi sâu vào sự triết lý, những suy ngẫm về sinh, lão, bệnh, tử. Bởi theo anh, đó là chu kỳ của cuộc đời mà ai cũng phải đi qua. Song, có một thứ không bao giờ cũ nếu chúng ta biết chọn lựa cách sống thế nào: “Thời gian đâu có già/ Thời gian đâu có dừng/ Tâm già tâm đi quanh/ Lạ lùng thay giận hờn/ Lạ lùng thay phiền muộn/ Sao mi cứ mới toanh” (Lạ lùng - nhạc Miên Đức Thắng).

Tranh sơn dầu của Miên Đức Thắng. 		Ảnh: T.T.S
Tranh sơn dầu của Miên Đức Thắng. Ảnh: T.T.S

Thắng thường bộc bạch: “Âm nhạc và hội họa của tôi vẫn chỉ là những bước bắt đầu mà thôi. Lý do, tôi nhìn mưa, nhìn trăng, vẫn xúc động như thuở nào. Tất nhiên, nỗi xúc động hôm nay khác xưa. Tôi cảm thấy mình chưa đủ khả năng để diễn tả nổi những gì mình cảm nhận đối với những gì xảy ra xung quanh. Nói về sự thất bại của ngôn ngữ âm nhạc, hay kỹ thuật vẽ tranh, tôi cảm nhận sâu xa sự giới hạn của mình”.

Bên cạnh tranh sơn dầu, gốm sứ cũng là nỗi đam mê sáng tạo hiện nay của Thắng. Trong số vài chục tác phẩm gốm sứ, dường như anh tâm đắc với tác phẩm gốm có tên Buồn vui. Đây là chiếc bình gốm sứ làm ở Bình Dương, ghi nguyên lời bài hát Lạ lùng của anh. Nếu ở tranh, Thắng tỏa sáng những giai điệu lung linh, thì với gốm sứ của anh, chúng ta sẽ nhận ra những cảm xúc dạt dào từ thanh âm cuộc sống. Anh đã đến với môn nghệ thuật này như một cuộc chơi đầy ngẫu hứng. Suốt hơn 10 năm qua, anh đã dành không ít thời gian rong ruổi cho những chuyến xuôi ngược đến các lò gốm nào là Tiền Giang, Vĩnh Long, Biên Hòa, Bình Dương… để rồi từ đó xem gốm như một người bạn sẻ chia, gửi gắm những thông điệp bằng ngôn ngữ riêng của mình.

Rời khỏi xưởng vẽ của Thắng khi buổi chiều Sài Gòn còn ngập tràn nắng ấm và nhộn nhịp, tôi chạnh lòng nghĩ đến hình ảnh người nghệ sĩ vẫn đang bộn bề đắm chìm trong thế giới sắc màu, âm thanh, đất bùn cùng bao suy tưởng… Nhưng tôi tin hẳn Miên Đức Thắng đang hạnh phúc hơn bao giờ hết, bởi anh đang được sống trong sự đắm say sáng tạo không mệt mỏi trên chính mảnh đất quê nhà, như anh thường nói “Như vậy thôi đã thấy cuộc đời này quý giá biết chừng nào!”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.