.

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2013: Kết tinh giá trị văn hóa - lịch sử

.

(ĐNĐT) - Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức thường niên vào ngày 19-2 âm lịch tại khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-3 (nhằm 17, 18 và 19-2 năm Quý Tỵ) với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng đến một lễ hội văn minh, mang tầm cỡ quốc gia.

Lễ vía chính thức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ diễn ra vào ngày 19-2 âm lịch.
Lễ vía chính thức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ diễn ra vào ngày 19-2 âm lịch.

Khơi dậy lòng hướng thiện...

Đại đức Thích Huệ Vinh, Trưởng Ban đại diện Phật giáo Ngũ Hành Sơn, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Theo truyền thống, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn sẽ được tổ chức theo nghi lễ mang màu sắc Phật giáo với các nội dung: Lễ rước ánh sáng, gồm: rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh; lễ khai kinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc; lễ trai đàn chẩn tế để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh; lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp.

Đây là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống tốt đẹp hơn.

Dự kiến, lễ rước Bồ Tát Quán Thế Âm, ông Tổ nghề đá và Bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia sẽ diễn ra trong ngày 19-2 âm lịch. Các kiệu được khiêng từ chùa Quán Thế Âm xuống thuyền và chạy quanh sông Cổ Cò. Nghi lễ này nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi, bình an và nghề đá Non Nước tiếp tục được duy trì và phát triển…

“Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đang được các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đây là những minh chứng sống động, là niềm tự hào của một vùng đất lịch sử - văn hóa của thành phố Đà Nẵng”, Đại đức Thích Huệ Vinh nhấn mạnh.

Hướng đến một lễ hội văn minh

Cùng với các lễ hội khác diễn ra trên khắp cả nước, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn hằng năm là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, đây còn là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, góp phần mở rộng giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch…

Lễ hóa trang và lễ rước Bồ Tát Quán Thế Âm.
Lễ hóa trang và lễ rước Bồ tát Quán Thế Âm.

Ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội cho biết, nét riêng biệt và độc đáo của lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn chính là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo và vùng lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp và Dân tộc, Dân tộc và Đạo pháp. Vì vậy, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo. Đồng thời, du khách có thể thưởng thức sự tinh tế, phong  phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng. Đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn và làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước truyền thống - một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển.

Cũng như bao mùa lễ hội trước, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm nay bao gồm phần lễ và phần hội đan xen và hòa quyện với nhau. Bên cạnh các nghi lễ Phật giáo truyền thống, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như: Biểu diễn trống hội, múa Trình tường và chương trình nghệ thuật đặc sắc, triển lãm tranh ảnh “Du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn”, triển lãm thư pháp chủ đề Nguyên Xuân; hội hô hát bài chòi, hội hoa đăng, hội đua thuyền truyền thống, hội cờ người và biểu diễn võ thuật… Đặc biệt, trong chương trình lễ hội năm nay, Ban tổ chức sẽ triển lãm tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây được đánh giá là bức tượng Phật hoàng bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được khai mở đúng vào Lễ vía chính thức Đức Bồ tát Quán Thế Âm sáng 19-2 năm Quý Tỵ.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội, sẽ diễn ra buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa giữa các chùa ở miền Bắc và miền Trung; chương trình nghệ thuật trong lễ bế mạc có sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và sự góp mặt của Tăng đoàn Nhật Bản lần đầu tiên đến tham dự lễ hội.

Theo ông Đoàn Ngọc Độ, đến nay, mọi công tác tổ chức đã được triển khai đúng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo nhằm bảo đảm công tác an ninh - trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... Đặc biệt, những hoạt động “ăn theo” lễ hội như bán chim phóng sinh, bán sách mê tín dị đoan, đốt vàng mã… cũng sẽ được chấn chỉnh nhằm hướng đến việc xây dựng lễ hội văn hóa, văn minh.

Bài và ảnh: KHANG HUY

 

;
.
.
.
.
.