.

Tìm hướng phát triển Bảo tàng Điêu khắc Chăm

.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng luôn trăn trở về việc khó phát triển hơn nữa “viên ngọc quý” này trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam.

“Bảo tàng Điêu khắc Chăm không thể phát triển hơn”, khẳng định nghe tưởng như vô lý nhưng theo Giám đốc Võ Văn Thắng, đó là tình thế hiện tại của Bảo tàng Điêu khắc Chăm nếu không tìm ra được các nguồn đầu tư và những giải pháp đổi thay mạnh mẽ về nhân lực.

Du khách nghe cán bộ thuyết minh về các bức tượng Chăm.
Du khách nghe cán bộ thuyết minh về các bức tượng Chăm.

Nhiều vấn đề khó

Đầu tiên phải tính đến số lượng hiện vật. Bảo tàng hiện trưng bày gần 500 hiện vật tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc Chămpa hơn 10 thế kỷ qua, nhưng mặt bằng khuôn viên bảo tàng hẹp, khó có khả năng mở rộng; một số phương án kiến trúc nhằm thay đổi không gian trưng bày vẫn chưa khả thi.

Ông Thắng lý giải, về nguồn nhân lực, muốn phát triển, cần có kinh phí để trả lương, đãi ngộ thích đáng, trong khi nguồn thu của bảo tàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì giữ vững được đã rất khó, sau khi nộp ngân sách Nhà nước (45%), phần còn lại chỉ đủ trả lương và trang trải một số hoạt động tối thiểu…

Nói như thế để thấy rằng, đội ngũ cán bộ cùng những người tâm huyết với nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc đỉnh cao của vương quốc Chămpa luôn trăn trở làm sao để “chiếc áo” đựng “viên ngọc quý” không chỉ của riêng Đà Nẵng ngày càng tương xứng với giá trị độc đáo về lịch sử, khảo cổ, văn hóa của “viên ngọc”, nhất là khi Nhà nước đang ngày càng quan tâm đến bảo tàng trong đời sống nhân dân. Năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia và nay đang làm thủ tục đầu tư với tổng kinh phí xây dựng lên đến 11.277 tỷ đồng. Sự kiện này đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây cũng là tín hiệu vui đối với những người làm văn hóa, với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Việc đầu tư cho một bảo tàng đại diện quốc gia là cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia, kể cả những người trong cuộc đều băn khoăn rằng, làm sao để bảo tàng hoạt động xứng với số tiền đầu tư khổng lồ trong lúc “thắt lưng buộc bụng” này.

Trong khi đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam non trẻ lại trở thành một hiện tượng du lịch của năm 2012 đã nói lên sức hút của những bảo tàng chuyên đề, trong đó có Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hoàn toàn có thể trở thành một trong những bảo tàng chuyên đề độc đáo nếu chúng ta biết khai thác.

Trưng bày ngổn ngang

Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tàng duy nhất ở miền Trung được xếp hạng I. Bảo tàng hiện sở hữu 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, mới đây lại được đề cử vào nhóm 5 bảo tàng có lượng khách tham quan đông đảo nhất nước. Chỉ tiếc là hiện tại, việc trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn là kiểu trưng bày đã tồn tại cách đây cả 100 năm. Nếu như tại các bảo tàng quốc tế, với những hiện vật độc đáo, uy nghiêm kiểu như tượng Chăm, mỗi gian trưng bày sẽ chỉ trưng 1-2 hoặc 3-4 hiện vật, thì tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, con số đó lên đến vài chục, tạo cảm giác hiện vật bị dồn đống, giá trị hiện vật vì thế bị giảm sút đi rất nhiều.

Ông Thắng kể, có lần một cán bộ của Đà Nẵng sang Pháp xem đúng bức tượng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được người Pháp mượn trưng bày nhưng không thể nhận ra, vì với công nghệ chiếu sáng, không gian trưng bày hiện đại, bức tượng trở nên quá đẹp. “Với gần 500 hiện vật đang có, đáng lẽ khách phải tham quan, chiêm ngưỡng thật sự suốt cả ngày, thay vì chỉ dạo một lượt chóng vánh trong khoảng 30 phút như hiện nay”, ông Thắng tiếc nuối.

Cũng theo ông Thắng, mọi chuyện phải bắt đầu từ sự thay đổi về mặt nhận thức. Trước hết, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của văn hóa Chăm là một bộ phận độc đáo của văn hóa Việt Nam. Thứ hai, cần thay đổi quan niệm về bảo tàng, không nên xem bảo tàng chỉ là nơi để cất giữ hiện vật mà còn có chức năng nghiên cứu khoa học, phát huy, phát triển các di sản văn hóa dân tộc. Và cần phải có kinh phí cho những hoạt động mang tính phát triển này, thay vì hiện nay chúng ta chỉ duy trì những cái đã và đang có, những điều đã cũ. Thứ ba, yếu tố không kém phần quan trọng là sự nỗ lực thay đổi cung cách làm việc của chính những người làm công tác bảo tàng.

Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, nếu chỉ vì vấn đề mặt bằng và kinh phí mà khẳng định rằng, bảo tàng không thể phát triển được là không đáng. Mặt bằng có thể giải quyết bằng việc tìm mặt bằng khác, hoặc nâng mặt bằng hiện tại lên; kinh phí thì phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và phụ thuộc vào quan niệm đầu tư cho văn hóa.

Theo ông An, chuyện hiện vật, chúng ta vẫn đang tiến hành khai quật và tìm được không ít hiện vật mới, đó có thể không phải là những bảo vật quốc gia, nhưng mỗi hiện vật có giá trị riêng của nó, các công trình nghiên cứu sẽ giúp phát hiện ra những vẻ đẹp mới của hiện vật. Bảo tàng hiện tại vẫn chưa trưng bày hết các hiện vật, một số còn để trong kho nên không nên lo thiếu hiện vật.

Ông An cũng nhìn nhận, lỗ hổng rất lớn trong hoạt động Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay là hoạt động nghiên cứu khoa học. Lẽ ra, bảo tàng phải là nơi lưu giữ tất cả các tư liệu, sách vở, băng đĩa… về văn hóa Chàm để ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu thì đều có thể tìm đến, nhưng bảo tàng của chúng ta hiện tại không có. Gần đây, bảo tàng tổ chức một số trưng bày chuyên đề, hội thảo khoa học nhưng chưa thường xuyên và chất lượng chưa cao. Điều này một mặt phản ánh năng lực của bảo tàng; mặt khác có thể do hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí... Tất cả những điều này để nói lên rằng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn rất nhiều việc cần phải làm và còn rất nhiều khả năng để phát triển.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 100 bảo tàng gần giống nhau, do cách làm, cách tư duy rập khuôn, thiếu sáng tạo, nên kém hấp dẫn. Để bảo tàng phát triển, chúng ta cần đầu tư bài bản cho những bảo tàng chuyên đề kiểu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Dần dần, các bảo tàng này sẽ tự bổ sung, hoàn thiện làm nổi bật bức tranh văn hóa Việt Nam. “Chỉ có đầu tư theo chiều sâu, có trọng điểm, nhấn mạnh sự độc đáo, mới tạo được những đột phá”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Bài và ảnh: THANH TÂN
 

;
.
.
.
.
.