.

Xốn xang mùa gió

.

Hệt trong những ngày mùa hạ, trời vẫn nắng chang chang đến rát bỏng, ban ngày bầu trời vẫn trong xanh cao thẳm chứ không đùng đục một màu sương khói như thông lệ của mùa đông. Đi chợ mua mớ rau về, mẹ ngồi quạt mồ hôi và càm ràm: “Mùa đông gì mà nắng như đổ lửa, ông trời bây giờ buồn cười thật… Ngày xưa, cữ này rồi là rét phải biết chứ đâu mà nóng nực thế này”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Với một bà già “nhà quê chính hiệu” như mẹ thì những cụm từ như “biến đổi khí hậu” hay “trái đất nóng lên”… là vô cùng xa lạ. Trong con mắt của bà, “ông trời” là nhân vật tối thượng, ông đã thay đổi nhiều quá, mưa nắng bất thường, nóng lạnh đột ngột khiến mấy cái kinh nghiệm “trông trời trông đất trông mây” của mẹ tôi xem ra không mấy chuẩn xác.

Đêm qua, gió mùa đông bắc cũng đã tràn về, xua tan đi cái nắng nôi bức bối khó chịu của thời tiết đỏng đảnh. Nó chạm vào làm không gian khô ráo, gây ra những tiếng reo xào xạc trong vòm cây lá, tiếng mái tôn trở mình vang động trong đêm thanh. Gió mùa về làm không gian trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn, ít nhất là trong cảm nhận của riêng tôi.

Sớm nay trở dậy, co ro trong cái lạnh se sắt, tôi thấy tâm hồn mình khác hẳn, không còn mệt mỏi, bức bối như mấy hôm trước. Nhìn ra ngoài sân, lá vàng khô xao xác được gió vun thành từng đám trên nền mặt sân khô trắng, không hiểu sao tôi lại nhớ cồn cào những mùa đông xưa cũ. Nó để lại ấn tượng mạnh trong tôi đến nỗi giờ đây tôi vẫn nhớ như in mùi ẩm mốc cũ kỹ khi đứng bên chờ mẹ mở hòm đựng quần áo mùa đông. Mùi hương xưa cũ ấy sâu đậm nên mỗi khi gió mùa đông bắc về tôi lại thấy nó thấp thoáng đâu đây, quanh quất trong mình những bộ quần áo cũ. Đấy là những mùa đông thiếu thốn, quần áo chưa đủ ấm, áo len, áo bông của anh chị lớn mặc ngắn thì em lại mặc tiếp. Vì thế, áo rách tay, sờn vai, ngắn chật và cũ kỹ là chuyện bình thường, ít ai nghĩ đến chuyện mặc đẹp trong những năm tháng vất vả ấy. Không có quần áo đẹp nhưng có đứa trẻ nào lại không thèm muốn quần áo mới (dù có đẹp hay không), nên khi trời trở gió lạnh là tôi hay vòi vĩnh mẹ mua quần áo mới. Lý do chủ yếu là: quần áo của con chật rồi, ngắn rồi mẹ ơi, mẹ xem này con không xỏ vừa nữa rồi. Khi ấy, mẹ cười (chắc là vì thấy tôi có lớn) rồi lại thở dài, đưa mắt nhìn ra xa (chắc túi mẹ đang hết tiền). Còn tôi lúc ấy chẳng hiểu gì, chỉ biết phụng phịu dỗi hờn khi mẹ chưa mua áo và buổi sáng nào khi mẹ về chợ cũng ra xếp gánh hàng giúp để xem mẹ hôm nay có mua áo cho mình không. Mỗi lần tôi được mua một tấm áo mới là vui vẻ cả tuần liền, lăng xăng chạy nhảy khoe cả xóm. Có áo mới là mặc miết, chẳng muốn cởi ra đem giặt nữa vì sợ không được diện.

Mùa đông, tôi thường theo mẹ đi chợ bán hàng. Gánh hàng cau của mẹ đến chợ lúc nào cũng có khách. Mấy bà già ăn trầu thuốc luôn chờ mẹ. Dọn vội hàng, bán vội cho mấy người quen đang chờ đợi xong, mẹ để tôi trông hàng rồi chạy vội đi đâu đó, lát sau mẹ đem về cho tôi mấy chiếc bánh rán thơm phức, khi thì miếng bánh chưng rán vàng thơm, nóng hổi. Phải ăn những thứ ấy trong cái lạnh se sắt của những đợt gió mùa đông bắc và trong lúc cái bụng đang sôi lên mới có thể cảm nhận hết hương vị của nó ngọt ngào, ấm áp biết bao.

Không chỉ vậy, mùa đông ở quê tôi thường là mùa thu hoạch hoa màu vụ đông, nào ngô, khoai lang, khoai tây, đao, từ, sắn, mía… Mẹ bảo “heo may ngọt mía” mỗi khi gió mùa đông bắc quay về, có lẽ thế nên nó là thứ gió mùa được tôi và nhiều người chờ đợi, như được gặp lại người quen sau nhiều ngày xa cách. Mỗi lần gặp lại nó, tôi thấy mình bớt cũ kỹ đi một tí dù đôi lúc vẫn bắt gặp mình đang đứng trước tủ quần áo cũ, hít hà để tìm lại hương vị xưa cũ của ngày nào - cái hương vị đặc trưng của một thời nghèo khó.

Sớm nay nhìn ra ngoài sân lá, tôi chợt thấy một đứa bé con độ lên mười, đang đứng trong nắng mùa đông, đầu buộc chiếc khăn voan đỏ, soi mình trong nắng sớm. Cái khăn đỏ trên đầu cùng với hình bóng nó in lên bức tường trước mặt giống như cô gái có mái tóc dài thật dài vậy. Thỉnh thoảng tôi chỉ gặp nó khi mùa gió cũ quay về, trong những buổi sáng mùa đông đầy nắng vàng rực rỡ.

THÁI HƯƠNG LIÊN
 

;
.
.
.
.
.