.

Mong ước đầu năm

.

Trò chuyện với phóng viên Báo Đà Nẵng, các văn nghệ sĩ chia sẻ những ấp ủ, ước mong trong những ngày đầu năm Quý Tỵ 2013.

NSND Lê Huân - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng:

Mong góp sức vào sự nghiệp văn hóa - xã hội

Nghệ sĩ múa cũng là một công dân - công dân của thành phố Đà Nẵng, công dân của đất nước Việt Nam, tôi luôn mong được góp sức cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố. 15 năm qua kể từ khi trực thuộc Trung ương, thành phố đã có những bước tiến đáng kể về mọi mặt, văn học - nghệ thuật cũng cần được phát triển tương xứng. Trước hết, Đà Nẵng cần nghĩ đến những khoảng trống của các loại hình nghệ thuật đỉnh cao như: nhạc giao hưởng, nghệ thuật sân khấu, kịch… Đó là những gì không thể thiếu đối với một đô thị hiện đại như Đà Nẵng.

Cá nhân tôi đang ấp ủ tác phẩm kịch múa, mong rằng đây là một trong 5 tác phẩm được vinh danh về thời kháng chiến của cả nước mà Chính phủ vừa đặt hàng. Tác phẩm sẽ mang đậm hồn cốt đất và người Đà Nẵng, do các nghệ sĩ Đà Nẵng thể hiện, đồng thời là gạch nối giữa quá khứ - hiện tại và ước vọng tương lai.

Bên cạnh tác phẩm kịch múa, chúng tôi đang ra sức phục dựng Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước, với mục tiêu tạo nên một đoàn nghệ thuật đặc thù, một sản phẩm văn hóa - du lịch của riêng Đà Nẵng.

Họa sĩ Dư Dư - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố:

Thêm động lực sáng tác cho văn nghệ sĩ

Hơn bao giờ hết, các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng trông chờ sự ra đời của một nơi trưng bày, một địa chỉ văn hóa ổn định, xứng tầm để tác phẩm của họ có điều kiện đến với công chúng. Mong rằng năm mới sẽ có những động thái mới để Đề án về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố tại 78 Lê Duẩn - được phê duyệt từ năm 2008 - không chỉ nằm trên giấy.

Nhưng điều khiến các họa sĩ, nhà điêu khắc lo lắng hơn, sốt ruột hơn là bảo tàng hoàn thành rồi thì chúng ta có gì trong đó, khi các tác phẩm mỹ thuật chất lượng, được đánh giá cao tại các kỳ triển lãm quốc gia, quốc tế cứ liên tục bị bán đi. Theo thống kê của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, từ năm 1975 đến nay, thành phố có khoảng 50% tác phẩm mỹ thuật có chất lượng, hay đạt giải cao trong các kỳ triển lãm các cấp, bị bán ra nước ngoài. Đến nay, hiện tượng đó vẫn tiếp diễn vì thành phố vẫn chưa có chủ trương giữ lại. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, nếu các tác phẩm thật sự có chất lượng được thành phố mua lại, được tặng bằng khen, giấy khen hay có những động thái thể hiện sự nâng niu, trân trọng thì sẽ là động lực quý báu để người nghệ sĩ sáng tạo.

Mặt khác, việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu với các tỉnh, thành phố trong nước, với nước ngoài sẽ góp phần rút ngắn các khoảng cách văn hóa - nghệ thuật, đưa mỹ thuật Đà Nẵng nói riêng, văn học - nghệ thuật Đà Nẵng nói chung lên tầm cao mới.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng:

Cần những tác phẩm mang tầm khu vực, quốc gia

Hiện thành phố có khoảng 900 văn nghệ sĩ hoạt động ở các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, văn nghệ dân gian, điện ảnh, kiến trúc. Trong năm qua, đời sống văn học - nghệ thuật thành phố đã có nhiều bước phát triển mới, lực lượng sáng tác ngày một nâng cao, nhất là các tác giả trẻ. Tuy nhiên, sự phát triển của văn hóa, văn học - nghệ thuật nhìn chung còn chậm, chưa thật sự tạo thành những dấu ấn đậm nét trên các chặng đường phát triển. Với vị trí của Đà Nẵng, trong năm mới, tôi mong rằng, các chính sách phát triển văn học - nghệ thuật của trung tâm kinh tế - xã hội miền Trung sẽ hướng đến tầm nhìn khu vực, đối tượng phục vụ không chỉ gói gọn trong thành phố mà còn cho cả người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, xa hơn là cả nước. Xác định tầm nhìn như vậy thì khi quy hoạch, thiết kế các thiết chế văn hóa của thành phố sẽ xứng tầm hơn; cách tổ chức các hoạt động của ngành văn hóa, của các hội văn học - nghệ thuật sẽ rộng và sâu hơn.

Điều cốt lõi nhất hiện nay để phát triển văn học - nghệ thuật của thành phố là phải phát huy được tiềm năng sáng tạo của 900 văn nghệ sĩ thành phố như cơ chế đặt hàng tác phẩm để tạo điều kiện cho giới văn nghệ sĩ sáng tác tốt hơn…, đồng thời cần có chiến lược phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực nghệ thuật, tạo những chuyển biến sâu, bền vững.

NGỌC DUNG ghi
 

;
.
.
.
.
.