Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (thuộc Hội Nhà văn Đà Nẵng) đã từ chối nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam. Hai bức thư ngỏ của ông và nhà văn Y Ban từ chối giải thưởng xuất hiện trên mạng Internet đã gây xôn xao dư luận.
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả tiểu thuyết Thế kỷ bị mất - nói rằng, ông không phục Hội đồng xét duyệt giải thưởng năm nay. Ông cho biết:
- Tiểu thuyết Thế kỷ bị mất được hoàn thành trong 5 năm, viết về phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” ở Quảng Nam - Đà Nẵng cách đây 100 năm. Thế kỷ bị mất đặc biệt đi sâu cuộc chấn hưng “dân khí” trong phong trào với đỉnh cao là sự kiện gần cuối tác phẩm: người Quảng khi ấy không được học hành, vốn cam chịu, mà lại dám xin xâu (đòi giảm thuế, năm 1908). Họ bắt đầu thức tỉnh, hiểu rằng mình có quyền xin xâu, đòi giảm sưu thuế khi mất mùa. Phong trào Duy Tân kết thúc trong thất bại, nhưng cuộc chấn hưng “dân khí” về mặt tư tưởng có thể nói là thành công, bởi ý nghĩa của sự đánh động, thức tỉnh ý thức vươn lên, không cam chịu của một vùng đất và của cả dân tộc.
* Có ý kiến cho rằng, mặc dù nhận được số phiếu cao nhất ở thể loại văn xuôi khi lọt vào vòng chung khảo xét giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng sự “nhạy cảm” trong đề tựa là một trong những lý do khiến Thế kỷ bị mất chỉ được tặng bằng khen. Ông nghĩ sao về điều này?
Ngày 16-1, BCH Hội Nhà văn Việt Nam công bố giải thưởng của Hội năm 2012 với 5 giải thưởng và một số bằng khen. Về văn xuôi, Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ nhận giải chính thức, Trò chơi hủy diệt của Y Ban và Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam nhận bằng khen. Sau đó, nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam đã gửi thư ngỏ từ chối việc nhận bằng khen. Trong thư ngỏ, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam viết: “Tôi, Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được Hội Nhà văn Việt Nam công bố tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết Thế kỷ bị mất của tôi. Tôi xin dành quyền được từ chối bằng khen này. Lý do đơn giản mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là văn học”. |
- Lúc đầu tiểu thuyết có tên Ngọn đèn xứ Quảng, sau đổi thành Thế kỷ bị mất, bởi khi hoàn thành 1/2 tác phẩm, tôi nhận thấy đây không còn là câu chuyện của xứ Quảng mà là cuộc duy tân của toàn dân tộc, của một thế kỷ. Thường nhà văn không có nhiệm vụ phải lý giải nhan đề tác phẩm của mình, hãy để người đọc tự cảm nhận. Nhan đề bao giờ cũng có tầm khái quát thông điệp tác phẩm, chỉ những người không đủ tâm, tầm để đọc, hiểu tác phẩm thì mới quy chụp, bắt bẻ, suy diễn câu chữ kiểu như thế. Đó chỉ là sự moi móc, kiếm cớ nên tôi không muốn nói nhiều về điều này.
* Ông là người gửi tác phẩm của mình tham dự giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay?
- Đây là lần đầu tiên tôi viết tiểu thuyết (trước đây chủ yếu viết truyện ngắn) và cũng là lần đầu tiên tôi gửi tác phẩm của mình đến Hội Nhà văn Việt Nam, một phần từ sự động viên của các bạn văn, một phần tôi thấy nên để tác phẩm mình cọ xát với các anh em khác xem sao, chứ không đặt nặng chuyện giải thưởng. Lúc đầu nghe tác phẩm Thế kỷ bị mất nhận được số phiếu gần tuyệt đối vào vòng chung khảo thể loại văn xuôi (6/7 phiếu), tôi vui bao nhiêu, thì sự lùm xùm, mâu thuẫn ở kết quả cuối cùng khiến tôi thất vọng bấy nhiêu.
* Tại sao ông từ chối nhận bằng khen, vì tác phẩm không xứng đáng nhận với bằng khen, hay bằng khen không xứng đáng với tác phẩm?
- Như báo chí những ngày qua đã đưa tin, thâm tâm tôi không phục hội đồng xét duyệt giải thưởng năm nay, khi những người thẩm định giá trị tác phẩm văn xuôi lại không phải những người có chuyên môn văn xuôi mà chủ yếu là nhà thơ (hội đồng 7 người thì có đến 4 nhà thơ). Thậm chí, theo thông tin, trong hội đồng còn có một người chưa kịp đọc tác phẩm. Nhận lời khen từ những người giám khảo như thế đồng nghĩa với việc tự hạ thấp tác phẩm của mình. Hội Nhà văn Việt Nam có thể nói là “ngôi đền” uy nghiêm của văn học nước nhà, lại xảy ra những chuyện như thế thì còn đâu niềm tin, đâu là điểm tựa thật sự với anh em viết văn chúng tôi. Tôi chỉ đòi hỏi sự công bằng, trung thực của văn chương ngay tại ngôi đền thiêng liêng của nó.
* Ông từng phát biểu (trên các trang mạng) rằng, ông từ chối bằng khen vì Hội Nhà văn Việt Nam đã không xem xét tác phẩm theo đúng tiêu chí của văn chương. Vậy “tiêu chí văn chương” theo ông là những gì?
Tiểu thuyết Thế kỷ bị mất. |
- Đó là chuyện không cùng, nhưng có thể nói gọn rằng, một tác phẩm được gọi là văn chương phải mang thông điệp từ cuộc sống, thông điệp vì con người, vì sự tiến bộ. Về mặt văn phong phải hấp dẫn, lôi cuốn, có độ tin cậy cao. Và hơn hết, tác phẩm phải sống được trong lòng công chúng.
* Thông điệp của Thế kỷ bị mất?
- Thế kỷ bị mất gắn với một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Phong trào Duy Tân theo lịch sử là thất bại nhưng để lại bài học to lớn cho hậu thế rằng, một dân tộc muốn phát triển thì phải không ngừng đổi mới, trước hết và căn bản nhất là đổi mới con người, từ tư tưởng đến hành động. Mỗi người hãy tự đổi mới mình, đổi mới đất nước. Đó cũng là điều tôi đặc biệt muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.
* Xin cảm ơn ông!
Đây không phải lần đầu tiên giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam bị từ chối. Năm 2003, tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày của Hồ Anh Thái được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng, nhưng ông từ chối nhận. Năm 2006, tác giả trẻ Ly Hoàng Ly cũng gửi thư đến Hội từ chối tặng thưởng dành cho tập thơ Lô Lô vì chị “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu”. Cũng trong năm này, giải thưởng ở hạng mục thơ được trao cho Thương lượng với thời gian của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh gây nhiều xôn xao vì được cho là không minh bạch. Nhà thơ Hữu Thỉnh sau đó từ chối nhận giải thưởng. Năm 2011, nhà văn Sơn Tùng và gia đình nhà văn Sơn Nam xin rút khỏi đề cử Giải thưởng Nhà nước; nhà văn Nguyên Ngọc cũng từ chối cơ hội được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh do bất bình với cách hành xử mà theo ông là thiếu minh bạch của Hội Nhà văn. |
NGỌC DUNG