.

Tùng Dương hát Chiếc khăn piêu: Làm mới ca khúc cũ

.

Giải “Bài hát của năm” - giải thưởng lớn nhất trị giá 1,3 tỷ đồng của chương trình “Bài hát yêu thích” năm 2012 - được trao cho Chiếc khăn piêu (nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác, ca sĩ Tùng Dương thể hiện) vào ngày 6-1 vừa qua đã làm dấy lên tranh cãi từ phía nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và ca sĩ Uyên Linh. Thậm chí, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ vào cuộc để tìm hiểu thật hư sự việc. Dù chưa rõ có chuyện “dàn xếp tỷ số” để Chiếc khăn piêu vượt lên Người hát tình ca hay không, nhưng có lẽ khó phủ nhận đẳng cấp của Tùng Dương khi thổi làn gió hoàn toàn mới cho một ca khúc được viết cách đây gần 60 năm.

Nhạc sĩ Doãn Nho và ca sĩ Tùng Dương nhận giải “Bài hát của năm”.
Nhạc sĩ Doãn Nho và ca sĩ Tùng Dương nhận giải “Bài hát của năm”.

Chiếc khăn piêu dựa theo một làn điệu dân ca của dân tộc Xá (Khơ Mú), có giai điệu trúc trắc, réo rắt; nhịp điệu nhanh, tràn ngập âm hưởng núi rừng Tây Bắc; ca từ chất chứa tình yêu lứa đôi và tình yêu cuộc sống. Ca khúc này từng được NSƯT Trần Chất, NSƯT Quý Dương, NSƯT Kiều Hưng, NSND Trung Đức, ca sĩ Anh Thơ biểu diễn thì việc thể hiện lại và tạo sự mới mẻ là điều không dễ. Kể từ khi ra đời vào năm 1956, mỗi thập niên Chiếc khăn piêu lại “đóng đinh” với một giọng hát. Nhưng Tùng Dương đã dũng cảm mang Chiếc khăn piêu lên sân khấu “Bài hát yêu thích” - vốn là đất diễn của các ca khúc đương đại, thường là các ca sĩ đương đại “ẵm” giải thưởng - và làm người nghe say đắm, thậm chí gây xôn xao cộng đồng mạng. Không chỉ những người cao tuổi, trung niên mà cả khán giả trẻ cũng “lắc lư” theo Chiếc khăn piêu với chất “quái”, sự ngẫu hứng của Tùng Dương và sự réo rắt của giai điệu Tây Bắc: “Á ơi có phải thắm thiết duyên nhau/ Chiếc khăn đây làm mối nối duyên nhau thời tôi chờ/ Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời/ Nhắn tin theo cùng gió, khăn còn đây đợi người”. Khán giả chưa một lần đặt chân đến Tây Bắc cũng dễ có cảm giác yêu mảnh đất và con người nơi đây quá đỗi. Đó là điều mà không phải ca sĩ trẻ nào cũng làm được.

Tất nhiên bản phối world music của nghệ sĩ Nguyên Lê quá xuất sắc, nhưng Tùng Dương vẫn đóng vai trò chủ đạo. Giọng hát đẹp, âm vực rộng, cách nhả chữ, nhấn nhá tinh tế cùng sự “cháy” hết mình của anh làm người nghe thấy ca khúc cũ mà không cũ. Nhạc sĩ Doãn Nho cũng nức lòng vì sức sống của Chiếc khăn piêu. Bởi thế, ca khúc này xuất hiện trên sân khấu “Bài hát yêu thích” vào tháng 11-2012 thì ngay lập tức trở thành đối thủ nặng ký với Người hát tình ca do Uyên Linh biểu diễn cũng trên sân khấu này vào tháng 1-2012.

Trong làng âm nhạc Việt Nam, có thể gọi năm 2012 là năm của Tùng Dương bởi ngoài giải “Bài hát của năm”, anh còn thể hiện sự nồng nàn, ngọt ngào, cháy bỏng, thăng hoa trong 2 liveshow “Tình ca” ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí đã hết lời ca ngợi liveshow của anh rằng, “hiếm có chương trình ca nhạc nào mà nhiều khán giả khi kết thúc vẫn chưa chịu ra về, thấp thỏm đứng đợi ca sĩ hát thêm”.

Tùng Dương đã khẳng định nội lực và đẳng cấp của mình như thế.

Tùng Dương bước vào showbiz từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004 với giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Cũng từ đó, anh được biết đến là ca sĩ luôn tìm tòi cái mới về cách hát, cách biểu diễn trong những thể loại âm nhạc. Tên tuổi của anh gắn liền với hàng loạt ca khúc: Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), Quê nhà và Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Con cò (Lưu Hà An), Cỏ và mưa (Giáng Son)… Việc theo đuổi phong cách cá tính trong âm nhạc đôi lúc khiến Tùng Dương biệt lập trong thị trường âm nhạc ồn ã, nhưng các ca khúc do anh thể hiện đều tan chảy vào trái tim người nghe.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.