.

An vui giữa biển đời

.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hẹn tôi đến nhà riêng vào một chiều cuối năm Hà Nội se sắt gió. Căn nhà ở tầng 8 chung cư hiện đại trên đường Bưởi, muốn lên phải để lại giấy tờ tùy thân. Bạn bè đến, thấy “văn minh quá” nhưng cũng “nhiêu khê quá” nên có người ngại, bảo lần sau không đến nữa.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lúc còn trẻ và con gái. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lúc còn trẻ và con gái. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

1.

Cách đây gần 20 năm, tôi gặp Phan Thị Thanh Nhàn lần đầu ở khu tập thể Huỳnh Thúc Kháng. Căn phòng nhỏ nhắn, xinh xắn ở tầng 2 là nơi bà và con gái đã gắn bó, có nhiều kỷ niệm. Bà kể: “Trước khi chuyển về chung cư ở đường Bưởi, tôi còn chuyển nhà nhiều lần nữa, mấy năm ở A6 Giảng Võ, rồi “dạt về” ở Thụy Khuê ngửi mùi sông Tô Lịch, thêm vài năm lên chung cư phố mới Lê Văn Lương… Có điều vui vui, tôi ở nhà nào cũng có người hỏi mua. Cứ mỗi lần bán nhà lại lãi một chút. Bạn bè gọi đùa tôi là “trùm bất động sản”. Cái nhà này cũng đang có người hỏi thuê. Năm ngoái có người hỏi thuê với giá 1.000 USD/tháng. Bạn bè, chị em trong nhà bảo cứ cho thuê, chỉ cần dăm bảy triệu đồng là thuê được một chỗ “dưới đất, ở ngon”, mà lại dư thêm được tiền tiêu. Nhưng giờ có tuổi rồi, đâm ngại”.

Nhà thơ cho biết, mỗi lần chuyển nhà, bà lại mất rất nhiều sách. Thực ra thì không mất, mà ngại chuyển, nên lọc ra cho người này người khác. Lần chuyển lên đây, bà cũng cho 6 - 7 bao tải sách. “Đôi lúc cũng tiếc. Nhưng ở chung cư, không phải chỗ nào cũng có thể biến thành… kho”, bà nói.

Ngay cả sách của mình in ra, bà cũng không có thói quen giữ. Bởi với bà, nhà văn có đứng được trong lòng công chúng hay không mới là điều quan trọng chứ không phải dựa vào những đầu sách. Mọi người rồi sẽ chết đi, không ai mang theo được tác phẩm của mình. Nếu tác phẩm hay, thế nào cũng được người đời tìm đọc và ghi nhận. Ngay cả bây giờ có trong tay cả trăm bài thơ chưa in, bà cũng không thiết in thành tập riêng mà chọn lọc đưa luôn vào tuyển tập. In ra chẳng ai đọc, cũng chẳng để làm gì. Giờ có mấy ai còn hứng thú với văn chương nữa đâu. Suy nghĩ ấy khiến những ngày tháng này với bà thật nhẹ nhàng. Sống là sống với hiện tại, làm sao để sống vui, sống khỏe, làm sao nhìn cuộc đời thật thoải mái. Tôi vẫn còn nhớ lần gặp trước, bà quả quyết: “Giản dị là cái cao siêu nhất”. Và bây giờ sau gần 20 năm gặp lại, dù bà sống ở chung cư hiện đại nhưng suy nghiệm ấy vẫn hiện hữu trong từng câu nói, trong cách bày biện không gian sống.

2.

Chuyển nhà nhiều lần, cho đi rất nhiều sách, thậm chí không giữ đủ sách đã in của chính mình, nhưng có nhiều kỷ vật khác Phan Thị Thanh Nhàn luôn mang theo, cất kỹ. Đó là những bức thư của chồng và thư của… các chàng từng yêu mến nhà thơ. Những bức thư đượm màu thời gian, đong đầy kỷ niệm được bà cất giữ cẩn thận, ít khi chia sẻ. Có lần một nhóm làm phim chân dung về bà, muốn thi sĩ “Hương thầm” “diễn” lại cảnh lần giở những bức thư ấy, bà đã từ chối, nói rằng đó là khoảng lặng của riêng mình. Nhưng các bạn nói vui: “Thì chị cứ thử đọc vài cái xem sao”. Hiểu đó là yêu cầu của công việc, bà “đành” ngồi đọc thư của người chồng đã mất trước máy quay.

