Theo TS Lê Hồ Quang, có thể hình dung thơ của Ý Nhi như một hành trình truy vấn tinh thần mà ở đó, cái tôi nhà thơ lặng lẽ nhưng quyết liệt và bền bỉ, không ngừng tìm kiếm cái “bản lai diện mục” của tâm hồn. Thơ Ý Nhi không lạm dụng những mỹ từ kêu vang mà toát ra từ một nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc, đầy khắc khoải của một người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời.
Xuất hiện từ giai đoạn chống Mỹ nhưng chủ yếu khẳng định bút lực của mình trong thời hậu chiến và đổi mới, Ý Nhi là một trong những cây bút nữ xuất sắc của nền thơ ca đương đại. Điểm mốc đánh dấu thành công của Ý Nhi là tập thơ “Người đàn bà ngồi đan”.
Cảm nhận cuộc sống đa chiều
|
Thơ Ý Nhi là thơ của tiếng nói lý trí, nội tâm, điềm tĩnh. Điều này đã tạo nên sự độc đáo của nhà thơ xứ Quảng giữa rừng thơ nữ Việt Nam hiện đại nặng về chất duy tình, duy cảm lúc bấy giờ. Trong thơ Ý Nhi, đặc biệt là kể từ tập Người đàn bà ngồi đan, chúng ta không còn bắt gặp những ảo tưởng ngây thơ và dễ dãi của thời tuổi trẻ, bởi giờ đây “thiếu nữ đã là người đàn bà ở tuổi bốn mươi”. Người đàn bà ấy ý thức rất rõ rằng mình “đang đứng kề bên giới hạn của mình”, “không còn nhiều thời gian cho do dự/ không còn nhiều thời gian cho sai lầm” (trích Người đàn bà ngồi đan). Thơ Ý Nhi vì thế càng lúc càng đậm đặc màu sắc triết lý, thể hiện sự cứng cỏi trong lối tư duy, nếp nghĩ của một người phụ nữ từng trải: “Tôi sống trong cuộc đối thoại ngầm cùng bạn/ Chấp nhận cái nghèo/ chấp nhận sự đơn độc/ như người ta chấp nhận khuôn mặt vốn có của mình” (Gửi bạn). Có người nhận xét, với Ý Nhi, “những cảm xúc nồng nhiệt luôn đi cùng ý thức tiết chế, ngọn lửa đam mê luôn song hành cùng niềm kiêu hãnh, sự truy vấn tỉnh táo, rạch ròi được nhìn nhận trong sự thấu đáo và cận nhân tình”. Điều này cho phép nhà thơ luôn khách quan hóa thế giới nội tâm, giúp chị nhìn thấy sự “đơn giản và rối ren, lớn lao và cạn hẹp” trong tâm hồn con người, thơ chị có cái nhìn nhiều chiều đối với mỗi sự vật, mỗi thời khắc, mỗi tình cảm… của cuộc sống.
Lý trí tỉnh táo cộng với nhu cầu nhận thức, đánh giá cuộc sống trong chiều sâu của bản chất đã dẫn nhà thơ đến cái nhìn cuộc đời trong sự đối lập, mâu thuẫn phổ quát. Trong thơ Ý Nhi, bức tranh cuộc đời hiện lên hết sức phức tạp, đầy nghịch lý và không dễ dàng nắm bắt bằng vẻ bề ngoài. Mô típ hình ảnh con người với những trạng thái tư duy chói gắt cứ trở đi, trở lại trong thơ chị kiểu như: “Tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực/ Vừa hân hoan vừa ưu phiền/ Vừa mong ngóng vừa ngại ngùng” (Mùa thu) hay “Giữa chiều lạnh/ một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ Vừa nhẫn nại vừa vội vã/ Nhẫn nại như thể đó là việc làm suốt đời/ Vội vã như thể đó là lần sau chót…” (Người đàn bà ngồi đan). Cái tôi nhà thơ thường xuất hiện với những câu hỏi đầy băn khoăn, day dứt: “Đốm lửa rừng giờ cháy nơi đâu/ đóa hoa rừng giờ thơm nơi đâu/ con chim rừng giờ hót nơi đâu” (Cửa rừng); “Cô sẽ nói điều gì về hạnh phúc/ Cô sẽ nói điều gì” (Thư mùa đông); “Trong mũi đan kia ẩn dấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/ Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng” (Người đàn bà ngồi đan)…
Sự tự họa phổ biến trong thơ Ý Nhi không nhằm để “tô vẽ” bản thân mà chính là một hành động tự vấn lương tri nghiêm khắc buộc bản thân trước hết phải trung thực với chính mình. Sự hướng ngoại (nếu có) trong thơ Ý Nhi vì thế dường như cũng chỉ là một phương thức giúp chị nhìn sâu hơn vào bản ngã. Và chính nỗ lực tinh thần bền bỉ ấy đã tạo nên trong thơ Ý Nhi niềm tin vào sức mạnh nội tại mãnh liệt để bảo vệ đến cùng những giá trị mà chị tin tưởng, tôn thờ.
