Trong quá trình hội nhập và phát triển, nhất là với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Đà Nẵng vẫn chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Đánh trống khai hội đình làng Túy Loan. |
Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực của sự phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, những thiết chế văn hóa truyền thống đã được trùng tu, tôn tạo bằng chính sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích được hồi sinh. Năm 1997, khi mới trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chỉ có 4 di tích cấp quốc gia, đến nay đã có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 42 di tích được xếp hạng cấp thành phố và 52 di tích được đăng ký bảo vệ.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố cho biết, đến nay, các di tích được bảo vệ, gìn giữ và quản lý tương đối tốt. Một số di tích đã được đầu tư kinh phí lớn để tôn tạo hoàn chỉnh, khang trang. Từ năm 2001 - 2012, đã có 26/58 di tích xếp hạng được trùng tu, tôn tạo (chiếm 45%); trong đó, có 14 di tích cấp quốc gia (chiếm 54%) và 12 di tích cấp thành phố (chiếm 46%) với tổng kinh phí trùng tu gần 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc trong việc huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia tốt công tác xã hội hóa vào hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích. Nhờ đó, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với sự chung tay của cộng đồng dân cư, đến nay những ngôi đình vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng đồng thời gần gũi với tâm hồn người dân Đà Nẵng. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo và đưa hình ảnh đình làng Đà Sơn vào không gian số, đến nay, ở Đà Nẵng hầu hết các di tích cấp quốc gia và cấp thành phố đã được trùng tu, tôn tạo bảo đảm đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Quy chế Bảo quản, trùng tu di tích. Nhiều di tích được trùng tu khá bài bản và đồng bộ như đình làng Thạc Gián, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Túy Loan, đình Dương Lâm, đình Hòa Mỹ, đình Mỹ Khê, đình Bồ Bản...
Không chỉ chú trọng đến hoạt động bảo tồn, các hoạt động về nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị nhiều mặt của di tích cũng được triển khai đến với đông đảo người dân. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức người dân về gìn giữ, xem di tích như những vốn quý của cha ông cần tôn trọng và phát huy giá trị. Một số di tích được đưa vào khai thác du lịch và đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, góp phần giới thiệu hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại và giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, như: Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải... Một số lễ hội tiêu biểu cũng được quy hoạch, tổ chức, được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển như: Lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Hòa Phú, Đà Sơn (quận Liên Chiểu), lễ hội Cầu ngư (quận Thanh Khê)... Đặc biệt, Lễ hội Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) được nâng lên thành lễ hội cấp quốc gia, đã góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - tâm linh của cộng đồng dân cư.
Sự hồi sinh của các di tích và các lễ hội trong môi trường văn hóa lành mạnh đã trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu của thành phố, tạo nên sức sống vững bền của văn hóa dân tộc trong dòng chảy không ngừng của sự hội nhập và phát triển.
Bài và ảnh: ĐẶNG VĂN NỞ