60 năm trong nghề viết tuồng, đóng góp cho ngành sân khấu tuồng hàng trăm kịch bản giá trị, Tống Phước Phổ được mệnh danh là đại thụ nghệ thuật tuồng.
Trích đoạn Kiều Nguyệt Nga cống Hồ trong vở Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của tác giả Tống Phước Phổ, do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tối 24-1. |
Quảng Nam-Đà Nẵng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng (còn gọi là hát bội). Nơi đây là quê hương của nhà viết tuồng trứ danh Nguyễn Hiển Dĩnh cùng nhiều tên tuổi gắn với nghệ thuật tuồng được cả nước biết đến như: Chánh Đệ, Cửu Thùy, Chánh Phẩm, Sáu Lai, Phó Sơn… Và cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nói đến tuồng, trong Nam, ngoài Bắc nhắc nhiều đến cái tên Tống Phước Phổ.
Tống Phước Phổ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và học vấn ở An Quán, phủ Điện Bàn (nay là thôn Đông Khương, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn). Ông nội ông học rộng, đỗ đạt cao nhưng đã từ quan để gửi gắm tâm sự phản kháng triều đình trong những vần thơ, câu hát. Mẹ ông là cháu nội của nhà yêu nước Hoàng Diệu. Môi trường quê hương và gia đình đã sớm hun đúc tâm hồn, nhân cách Tống Phước Phổ. Từ niên thiếu, Tống Phước Phổ đã đắm say những vần thơ, câu hò, điệu ví thắm đượm tình quê, chất chứa niềm tự hào dân tộc, giống nòi.
Lớn lên giữa những ngày quê hương bị giày xéo dưới gót giày thực dân, Tống Phước Phổ quan niệm, làm nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn đam mê mà còn gửi gắm lòng yêu nước, nói lên tiếng nói của lẽ phải, đạo trời. Ông từng viết: Đã có khi suy mong lúc thịnh/ Thử đem tiếng nhạc át lời than/ Tấn tuồng kim cổ âu là thế/ Nhân nghĩa rồi ra thắng bạo tàn (Trích thơ Đến giúp đoàn tuồng ý hiệp ban, 1921)…
Tham gia cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ trước, Tống Phước Phổ chọn tuồng, theo đuổi sân khấu tuồng bởi theo ông, đây là loại hình nghệ thuật thích hợp nhất để thể hiện lòng yêu nước và khơi dậy tinh thần đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ. Những năm 1930-1945, không có sức mạnh nào tập hợp công chúng như nghệ thuật tuồng, như ca dao đã phản ánh: Tai nghe trống chiến không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu đâm đầu mà chạy… Có thời kỳ một số tỉnh miền Nam Trung Bộ vì nhận thức sai nên cấm diễn tuồng, ai không nghe theo sẽ bị chính quyền trừng phạt thì Tống Phước Phổ vẫn bí mật hoạt động phục hồi tuồng.
Năm 1948, Tống Phước Phổ cùng đồng chí Võ Bá Huân - Ty trưởng Công an Quảng Nam (sau này là Giám đốc Sở Công an Liên khu 5) đi vận động ủng hộ quỹ kháng chiến và cũng để gây dựng phong trào tuồng đang bị phân tán. Đây là tiền thân của Đoàn tuồng Liên khu 5 (cũ), nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Tên tuổi Tống Phước Phổ trước và sau năm 1945 gắn với những sáng tác về đề tài lịch sử như: Gương liệt nữ, Trưng Nữ Vương, Quán Thăng Long, Hội nghị Diên Hồng, Cờ giải phóng... Ngoài ra, ông còn chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Lam Sơn khởi nghĩa, An Tư công chúa, Ngọn lửa Hồng Sơn... Ngay cả những vở tuồng được coi là hiện đại sau này thì đề tài của kịch bản tuồng Tống Phước Phổ vẫn thường khai thác từ hiện thực trong những năm chống Pháp, chống Mỹ gắn với những tấm gương anh hùng chiến sĩ trẻ như: Bùi Thị Cúc, Chị Ngộ (chỉnh lý kịch bản của Nguyễn Lai), Bốn nghìn năm họp mặt anh hùng (chuyển thể kịch thơ của Huy Cận), Đường lên Khuông Mánh…
Tống Phước Phổ (1902-1991) sinh tại làng An Quán, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước. Với những đóng góp cho sự nghiệp tuồng, năm 1996, ông được Nhà nước tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. |
Không chỉ chăm chú viết lách, sau 1945, Tống Phước Phổ từng cùng Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu đào tạo gánh hát Tân Thành với mong muốn có lớp diễn viên trẻ nối nghiệp. Nhiều học trò của ông đã trở thành những cây bút nổi tiếng như: Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Kim Hùng, Trần Hưng Quang, Võ Sĩ Thừa...
60 năm trong nghề viết tuồng, Tống Phước Phổ không một ngày ngơi nghỉ. Ông đọc và viết suốt ngày đêm, có đề tài phải viết đi viết lại hàng chục lần như viết về Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trưng Nữ Vương… Ông không cho phép sự dễ dãi len vào nghệ thuật bác học của dân tộc. Tống Phước Phổ từng nói: “Viết một bản tuồng là đem hết bình sinh sở học của mình để đúc kết lại chứ không phải đụng đâu viết đấy, viết thế nào cũng được, miễn xuôi tai thì thôi”.
Sinh thời, Tống Phước Phổ còn nổi tiếng với nhân cách khảng khái, trung trực. Ông thẳng thắn: “Đảng trong tôi bao giờ cũng hết lòng tôn kính, nhưng nói thật đảng viên có những người tôi khinh”, để chỉ trích những đảng viên biến chất. Cố Giáo sư Hoàng Châu Ký trong lời phúng điếu “cây đại thụ ngành tuồng” đã viết: “… mang mang thế cuộc, thanh tâm nhất phiến, bảo bảo thiên chân”, để nói lên tấm lòng “như ngọc” (bảo bảo), cái tâm trong sáng (thanh tâm) của một nghệ sĩ, một nhân cách đáng trọng Tống Phước Phổ.
THANH TÂN