Nhưng bà lại muốn chia sẻ khá nhiều thư, bản thảo, và vật kỷ niệm của nhà văn Tô Hoài - người đã cất công “sang tận cơ quan tôi là Báo Hà Nội mới để xin về Hội Văn nghệ Hà Nội”. Nhà thơ kể rằng, trong “tủ kỷ vật” của bà không bao giờ thiếu con gấu misa và con thiên nga bằng sứ trắng. Ngoài ra, nữ thi sĩ còn sở hữu nhiều bản thảo viết tay “đầy những dòng chữ nhỏ đều tăm tắp, với rất nhiều chỗ sửa chữa, thêm bớt bằng bút khác màu” của nhà văn Tô Hoài như bản thảo Nhà Chử, Quê nhà, Mười năm… Trước đây, người ta có thói quen viết thư, hễ đi đâu xa, có chuyện gì là gửi thư thăm hỏi. Tô Hoài cũng vậy, ông viết nhiều thư gửi tác giả “Hương thầm”. Có lá thư ông “khoe” đang ở Cát Bà, có thư chia sẻ cảm xúc bàng hoàng khi nghe tin Nguyễn Tuân mất. Nhưng có bức thư chỉ vỏn vẹn vài dòng.

Với nhà văn Tô Hoài, Phan Thị Thanh Nhàn có khá nhiều kỷ niệm. Kể từ lần được Tô Hoài xin về Hội, bà đã trở thành nhân viên của “ông Dế Mèn” tới hơn 10 năm. Suốt những năm tháng đó, có nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết sống của nhà văn lão thành đã được Thanh Nhàn chứng kiến. Dễ hiểu khi thấy bà có nhiều trang viết về Tô Hoài với những câu chuyện “cực độc đáo, thú vị” về “ông Dế Mèn”. Trong giới văn nghệ, người ta còn đồn thổi về mối quan hệ “quá đỗi thân tình” ấy. Giờ hỏi lại, Phan Thị Thanh Nhàn chỉ lắc đầu, rồi bà đưa ra tấm ảnh chụp với vợ chồng nhà văn Tô Hoài ở Sa Pa từng đăng báo…

3.

Phan Thị Thanh Nhàn có một cô con gái hiện là giáo viên dạy Toán và tin học ở một trường THCS. Chính con gái đã kỳ công dạy mẹ sử dụng vi tính, “bắt” mẹ tập đánh có dấu ngay từ những buổi đầu mới học. Và giờ bà có thể mở facebook, gửi email cho bạn bè, đánh máy và gửi bài cho các báo… “Cuộc sống của mình đầy nỗi buồn và sự cô đơn, nhưng mình luôn cố gắng sống vui, làm việc và rèn luyện sức khỏe để lấp đầy mọi khoảng trống”, nhà thơ chia sẻ.

Tôi nói với Phan Thị Thanh Nhàn rằng, cùng với hai bài thơ Con đường và Hương thầm, một bài thơ khác cũng khiến tôi khó quên được bà viết vào năm 2000, có tựa đề giản dị: Dặn con:

Con ơi!
Con sẽ gặp trên đường
                 nhiều người ăn xin
Con sẽ thấy trên đường
               nhiều người khốn khó
Mẹ con mình không hề giàu có
Nhưng cũng là đủ ăn.
Con hãy dành theo thứ tự ưu tiên
Trước hết là những người ruột thịt
Hãy từ thiện ngay trong gia đình
Cố gắng góp chút gì sao không                      còn ai đói rét.
Với người qua đường con ơi, dù ít
Con hãy chia sẻ lòng thảo thơm
Mai đây khi mẹ không còn
Con chỉ gặp những tấm lòng
                    thơm thảo.

Phan Thị Thanh Nhàn kể rằng, bà đã viết bài thơ này trong tâm trạng buồn buồn khi thấy ngay trong gia đình họ hàng bên ngoại, bên nội của mình còn nhiều người vất vả, thiếu thốn, và ngoài đường thì còn bao người đói khát, bơ vơ…

Nghỉ hưu nhưng Phan Thị Thanh Nhàn… không nhàn, hết làm thơ thì viết truyện ngắn. Chưa viết truyện ngắn thì viết chuyện bạn văn, chán lại vào facebook “bốt” thơ, “bốt” ảnh những chuyến đi. Người nổi tiếng như bà khi lên facebook cũng lắm… phiền hà. “Bà già” (cách bà tự nhận) không hiểu sao cứ mỗi khi vào mạng xã hội là lại rào rào những người lạ nhắn tin, thăm hỏi, những câu hỏi lặp đi lặp lại thành nhàm, như: Cô khỏe không? Cô ăn cơm chưa? Cô có mấy con? Cô có bao nhiêu anh chị em? Cô đã từng yêu mấy người?... Có lần bà đã trả lời đùa: “Bạn ơi, bây giờ phỏng vấn đời riêng như vậy là… phải trả tiền đó nghe!”. Có người lại gửi cả chục bài thơ nhờ nhà thơ đọc, góp ý, biên tập hộ… Thế là “sân chơi” thư giãn đôi khi cũng thành nỗi khổ khi bà không nhận lời biên tập thơ, không đồng ý với bất cứ ai qua facebook hẹn gặp bà ngoài đời. Và con gái là giáo viên dạy vi tính cùng các cháu đã giúp mẹ, giúp bà khá nhiều “chiêu” để… thoát hiểm.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn có nhiều thú vui khác mà nhiều “bà già” tuổi bà ít có được: tự lái xe máy đi đây đó, đi bơi, chơi tennis, và… khiêu vũ. Rồi những chuyến du lịch trong nước, những chuyến chu du nước ngoài cũng tạo nhiều hứng khởi cho những trang viết của bà. Bấy nhiêu thứ đã hóa giải hết thời gian rảnh của một người thơ đã ở tuổi “cổ lai hy” như bà. Và bấy nhiêu cách đủ để làm khuây khỏa những nỗi buồn ẩn kín trong tâm hồn thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn.

Bà tâm sự: “Hạnh phúc là biết bằng lòng với hiện tại. Cứ nhìn vào bạn bè, thấy người này bị tiểu đường, người kia đau khớp, người khác đau lưng thì thấy mình may mắn lắm rồi”. Thậm chí, trong đám cỗ của họ hàng, có người thân còn than thở: “Họ mình khổ nhất dì Nhàn”, nghe vậy bà chỉ mỉm cười. Bà nói với tôi: “Trời cho thế nào thì mình hưởng thế ấy, đòi hỏi hơn cũng không được”.

4.

Với Phan Thị Thanh Nhàn, ngay cả việc năm nay ra mắt “Tuyển tập” cũng là cái “duyên”, bắt đầu từ thông báo của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư ở NXB Hội Nhà văn. Đã qua cái thời thích ra sách để “chứng tỏ” này khác, lại sẵn ý nghĩ sách in ra giờ còn mấy người đọc, nhưng khi bạn văn có nhã ý đưa “Tuyển tập” này vào danh mục sách Nhà nước đặt hàng, tức là tác giả không mất tiền đầu tư, thì rõ là một cơ hội. “Làm cho xong”, bà nghĩ và bắt tay làm, với sự hỗ trợ vi tính của con gái và bạn bè. Bạn văn gợi ý chỉ làm “Tuyển tập thơ” thôi, nhưng Phan Thị Thanh Nhàn lại muốn “cộng sổ” cả đời văn của mình, để “cho gọn, khỏi phải lo các tập sau”.

Vì thế, trong tuyển tập dày 420 trang với bìa đơn giản, nhã nhặn do họa sĩ Văn Sáng thiết kế, người đọc sẽ bắt gặp cả thơ, truyện ngắn, tản văn lẫn chân dung văn học. Tất nhiên, phần thơ chiếm dung lượng lớn hơn cả, 273 trang. Ở đó, không thể vắng những bài thơ làm nên thương hiệu Phan Thị Thanh Nhàn như Con đường, Hương thầm, Số O… Người đọc còn có thể tiếp cận thật gần với chân dung Phan Thị Thanh Nhàn qua những trang viết cho thiếu nhi cả trong thơ và văn xuôi. Tất cả những điều đó, dường như với tác giả, không phải là điều quá quan trọng. Quan trọng là bà vừa làm xong một việc: “đóng gói” lại những việc mình đã làm, để ai muốn có thể ngoái nhìn; còn bà lại tiếp tục rong chơi cùng bè bạn với những cuộc du lịch, những sân thể thao, những buổi tụ tập bạn gái nấu nướng, đi massage, trêu chọc nhau… Vì với bà, cuộc đời ngắn lắm. Bà đã trải qua tuổi trẻ xứng đáng, đã làm việc hết mình, đã yêu và được yêu, thế cũng là đủ cho cuộc đời một người phụ nữ. Bây giờ sống là an vui giữa biển đời, mặc kệ ngoài kia đèn điện như sao sa, xe người như kiến và Hà Nội giờ đang hội nhập, mở cửa một cách vội vàng…

NGUYỄN THANH BÌNH

 

;
.
.
.
.
.