Triển lãm “Tôi kể chuyện này” lần đầu tiên trưng bày những đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh, qua đó chuyển tải thông điệp hòa bình.
Triển lãm “Tôi kể chuyện này” được khai mạc vào ngày 3-12 vừa qua tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) do Báo Hà Nội mới và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến tổ chức để kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2012) và 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2012).
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (ảnh) nguyên là phóng viên Ban Phóng sự - điều tra của Báo Hà Nội mới. Ông là người “đắm đuối” với các kỷ vật chiến tranh, không quản ngại đi khắp nơi, sưu tầm, trao đổi, mua các hiện vật chiến tranh và các vật dụng thời bao cấp. Đến nay bộ sưu tập của ông rất phong phú. Ông sẵn sàng tặng lại bảo tàng nếu nơi đó có chỗ trưng bày và bảo quản hiện vật chu đáo. Nguyễn Ngọc Tiến còn là tác giả của nhiều bài viết và sách về Hà Nội. Tiếp sau cuốn sách 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, ông vừa liên tiếp cho ra đời 2 cuốn sách Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội. Cuốn Đi ngang Hà Nội đã được nhận tặng thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội”. |
Khi biết có triển lãm hơn 50 đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh, nhiều người háo hức tới xem. Người già, những người từng sống với Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình” như được gặp lại cái thuở chưa xa ấy. Còn với người trẻ, những học sinh, sinh viên lại thấy vô cùng lạ lẫm và thích thú.
Vỏ bom bi làm thành vành xe đạp. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ |
Hầu hết các phế liệu của quân đội Mỹ, một số ít của quân đội Pháp được bộ đội, người dân “hóa kiếp” thành các đồ sinh hoạt dùng cho cuộc sống hằng ngày trong thời chống Mỹ, cứu nước và thời bao cấp. Các đồ vật gồm: vỏ quả bom 250 cân Anh làm thành kẻng, vỏ bom bi làm thành vành xe đạp; vỏ đạn pháo 130mm, 105mm, 85mm, 37mm... làm thành các loại lọ cắm hoa; dây dù hàng đan thành võng, dù pháo sáng làm thành khăn choàng cắt tóc, ri-đô cho các cặp vợ chồng, khăn quàng cổ mùa đông; mũ sắt làm cối giã cua, chậu đựng nước thử săm của thợ sửa xe đạp, gàu múc nước; đèn làm từ vỏ quả đạn M79 (cối cá nhân), ống pháo sáng... Bên cạnh đó là 16 món đồ gồm: điếu cầy, gạt tàn thuốc lá, vỏ phích, đĩa đựng chén uống nước, hòm đựng quần áo, bàn uống nước... làm từ xác máy bay các loại và đặc biệt có các món làm từ xác máy bay B52 bị bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam bắn cháy trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 (Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không)... Toàn những vật dụng chưa từng thấy trong đời sống hiện đại.
PHỐ Vỏ phích nước được làm từ xác máy bay Mỹ. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ |
Điều đặc biệt nữa, những vật dụng ấy không chỉ là sự “tận dụng”, tái sử dụng trong thời buổi khó khăn mà còn mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật rất cao. Nó còn cho thấy chất thơ lãng mạn trong bom đạn chết chóc, tinh thần thép tin tưởng nhất định vào sự thắng lợi của chính nghĩa của người Hà Nội. Chẳng gì bình dị hơn, kiên cường hơn khi người dân bình thản biến những thứ mang đến cái chết thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống hằng ngày, chung sống với nó. Để ngày nay chính những đồ vật ấy là biểu tượng, là bằng chứng, cũng là kỷ niệm vô cùng sống động và có thể nói là có một không hai trên thế giới về chiến tranh, về lịch sử của Hà Nội.
Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” - khẩu hiệu viết trên mảnh tên lửa SAM-2. Ảnh: PHẠM GIANG |
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến tâm sự: “Ý tưởng làm triển lãm đã có từ vài năm trước, lúc đầu tôi định đặt tên triển lãm là “Hóa kiếp chiến tranh” nhưng thấy nặng nề quá nên thôi. Triển lãm này thực chất chỉ là gợi ý cho các câu chuyện mà người xem triển lãm kể cho nhau về một thời. Triển lãm cũng là câu trả lời ngắn cho các câu hỏi của lớp trẻ hôm nay về các cuộc chiến tranh trong quá khứ để liên hệ với hiện tại”.
Điều quan trọng hơn, mục đích lớn hơn là Báo Hà Nội mới và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến muốn gửi thông điệp hòa bình đến tất cả những ai có lương tri trên thế giới.
PHẠM GIANG