Tình yêu lý tưởng
Người đàn bà ngồi đan Giữa chiều lạnh (1-1984) Ý NHI |
Đứng trên địa hạt tình yêu, nơi mà người ta tưởng chỉ có chỗ cho cảm xúc, thơ Ý Nhi vẫn cho thấy sự làm chủ của lý trí. Đọc thơ tình của Ý Nhi, thật khó để bắt gặp những xúc cảm nồng nàn kiểu giãi bày của chủ thể sáng tạo. Thơ tình yêu của chị nghiêng về mô tả một cảm giác nảy sinh trong một tình huống cụ thể. Ở đó con người vừa trọn vẹn đặt mình trong cái khoảnh khắc đầy tâm trạng, mặt khác, bình tĩnh tách ra nghiêng tại đón đợi tiếng vọng nội tâm sâu thẳm, chẳng hạn: “Thật buồn/ khi trở về trên chuyến xe cuối cùng/ thành phố đã ngủ yên/ Thật buồn trước lá xuân/ trước nắng/ trước trời mây/ Thật buồn khi thơ viết không người đọc/ khi gọi không ai đáp lời/ khi biết mình đã yêu…” (Không đề).
Lý trí thường trực khiến những vần thơ tình yêu trong thơ Ý Nhi không diễn đạt một xúc cảm đơn thuần mà bao giờ cũng là sự phức hợp cảm giác: vừa ngóng trông vừa khắc khoải, vừa hân hoan vừa lo âu, vừa vui sướng vừa ngậm ngùi, vừa hạnh phúc vừa buồn khổ… dù chỉ trong khoảnh khắc. Ngay cả khi viết về phút giây hòa hợp, gặp gỡ hiếm có trong tình yêu, cái tôi trữ tình trong thơ chị vẫn không thể tự giải thoát khỏi những cảm giác đầy mâu thuẫn ấy: “Bấy giờ/ em băng qua ngã tư đèn đỏ/ để kịp đến nơi anh/ Bấy giờ cỏ xanh/ người xanh/ áo người rực rỡ/ Bấy giờ/ em hao gầy, đầy đặn/ hân hoan, buồn khổ/ dưới một ánh nhìn” (Ký ức)…
Tình yêu trong thơ Ý Nhi được viết với tất cả độ chín của bản năng và sự từng trải, nhưng đó cũng không phải là thứ tình cảm ân nghĩa gắn với hình ảnh một mái ấm đời thường mà phần nhiều trở nên trừu tượng hóa, lý tưởng hóa. Tình yêu trở thành đối tượng để suy ngẫm, một thứ biểu tượng đẹp để con người khát khao hướng tới. Ở đó, con người có thể tìm thấy sự vững vàng, niềm kiêu hãnh và cả sự dồn nén những cảm xúc đẹp đẽ. Chính vì vậy mà tình yêu trong thơ Ý Nhi mang giá trị tinh thần phổ quát chứ không đơn thuần là của một con người cá biệt, cụ thể nào. Tình yêu có thể là một món quà đã được mang cho một cách hào phóng vô tư, không đòi hỏi đền đáp: “Anh đã đem cho tâm hồn anh/ anh đã đem cho cuộc đời anh/ nhưng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây/ anh còn muốn cho cô, những gì có thể có trong đời” (Quà tặng). Sự ra đi trong tình yêu vì thế đôi khi như một sự “biết ơn”, “hân hoan” và thanh thản: “Ra đi mà đầy biết ơn/ ra đi/ mà từ đôi mi đã khép/ còn lăn chảy giọt nước mắt hân hoan”… (Vườn 1).
Có người nhận xét rằng, chính ý thức tiết chế cảm xúc đến cùng cực, lối tư duy duy lý khiến thơ Ý Nhi nghiêng về nỗi ưu tư nghiêm trang, đôi khi trĩu nặng nỗi niềm. Nó thiếu vắng một chút tếu táo, hài hước… khiến mọi chuyện trở nên giản đơn, nhẹ nhõm. Thơ tình Ý Nhi vì thế mất đi cái gọi là sự nồng nàn, đắm say. Đó là nhận xét hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng, bên cạnh những câu thơ sắc lạnh, đầy lý trí, nhân vật trong thơ Ý Nhi đã có lúc quên đi sự trầm tĩnh vốn có để đắm say với xúc cảm yêu đương như: “Em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh” (Vườn 1); “Cùng anh/tôi có thể đối chọi/ có thể hòa nhập/ với cả thế gian này” (Không đề)…
Muốn đạt lý phải thấu tình. Cái lý trong thơ Ý Nhi là vậy. Đó chỉ là sự kìm nén những cảm xúc bột khởi, hờ hững, để nhìn nhận mọi thứ trong độ lắng đọng của triết lý, suy tư. Không ít bài thơ của chị vững chãi trên một cấu tứ khúc chiết để bất ngờ bật ra ở cuối một chiêm nghiệm dễ được đồng cảm. Người ta gọi thơ Ý Nhi là lối thơ “trữ tình gián cách” vì lẽ đó.
NGỌC DUNG