Có lẽ so với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam, Văn Cao là người được vẽ tranh, khắc tượng chân dung nhiều nhất.
Văn Cao qua nét vẽ của Trịnh Công Sơn. |
Cứ mỗi độ Xuân về, lắng nghe những giai điệu và lời ca nhẹ nhàng êm ái: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một tia nắng vui cho bao tâm hồn...”, mọi người lại nhớ đến Văn Cao.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa nổi tiếng với bút danh “Còm” và “Khoái” cho biết, trong các bức chân dung từng vẽ, anh nhớ nhất là bức vẽ nhạc sĩ Văn Cao. Khi vẽ chân dung Văn Cao, anh gặp nhiều khó khăn bởi chưa có dịp tiếp xúc với nhân vật, ảnh tư liệu lại không nhiều, ảnh màu tìm được lại quá nhỏ. Vậy là anh vừa vẽ, vừa phát huy hết trí tưởng tượng, tùy theo cảm nhận và ngẫu hứng riêng mình. Tuy nhiên, bức chân dung nhạc sĩ Văn Cao lại được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Hữu Khoa. Nơi đây gương mặt Văn Cao trông méo mó, xộc xệch, vừa lạ mà lại rất quen.
Tranh vẽ Văn Cao trên giấy báo của Trần Trung Sáng. |
Theo họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa, để thấy được cái “quen” trong chân dung đã được “làm méo” ấy là điều khó nhất. Những năm theo đuổi ngành điêu khắc giúp Khoa hiểu sâu về kết cấu gương mặt và bám chắc vào kết cấu đó để thỏa sức sáng tạo. Vì vậy, khi xem tranh hí họa của anh, thoạt nhìn thì thấy ngờ ngợ, đến khi ngắm kỹ một vài chi tiết thì thật sự nhận ra ngay nét quen thuộc của nhân vật được thể hiện đầy sáng tạo qua nét vẽ hỏm hỉnh của họa sĩ.
Họa sĩ Bùi Quang Ngọc nói rằng, ông không thể vẽ chân dung ai mà chưa gặp, chưa thấu hiểu người đó. Ông đã sống, đã trò chuyện, đã vẽ hàng trăm bức ký họa rồi mới bắt tay vào vẽ chân dung, làm sao để truyền vào bức tranh tình cảm đặc biệt, làm hiện lên con người sống động, thể hiện cả nhân cách của người vẽ. Bởi vậy, ông luôn ấp ủ mong ước vẽ chân dung Văn Cao. Đến năm 1977, khi ở Hà Nội, nhiều lần được đàm đạo và vẽ chân dung Văn Cao, ông mới chọn ra một bức tâm đắc…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời đặc biệt kính trọng, luôn xem Văn Cao là bậc đàn anh trong nghề. Ông từng nhận xét: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn Cao là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...”.
Trịnh Công Sơn và Văn Cao đã nhiều lần gặp gỡ, đàm đạo với nhau. Và trong một lần như thế, họ Trịnh đã chớp lấy cơ hội vẽ chân dung tác giả Mùa xuân đầu tiên.
Tác giả Nguyệt Cầm, người chuyên viết về mỹ thuật nhận xét: “Những họa sĩ chuyên nghiệp đôi lúc cũng ngợ tay, khó bóp méo hình thể và sắp xếp không gian được như vậy. Sơn rất giỏi về nắm bắt những nét đặc trưng khi vẽ chân dung, nhất là chân dung những người bạn thân thiết. Sơn vẽ nhiều chân dung Văn Cao rất đẹp. Lột tả được nét tinh tế trên từng khuôn mặt”.
Điều thú vị là trong một bức ảnh chụp chân dung Văn Cao vài năm trước khi ông mất (được trao giải của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh), nhiều người rất chú ý đến pho tượng chân dung Văn Cao đặt trên đàn piano của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng: “Những phím piano ngả ố, thời gian/ Một bức tượng chân dung đặt trên bệ đàn/ Có bó hoa vàng, phải chăng ai vừa tặng?/ Cửa sổ căn phòng đã khép…”. Theo Phạm Văn Hạng, cũng như Trịnh Công Sơn, ông kết giao với nhạc sĩ Văn Cao từ rất sớm, nhưng đến năm 1977 mới thực hiện pho tượng này. Tượng phác thảo tại Hà Nội, sau đó đổ đồng tại Đà Nẵng. Con người Văn Cao và nhân cách đặc biệt của ông vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác cho Phạm Văn Hạng cũng như rất nhiều nghệ sĩ khác. Bên pho tượng này, một nhiếp ảnh gia người Mỹ cũng đã chụp Văn Cao ngồi bên dương cầm, bàn tay không phải chơi mà nắm lại, đấm xuống phím đàn…
Văn Cao qua nét vẽ của họa sĩ Bùi Quang Ngọc. |
Với tôi, cảm xúc khi vẽ bức chân dung Văn Cao có được từ những giai thoại nghe được trong vài lần ông ghé thăm đất Quảng. Tôi nhớ ai đó ví von rằng, nếu biểu tượng các ngành nghệ thuật bao gồm những con ngựa, thì Văn Cao đã làm chủ hết những con ngựa đó. Vì vậy, khi tình cờ nhặt được một tờ giấy báo có nền nhạt hình chú ngựa đang lồng vó…, tôi muốn vẽ Văn Cao lên đây. Bức tranh này đã trưng bày tại triển lãm cá nhân vào năm 1999. Lần đầu, bức tranh được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) mua đem về nhà vài ngày, sau đó đổi lại bức chân dung Bùi Giáng (vì khoảng tường cần một bức tranh lớn hơn). Lần thứ hai, khoảng năm 2000, bức tranh được bà Hồng Hạnh (thân mẫu nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê) mua mang về Pháp tặng một người bạn thân.
TRẦN TRUNG SÁNG