.

Nhà văn Mạc Can: Viết văn là sống với cuộc đời khác

.

Năm mới Quý Tỵ đã thấy Mạc Can - Truyện ngắn chọn lọc dày gần 400 trang trên kệ sách (trong bộ Nhà văn đương đại Việt Nam do Nhà sách Thăng Long và NXB Thanh Niên ấn hành). Phải chăng ở tuổi 67, “nhà văn trẻ” Mạc Can muốn “gói ghém” lại đời văn của mình?

Mạc Can cười khì khà nói: “Cuốn sách lần này đúng là truyện ngắn nhưng cũng có truyện khá dài… Chính tôi đọc lại cũng thấy là lạ, vui vui. Các truyện ngắn khác đôi khi ngắn quá, thật không biết sao mà lường, hầu như chuyện vui, chuyện buồn của tôi cũng có, mà chuyện của người khác cũng có. Dịp này có nhà đạo diễn kịch sân khấu và đạo diễn điện ảnh cũng chọn vài truyện để làm phim. Vui rồi sẽ viết tiếp nhé!”.

Văn chương và… thân phận “tép riu”

* Với cuốn sách này, hẳn ông có ý định chọn lọc lại những gì đã viết ở mảng truyện ngắn?

- Đúng rồi, viết sao mà giống khi đi đóng phim. Cứ xong vai rồi có dịp ngồi xem phim thì mình cứ nghĩ ngợi sao lúc diễn mình không diễn khác hơn. Còn khi có dịp đọc lại những gì mình viết, mình cũng nghĩ sao lúc đó không bỏ bớt dòng này, hay thêm dòng nọ. Các dòng thêm hoặc bớt đó (nếu làm được thì e rằng nó là một cuốn sách mới). Chữ đẻ ra chữ, các tình huống cũng sẽ tạo ra tình huống khác chứ. Có lẽ nếu chọn lọc thì nó sẽ làm mình hài lòng hơn. Chọn lọc thì nhiều, giống như chọn một ít truyện ngắn úm ba la thành truyện dài, hay thành trường thiên tiểu thuyết chương hồi chẳng hạn.

* Ông đang viết cuốn gì vậy?

- Ban ngày và cả ban đêm lúc này tôi vẫn đi đóng phim. Như thường lệ tôi mang cái laptop “bèo” của tôi theo. Khi chờ tới vai diễn, tôi lại tranh thủ gõ vài dòng. Có thể đó là cuốn sách khá dày, có tựa tạm là Bước một chân vào miền đất hứa. Mỗi ngày tôi đều viết một ít, đêm thì viết nhiều hơn.

* Vậy thì với Mạc Can, văn chương là gì, có phải là một “cuộc chơi” như nhiều người từng nói?

- Văn chương với tôi ư? Chính là sự siêu thoát khỏi thân phận “tép riu” của mình. Trong đó, tôi được sống những cuộc đời khác, lớn hơn.

* Thế còn ảo thuật?

- Nghề này làm cho con nít vui mà tôi cũng vui.

* Còn với thành phố Hồ Chí Minh thì sao, thưa ông?

- Vẫn còn nhiều thời gian với thành phố Hồ Chí Minh - nơi tôi có nhiều ân tình. Và “nợ nần” ở miền đất này, tôi sẽ trả bằng… chữ, thật nhiều chữ.

 * Tức là một cuốn sách riêng về thành phố Hồ Chí Minh?

- Có nơi đề nghị tôi viết bài nhiều kỳ về những con đường, ngõ hẻm, con người và tính cách người thành phố Hồ Chí Minh, kể cả chuyện uống cà-phê sáng ra sao, tôi vẫn chưa viết chữ nào. Có một vài chuyện như kiểu truyện ngắn Địa đàng không quên hay Nancy và Tôi, thoang thoáng có vẻ Sài Gòn. Tôi thích đọc các truyện người Hà Nội viết về thành phố Hà Nội, còn tôi thì sống nhiều ở Sài Gòn. Sài Gòn là người tình của tôi với những con đường ướt mưa và nắng dữ. Buổi sáng có tiếng chuông nhà thờ và con gà cao chót vót trên đỉnh tháp, nhiều chuyện chỉ còn có mình tôi biết.

Ngồi một chỗ không yên

* Ông “xuất ngoại” khá bí mật, và việc về lại thành phố Hồ Chí Minh cả năm qua cũng khá yên ắng?

- Không có gì bí mật. Tôi ngồi một chỗ không yên, ở nhà cũng không yên (mà tôi thì làm gì có nhà, chỉ có mấy quán trà đá làm nhà). Chẳng qua tôi thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì vậy, khi có dịp rong chơi, tôi lặng lẽ ra sân bay, không chia tay anh em bạn hữu. Nhưng ngay khi vừa bước chân lên máy bay đi Mỹ, tôi dự tính trở lại Việt Nam bởi mảnh đất này đã sinh ra tôi, cưu mang tôi đến tận hôm nay thì làm sao tôi bỏ đi được. Nhưng tôi vẫn phải đi, đi để nạp thêm nguồn tư liệu cho những trang viết.

Rồi tôi chán cảnh tha phương cầu thực (chạy show diễn ảo thuật hài ở các casino), tôi lại nhớ Sài Gòn, nhớ mấy quán trà đá nên trở về…

Truyện ngắn chọn lọc - cuốn sách mới nhất của Mạc Can.
Truyện ngắn chọn lọc - cuốn sách mới nhất của Mạc Can.

* Chính ra lúc đi nước ngoài, ông lại viết được nhiều?

- Đúng vậy! Viết vì buồn nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ đường phố. Suốt 3 mùa tuyết, tôi cứ viết suốt và gửi về nhà. Bây giờ, tôi vẫn cứ ám ảnh về tuyết. Mùa tuyết đầu tiên tôi nào biết gì, sau đó mới hay mùa đó là mùa tuyết khủng khiếp nhất của nước Mỹ, hàng chục năm mới có một lần. Tôi sẽ kể lại những điều này trong cuốn sách mới nhé, nó có chuyện tình, chuyện phiêu lưu và các câu chuyện “bình thường” khác.

* Có vẻ dạo này ông bận bịu chạy sô nên ít viết?

- Tôi vẫn viết nhiều và đọc nhiều đó chứ, nhưng tìm văn phong mới. Cách viết này khá mất thời gian, chứ không phải là thưa viết. Tôi vẫn viết báo và viết kịch nhiều.

* Ông viết kịch bản? Công việc này chắc kiếm tiền dễ hơn so với viết văn?

- Tôi nhớ mình viết kịch truyền hình được nên chuyển qua viết các vở ngắn ngắn cho vài đài truyền hình. Tôi cần có ít “tiền tươi” để mua gạo và tự nấu ăn. Viết văn thì vẫn viết dù biết sống bằng nghề viết văn rất khó. Viết kịch cũng không dễ kiếm tiền, nhưng dù sao cũng giúp cho cái bao tử có “công việc” hơn là cứ uống trà đá trừ cơm.

* Vậy năm qua, ông có nhớ mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim không?

- Nhiều và… khá nhiều là khác. Ngoài danh hiệu “cây bút trẻ”, tôi còn có giải thưởng diễn viên (già) phim truyền hình được yêu thích nhất. Cảm ơn khán giả chưa quên tôi. Năm qua, tôi đóng phim Minh tâm kỳ án với bối cảnh Huế, phim hài Bà ngoại vẫn biết yêu, phim Con trai con gái, phim Ngược sóng và các phim khác. Mới nhất chiếu trong dịp Tết này là phim Hiệp sĩ guốc vông, dạng phim võ thuật hài của Hãng phim Nguyễn Chánh Tín…

* Xin cảm ơn nhà văn!

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

;
.
.
.
.
.