Bây chừ là cuối tháng 10 âm lịch của năm Nhâm Thìn. Đây là tháng mà từ bao đời nay ông bà ta hay nói “trời không tha, đất không tha; làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”.
Bởi tháng 10 là tháng của mưa, lạnh, những trận lụt, trận bão nối tiếp nhau ập xuống người dân ở dải đất miền Trung này. Còn “cái lụt hăm ba tháng mười” như là điều không thể thiếu để kết thúc một mùa mưa bão và người dân có thể an tâm làm những công việc đồng áng mà không sợ lũ lụt đe dọa.
Hơn thế, như ông bà thường nói, nếu năm nào người dân miền Trung không đón nhận trận lụt nào thì không chỉ có niềm vui mà bên cạnh đó có chút buồn vì cuộc sống gặp khó khăn, mùa màng sẽ thất bát. Tuy lũ lụt đe dọa tới mạng sống con người, tới nhà cửa bị cuốn trôi, ruộng đồng bị sạt lở, bị bồi lấp. Nhưng trên thực tế, lũ lụt đối với người dân miền Trung từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... cũng vô cùng quan trọng. Bởi không có lũ lụt thì đồng ruộng ven sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc... sẽ không tẩy sạch rác rưởi, các loài côn trùng gây hại cho hoa màu và đưa về lượng phù sa tốt tươi cho những vụ mùa của năm tới.
Ấy vậy mà đến cái ngày gọi là quy luật bất biến, nhưng trời mấy hôm nay có khi lại nắng rát như giữa mùa hạ. Sáng sớm, tôi mở cửa sổ đón không khí từ biển thổi vào phòng làm việc thì cũng đón nhận ánh mặt trời đỏ hoe vừa lên khỏi mặt nước. Những tia nắng rực rỡ cứ thế tỏa ra làm cả Đà Nẵng khoác lên mình chiếc áo với nhiều sắc màu khác nhau, thoát vẻ buồn bã như những ngày này của nhiều năm trước.
Ngồi ở quán cà-phê cóc trên đường Phan Châu Trinh, các “bình luận viên” đưa ra nhiều thông tin khác nhau như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino... Có người còn bảo từ hồi Đà Nẵng xây chùa Linh Ứng bên bán đảo Sơn Trà, dựng tượng Phật Bà Quan Âm tại đây thì bão lũ không xảy ra ở vùng đất này. Người khác bảo không có bão lũ là phúc đức cho dân ta. Người kia bảo không có lũ thì dân ta sẽ gặp khó khăn, nhất là cư dân Quảng Nam anh em ở ven sông Thu Bồn khốn khổ vì không những đồng ruộng không được bồi đắp phù sa mà thiếu nước ngọt cho sản xuất.
Cái gì gây nên cái hiện tượng mùa hạ trong lòng mùa đông thì tôi chưa biết hết. Lâu nay các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo hiện tượng nóng lên của trái đất làm thay đổi khí hậu ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là điều rất rõ.
Nếu mai đây, nước biển dâng cao như dự báo và mưa trở nên hiếm hoi thì người dân miền Trung chắc sẽ long đong. Bởi nhiều khu vực sẽ bị khô cằn do nắng hạn. Nhiều vùng ven biển sẽ bị nước mặn nhấn chìm. Nhiều đồng ruộng sẽ bị xâm thực nước mặn khó mà sản xuất hoa màu. Các đô thị sẽ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng…
Chao ôi, nếu một mắc xích của hàng loạt các quy luật tự nhiên thay đổi thì nó đảo lộn biết bao số phận của con người. Nếu cái quy luật của “hăm ba tháng mười” này không còn nữa thì chắc rằng cư dân miền Trung cũng tính lại cách thâm canh sản xuất trên đồng ruộng của mình chăng?
Vì họ sẽ không chờ cho cái lụt hăm ba này qua mới bắt đầu xuống giống, cày ải đồng ruộng, hay lên vồng cho hoa màu. Tôi đã từng đến các xã ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam, hay Hòa Tiến, Hòa Châu của Đà Nẵng, khi cái lũ hăm ba tháng mười vừa đi qua, người dân tranh thủ ngày đêm cho sản xuất. Thậm chí, họ còn chuẩn bị như ngâm lúa giống, gieo cải con, ớt trên những chiếc nia đặt trên giàn... và chờ lũ rút là bắt tay ngay vào sản xuất. Thiên nhiên thay đổi quy luật thì con người cũng phải thay đổi cách làm để thích ứng thôi.
Nắng hạ trong lòng mùa đông với lẫn lộn buồn vui vậy đấy!
TUYẾT MINH