Đam mê nghệ thuật, nhà thư pháp Nguyễn Ngọc Thạch rong chơi trên từng nét chữ, tạo nên sự mới lạ trong phong trào viết và chơi thư pháp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn thu hút sự chú ý của các nhà thư pháp trong cả nước.
Nhà thư pháp Nguyễn Ngọc Thạch |
Sinh năm 1962 tại Triệu Phong, Quảng Trị nhưng Nguyễn Ngọc Thạch lớn lên tại mảnh đất Đà thành với nhiều niềm đam mê nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thạch quyết tâm theo đuổi nghề vẽ. Năm 1985, anh lên đường nhập ngũ, tưởng chừng như không thể thực hiện được ước mơ theo nghề vẽ. Nhưng sau 3 tháng quân trường, anh được đưa về làm việc tại Phòng Chính trị, Cục Hậu cần Quân khu 5. Nhiệm vụ chính là phục vụ công tác tuyên truyền đã tạo cho anh nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục theo đuổi và nâng cao nghề vẽ.
Duyên nợ với nghề
Sau khi xuất ngũ, Thạch có nhiều cơ hội tham gia công việc khác tốt hơn nhưng anh vẫn quyết tâm tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn. Nghề vẽ chân dung, truyền thần, phong cảnh… trong những năm 90 của thế kỷ trước khá thịnh; nhưng sau này, do sự phát triển của công nghệ ảnh kỹ thuật số tiên tiến, không còn nhiều người quan tâm đến nghề vẽ chân dung nữa nên Thạch chuyển sang viết thư pháp. Và sự thăng hoa của Thạch thể hiện rõ trên từng nét chữ và đưa anh đến thành công trong nhiều năm qua, đóng góp rất lớn cho trường phái nghệ thuật thư pháp quốc ngữ Việt Nam.
Năm 2007, bức thư pháp “Cầu quốc thái dân an” do Thạch chủ công cùng 13 người khác tham gia thực hiện đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục dài nhất Việt Nam. Năm 2008, cũng tại lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, bức tranh bằng ngũ cốc có tên gọi “Thập mục ngưu đồ” lớn nhất Việt Nam do anh cùng một số đồng nghiệp thực hiện cũng đã được xác lập kỷ lục. Bên cạnh đó, Thạch còn tham gia viết thư pháp phần quốc ngữ cho cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) tổ chức biên soạn. Đây là cuốn sách thư pháp độc đáo, đồ sộ nhất Việt Nam hiện nay.
Hiện Thạch sở hữu “Tuyển tập thư pháp thơ Huế” rất độc đáo, do chính tay anh thiết kế, với hơn 100 trang, mỗi trang tương ứng một tác giả. Sách có chiều rộng 0,45m, chiều dài 0,65m, dày 0,10m, nặng gần 20kg. Tập sách được thể hiện bằng các hoa văn và họa tiết thẩm mỹ, kết hợp với nghệ thuật họa pháp một số phong cảnh ở Huế như: cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, sông Hương, núi Ngự… Trên nền các họa pháp này, Thạch đã thăng hoa từng nét chữ kết hợp cùng trí tưởng tượng phong phú. Anh đã viết 100 câu thơ, ca dao của các thi sĩ từ cổ chí kim viết về Huế. Đây cũng là tuyển tập thư pháp thơ Huế được xem là độc đáo nhất Việt Nam.
Tuyển tập thư pháp thơ Huế của Nguyễn Ngọc Thạch được xem là độc đáo nhất Việt Nam hiện nay. |
Sẻ chia với cộng đồng
Không chỉ đam mê thư pháp, Nguyễn Ngọc Thạch còn những thú chơi tao nhã khác như chơi đá, sưu tầm đồ cổ. Anh đã dành rất nhiều thời gian, công sức để sưu tầm đá và đồ cổ, đồng thời tạo nên hàng trăm tác phẩm thạch thư để trưng bày tại nhà (số 49 Lê Quang Sung, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) phục vụ cho những ai yêu thích.
Hằng ngày Nguyễn Ngọc Thạch mải mê viết thư pháp trên các chất liệu khác nhau để phục vụ khách hàng tại nhà riêng của mình. Anh còn dành phần nhiều thời gian để sáng tác các tác phẩm gửi đến các triển lãm, các tổ chức từ thiện, các CLB Sinh vật cảnh, CLB Thư pháp và các chùa… trên mọi miền đất nước để bán lấy tiền làm từ thiện.
Chia tay chúng tôi, anh bộc bạch: “Tôi đang làm tiếp một tập sách khổ lớn, dày 100 trang với 100 bài thơ về trăng cùng nhiều kiểu chữ khác nhau”. Dự định của anh là nếu có nhà tài trợ đứng ra tổ chức, anh sẽ bán đấu giá tập sách Thư pháp về thơ Huế để lấy tiền ủng hộ trẻ em nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN