1- Nói đến giáo dục - đào tạo trước hết phải nói đến vai trò của người thầy. Từ xưa đến nay, vai trò của ngành giáo dục và người thầy luôn là vấn đề tối cần thiết để bảo đảm sự trường tồn và phát triển của quốc gia dân tộc. Khổng Tử (551 – 479 TCN) sau khi chu du khắp chốn đã khẳng định: Xã hội đối xử với người thầy như thế nào thì bộ mặt của nó sẽ như thế ấy.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhận thức rõ vai trò của giáo dục đối với sự phát triển đất nước, từ thế kỷ thứ XI, thời nhà Lý, nước ta đã tổ chức kỳ thi “Minh Kinh bác học” vào năm 1075. Đây không phải là kỳ thi chọn người làm quan mà chọn người làm thầy. Ở thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông, có lẽ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của các khoa thi, chính nhà vua đã dựng Văn Miếu và cho lập văn bia Tiến sĩ để khắc tên những người đỗ đạt. Ba thế kỷ sau, Ngô Thì Nhậm cho rằng “Dựng nước lấy dạy học làm đầu”.
Đến nay, tuy quan niệm “tam cương” (Quân – sư – phụ) không phải ai cũng thừa nhận, song chẳng ai có thể phủ nhận truyền thống tôn sư trọng đạo cao quý vốn đã khắc sâu trong ý thức của người Việt Nam qua bao thế hệ. Dân gian bao đời nay vẫn nói “không thầy đố mày làm nên”. Lê Quý Đôn - nhà bác học của dân tộc Việt Nam, sinh cách đây 286 năm đã viết rất chính xác rằng: “Phi trí bất hưng”. Bác Hồ, người thầy vĩ đại đã gọi nghề dạy học là nghề cao quý để khẳng định vai trò của người thầy trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, qua điều nhấn mạnh đó Bác Hồ nhắc nhở mọi người dành cho người làm nghề dạy học những tình cảm tốt đẹp và một chỗ đứng xứng đáng với sứ mệnh cao quý của họ - sứ mệnh là chiếc máy tạo ra những bậc hiền tài - là vốn quý của đất nước, đúng như lời của Thân Nhân Trung – một học giả thời Lê khẳng định “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng vươn xa; nguyên khí suy thì đất nước yếu và ngày càng xuống thấp”. Vì lẽ đó, sẽ rất không may cho một đất nước (từng địa phương cũng vậy) nếu như người lãnh đạo: Một là, không phát hiện ra được người tài; hai là, phát hiện ra người tài mà không dùng; ba là, dùng người tài mà không tin. Cái tài trác tuyệt của Lưu Bị là đã dùng được cái tài của Gia Cát Lượng.
Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cũng chính là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, người thầy lớn của Đảng và của nhân dân ta cách đây hơn nửa thế kỷ đã nói “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Người còn khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Tự hào mà nói rằng người dân Đà Nẵng thật hạnh phúc bởi có được những người lãnh đạo sớm có chính sách để thu hút người tài.
2- Đồng hành cùng dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại đưa đất nước phát triển, nở hoa từ đói nghèo lạc hậu, xiềng xích lầm than… có công lao rất lớn của các thế hệ nhà giáo. Lớp lớp các thế hệ nhà giáo đã đóng góp vào việc giáo hóa, mở mang tri thức, chung tay xây dựng nền học vấn nước nhà, hun đúc nên truyền thống hiếu học của dân tộc. Công lao ấy đi vào tâm thức mọi người. Là người Việt Nam ai cũng tâm niệm “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.
Trong dòng chảy chung đó của lịch sử, hằng năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, cả dân tộc như bước vào ngày hội – ngày hội vinh danh nghề dạy học và người dạy học. Người Việt Nam luôn khắc ghi chân dung những người thầy cao quý như: Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Đồ Chiểu, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu…
Làm sao có thể tính được công lao của các thế hệ nhà giáo trong dòng chảy của đất nước và dân tộc là bao nhiêu; làm sao có thể diễn tả được hết tấm lòng cao thượng, cái hồn trong sáng, cái chất thanh cao, cái khí phách không bao giờ bị chuyển lay, cám dỗ của các tấm gương nhà giáo tiền bối sáng ngời.
Với mỗi chúng ta, trong hành trang mang theo trên bước đường đời, trên bước đường công danh, sự nghiệp đều có dấu ấn của những người thầy, người cô thân thương, kính trọng. Dù cuộc sống vẫn còn không ít chuyện lo toan, trăn trở, song lòng yêu nghề luôn thôi thúc để người thầy mãi miệt mài cùng trang sách, lấy việc dạy chữ, dạy đạo làm người làm lẽ sống.
Thâm thúy thay, ngôn ngữ Việt Nam phác họa cái đạo làm thầy qua từ “dạy học”, dạy luôn gắn kết, song hành với học. Quả vậy, một nhà giáo chân chính luôn dành trọn trái tim cho nghề và dành trọn cả một đời để gạn đục khơi trong. Ai đó đã nói rằng: “để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức, người thầy giáo đã phải uống cạn một bể ánh sáng”. Chính vì thế mỗi thầy giáo, cô giáo luôn tâm niệm rằng học để dạy và học cả đời để dạy cho tốt.
Nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi chúng ta.
Bao đời qua và thời nay cũng thế, đặt ở vị trí được quý trọng và quan trọng như vậy, nhưng với người thầy chân chính, họ chẳng đòi hỏi gì lớn lao với họ. Cái tâm, cái nhân mới đích thực là sợi chỉ thiêng nối liền các thế hệ. Nếu đánh mất sợi chỉ đó thì cuộc đời của người thầy còn có nghĩa gì đâu. Và như người lái đò họ chỉ mong những người khách sang sông năm nào nếu có dịp trở lại bến sông xưa thì nhớ dừng chân về thăm người lái đò nơi bến cũ.
Năm nào cũng vậy, giữa tiết trời se lạnh của buổi đầu đông, nhưng lòng của mỗi thầy giáo, cô giáo thì vẫn ấm áp. Ấm áp bởi không khí nô nức, rộn ràng, hồn nhiên và cả lòng quý trọng lan tỏa trên khắp các nẻo đường đất nước để chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là món quà vô giá mà xã hội dành cho, đúng như lời của một nhà thơ nào đó: “Có mang trao tặng cuộc đời/ Mới mong nhận được của người trái tim”.
Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/1982/QĐ-HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam với các nội dung cơ bản: Một là từ nay, hằng năm lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam; hai là, đề cập đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với sự nghiệp giáo dục và đối với đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta. |
NGUYÊN LINH