.

Nhanh và chậm

Trong cuộc sống cũng như công việc của mỗi người luôn hiện diện khái niệm nhanh và chậm. Cùng với vòng quay hối hả của cuộc sống, dòng thời gian trôi qua từng ngày chẳng chờ đợi một ai và dường như lúc nào cũng như nhanh hơn. Mọi người cũng tự hiểu, phải chạy thật nhanh, phải trân trọng từng phút giây của cuộc sống. Sống nhanh là để bắt kịp với cuộc sống nhưng cũng cần có những phút giây sống chậm để không bị guồng quay thời gian cuốn đi.

Trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập và mở cửa, khi nhịp sống hối hả, người ta có nhiều lý do để sống nhanh, nhưng đó là những cái nhanh được xem là hợp lý. Chẳng hạn, nhanh trong công việc, trong học hành, kinh doanh… và còn là nhanh hơn để nắm bắt cơ hội, nếu không cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay, sẽ tụt hậu và mất tất cả. Cụ thể hơn, điều rất dễ thấy là bây giờ ra đường đã thấy có sự hối hả. Người ta đi thật nhanh, đi với những phương tiện có thể đi nhanh nhất. Rồi hối hả mua thức ăn chế biến sẵn, hối hả mua các món ăn nhanh, hối hả mua các thứ đồ hộp gọn gàng đến mức ăn xong chẳng có gì để phải rửa. Bây giờ, tất cả mọi việc đều phải nhanh như e-mail, tiện lợi và đa năng như điện thoại di động đời mới.

Tuy nhiên, mọi sự đều có tính hai mặt của nó. Có những cái nhanh không nên khuyến khích vì nó mang tính tiêu cực, cái nhanh đó có thể thỏa mãn nhu cầu của một cá nhân nào đó nhưng ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội. Đơn cử như khi chạy xe đến ngã tư, đèn tín hiệu đã báo đỏ hoặc ở trạng thái vàng, nhưng có những người vẫn không chờ được đến tín hiệu xanh mặc dù chỉ có vài chục giây mà cứ “tranh thủ” phóng đi; nhanh khi tranh thủ đi tắt mà vào đường ngược chiều. “Nhanh không đẹp” còn thể hiện qua việc vượt ẩu của lái xe để giành khách, “nhanh như ăn cướp” của đám đua xe; của những “hung thần xe ben” chở đất cát vì tăng chuyến mà chạy ẩu… Hậu quả khó lường là tai nạn giao thông, chưa nói là hình ảnh không đẹp, thể hiện ý thức công dân kém.

Trong cuộc sống thường nhật, sau giờ làm việc mệt nhọc, cũng có không ít người muốn trở về nhà sớm để vui vầy cùng gia đình hay đơn giản là kịp giờ đi đón con, đến một cuộc hẹn nào đó cho đúng giờ, v.v… nhưng dù sao cũng chưa đến mức phải tranh thủ từng phút, từng giây không đáng có mà gây ra những hệ lụy không mong muốn.

Những cái nhanh không nên có nữa là “chạy đua” trong thi công để hoàn thành “vượt mức kế hoạch”, mà đốt cháy giai đoạn về quy trình kỹ thuật dẫn đến công trình chất lượng kém, nghiệm thu chưa bao lâu đã xuống cấp…

Một loại nhanh nữa cũng đáng quan tâm là kiểu sống gấp, sống vội, nhất là trong lớp trẻ, phần nào do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Chẳng hạn, cả đến việc tìm hiểu và tỏ tình, thậm chí là cả nhận diện nhau trước khi tiến tới kết hôn cũng cậy nhờ ở mạng Internet. Đối với một bộ phận không nhỏ thanh niên, lối sống vội vã và sống gấp cũng đang từng bước được hình thành. Một khi quá vội vã thì thật khó mà chu tất, chất lãng mạn và thi vị của cuộc sống cũng vì thế mà vơi dần.

Tóm lại, trong cuộc sống có những cái bắt buộc phải nhanh, “nhanh hợp lý” như cấp cứu bệnh nhân, chữa cháy, chạy đua trong thể thao… Nhưng cũng có cái nhanh chỉ mang đến cái họa, đến cái xấu hơn là cái may, cái đẹp như đã nêu ở trên.

Nói về chậm, trong cuộc sống có cái cần phải chậm như trong thư giãn, nghỉ ngơi, trong một số công việc đặc thù… Chậm ở đây không nhất thiết phải là làm chậm, đi chậm, ăn chậm mà là điều hòa và cân bằng, chậm mà chắc. Ngoài đời rất dễ dàng bắt gặp những cái chậm mang tính tích cực như chậm lại để dắt một cụ già, em bé qua đường, chậm lại trước tín hiệu giao thông nghỉ/dừng, để nhường phần đường ưu tiên cho người khác… Có lẽ ai cũng đã một lần từng nghe câu chuyện ngụ ngôn “Thỏ và rùa” để nói về sự thắng thế của cái chậm, cái chậm “có trí tuệ” đã chiến thắng cái nhanh của bất cẩn và vô kỷ luật.

Nhưng có những cái chậm không đáng, không nên hay tối thiểu là cần phải đúng thời gian thôi, ấy vậy mà người ta vẫn không làm được hoặc cố tình không làm, chẳng hạn như công chức “đủng đỉnh” đến cơ quan khi đã quá giờ làm việc, đến phòng họp khi đã quá giờ họp; rề rà trong xử lý công việc, việc có thể làm trong ngày thì kéo dài qua ngày khác; cán bộ xử lý đơn thư của công dân thì hẹn lên hẹn xuống mặc dù vẫn có thể giải quyết nhanh được… Những cái chậm đó thật lạc lõng trong một guồng máy đang cần phải nhanh. Nó chỉ là biểu hiện của sự trì trệ, lạc hậu, chậm tiến tương phản với một xã hội đang cần sự năng động và hiện đại.

Làm chủ, điều hòa được giữa nhanh và chậm không những thể hiện nghệ thuật sống mà còn liên quan đến nhận thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng. Hơn thế nữa, nó còn liên quan đến khả năng vận hành tốt hay chưa tốt của cả bộ máy trong một đất nước đang phát triển, hòa nhập với thế giới.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.