.

Người vẽ tranh chữ đất Thăng Long

.

Khi phố ông đồ Văn Miếu (Hà Nội) người với người chuẩn bị tấp nập xếp hàng xin chữ đầu xuân thì cách đó không xa, ở làng Võng Thị ven hồ Tây sóng nước dập dờn, có một cụ đồ đã đi lối đi riêng để vẽ nên những bức tranh chữ rất sáng tạo. Ông là Bùi Hạnh Cẩn, xuân này bước vào tuổi 93.

Ông Bùi Hạnh Cẩn cũng là người tự mày mò kết hợp thư và họa để tạo ra những bức tranh chữ độc nhất vô nhị.

Ngoài vẽ tranh chữ, ông đồ Bùi Hạnh Cẩn còn là tác giả của nhiều đầu sách.
Ngoài vẽ tranh chữ, ông đồ Bùi Hạnh Cẩn còn là tác giả của nhiều đầu sách.

Duyên kỳ ngộ

Có thể với nhiều người thời nay, Bùi Hạnh Cẩn là cái tên xa lạ. Nhưng với một lớp người đi trước, nhắc đến cái tên Bùi Hạnh Cẩn, nhiều người vẫn nhớ, bởi ông từng là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, Giám đốc NXB Hà Nội, Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội mới, là tác giả của gần 100 đầu sách, biên soạn, dịch…, trong đó phải kể đến các công trình dịch thơ của Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn hay cuốn Nguyễn Bính và tôi, Thăng Long thi văn tuyển… Vài năm trước, ông đã ra mắt cuốn Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn rất độc đáo và có buổi ra mắt sách hoành tráng mời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên làm MC. Năm qua, ông hoàn thành cuốn Ngạn ngữ tiếng Việt với sự cộng tác của Đào Thu Thủy.

Một chiều Hà Nội cuối đông, chạy xuyên “con đường di sản” ven hồ Tây, tôi tìm tới làng cổ Võng Thị xưa để gặp ông. Ông có nhiều con, nên mỗi lần tôi đến, gọi điện cho ông, ông lại tận tình chỉ dẫn một địa chỉ mới. Các con ông ở quanh quanh trong làng Võng Thị, thường chia nhau chăm sóc ông chu đáo. Ở nhà người con nào ông cũng có một phòng riêng, cách biệt, tạo không gian cho ông sáng tác. Mấy năm trước, khi sức ông còn dẻo, các con thuê riêng căn phòng nho nhỏ để hằng ngày ông đi bộ tới, vẽ tranh, tiếp bạn bè cho thoải mái…

Tuổi già mắt kém, tai nặng nhưng ông Cẩn nói chuyện vẫn khúc chiết và khá hóm hỉnh.

Ông kể rằng đến với tranh chữ như là duyên kỳ ngộ. Một chiều của năm 1988, khi vừa nghỉ hưu, ngồi ngắm tranh của Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du trong một ngôi chùa cổ của làng Võng Thị, bỗng nhiên Bùi Hạnh Cẩn mong muốn làm sao nghĩ ra được một cái gì đó treo ở cây đại kia. Thế là như xuất thần, ông cầm lấy bút viết ngay chữ Đại bằng chữ Nôm cách điệu hình bông hoa đại treo trên lá cờ đại, nhìn hay hay. Thế là ông bắt đầu mày mò, sáng tạo tranh chữ, sử dụng tính chất tượng hình, hội ý của chữ Nôm, Hán. Về sau, vì ít người còn sử dụng và có thể hiểu được thứ “chữ thánh hiền” này nên ông phải có thêm chữ quốc ngữ và cả quốc tế ngữ ở phía dưới, như là một thành phần của tranh chữ để tránh tình trạng tranh chữ rơi vào mù mờ, đánh đố người xem.

Tranh chữ Ngựa, Trâu và Sông Mã xa rồi…							       		           Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Tranh chữ Ngựa, Trâu và Sông Mã xa rồi… Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Phải luôn luôn mới

Tuy vậy, có rất nhiều bức tranh chữ tạo nên bất ngờ đầy thú vị cho người xem vì họ có thể nhìn hình đoán chữ và ngược lại, dù họ có biết những thứ chữ được biểu đạt trên giấy hay không, dù họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Như bức tranh chữ Ngựa có hình một con ngựa đang sải bước tung bờm cách điệu từ chữ Mã của tiếng Hán, một giáo sư ở Trường ĐH Bắc Kinh nói: “Tôi đi khá nhiều nhưng chưa thấy một con ngựa nào như con ngựa này”. Hay bức tranh con trâu được “vẽ” theo chữ Ngưu, rồi bức Chi chi, Xuân, Tết có hoa có rượu, rồi bức chữ Đạo, chữ Đò…, mỗi chữ đều là một gợi ý, một bàn đạp để trí tưởng tượng của người xem tham gia cùng với người vẽ sáng tạo nên những cách đọc, cách hiểu, cách cảm khác nhau. Bởi vậy, tranh chữ của Bùi Hạnh Cẩn đã đạt đến độ hình và ý, hội họa và ngôn ngữ hòa quyện vào nhau, để làm nên những nét riêng, độc đáo.

Những bức tranh chữ ấy mang hồn cốt của người viết. Vì vậy, mỗi lần ông viết ra là các bức tranh chữ mang một vẻ khác nhau dù vẫn với hình thức ấy, bấy nhiêu nét chữ ấy. Ông đồ Cẩn hóm hỉnh bảo: “Dù lấy roi mây đánh cũng chịu, không thể vẽ liền bức sau với bức trước. Hơn nữa, mỗi loại giấy có một “ép-phê” riêng, cho người viết những cảm giác riêng”.

Vẫn mê đắm và rất minh mẫn với công việc của mình, Bùi Hạnh Cẩn tâm sự: “Người ta dễ cho tôi là lão già hâm, rất hâm, Khốt-ta-bít, nhưng kệ. Tôi không làm ra được những câu thơ mới mà đọc mãi những câu thơ cũ thì cũng chán. Tôi cũng không muốn viết những Tâm, Phúc, Lộc, Thọ… như nhiều ông đồ khác đã và đang làm. Thành ra tôi phải mày mò, phải thử nghiệm, phải tạo ra cách thể hiện mới nhằm tránh sự nhàm chán. Mỗi lần viết là một lần khám phá chính bản thân mình, làm mới mình, chứ không bao giờ lặp lại. Chính điều đó cũng tạo nên cho tôi sự hứng khởi để có thể mỗi ngày mới đều hào hứng bắt tay vào với việc diễn ra đều đặn mấy chục năm trời nay. Còn việc nó hay dở đến đâu thì biết thế nào được”. Tiếc là những tìm tòi với ít nhiều sáng tạo và thành công của ông không có học trò nào đủ đam mê tiếp nối.

“Phải luôn luôn mới”, đó là câu mà ông đồ Bùi Hạnh Cẩn hay nói với tôi. Và đó cũng chính là một câu mệnh lệnh cho riêng mình của ông đồ Bùi Hạnh Cẩn.

Dưới mỗi bức tranh, ông đồ Bùi Hạnh Cẩn đều ký tên mình với hai màu xanh đỏ. Ông giải thích: “Tôi họ Bùi, chữ Bùi trong Hán tự được kết hợp bởi hai chữ Phi và Y (tức áo đỏ) nên tôi dùng màu đỏ tượng trưng cho họ của mình”. Quê của ông ở làng Hoa Ngạc (Nam Định) nên bông hoa là tượng trưng cho quê hương, chữ ký của ông cũng là một dạng tranh chữ với nhị đỏ hoa xanh rất đặc biệt.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.