.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”

.

Tuy mới ra Trường Sa một lần (tháng 5-2011) nhưng từ lâu nhạc sĩ Quỳnh Hợp, biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên sáng tác Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều ca khúc về Trường Sa và biển đảo quê hương.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đang trình bày ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa (tháng 3-1988). 							Ảnh: TRẦN HỒNG
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đang trình bày ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa (tháng 3-1988). Ảnh: TRẦN HỒNG

Đến nay nhạc sĩ Quỳnh Hợp có hơn 30 ca khúc viết về bộ đội Hải quân và Trường Sa như: Tổ quốc nhìn từ biển, Đảo chân mây, Nghe em hát ở Trường Sa, Mùa xuân nơi Trường Sa, Nỗi lòng gửi anh, Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình, Góp đá xây Trường Sa…

Kỷ niệm 25 năm trận hải chiến bảo vệ Trường Sa (14-3-1988 – 14-3-2013), nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự:

- Tôi rất quan tâm đề tài biển đảo quê hương, trước hết vì tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia, gửi gắm niềm tin, tình yêu với những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc; sau nữa là để Trường Sa đến gần hơn với đồng bào trong và ngoài nước, để Trường Sa ngày càng ấm áp hơn, đầy đủ hơn với sự chung tay của nhân dân cả nước.

Với người sáng tác thì những tác phẩm ấy còn nhân lên tinh thần yêu nước, khơi gợi tình yêu biển đảo tới các bạn trẻ, để thế hệ trẻ thấy rõ trách nhiệm, giá trị của cuộc sống bình yên nơi đất liền, từ đó sống có trách nhiệm hơn, cống hiến nhiều hơn. Và những tác phẩm ấy cũng khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, giới thiệu đến người nghe hình ảnh những người lính Hải quân thời đại mới: hiện đại, vững vàng, tràn đầy lạc quan nơi đầu sóng ngọn gió.

* Thưa nhạc sĩ Quỳnh Hợp, vậy chị có ca khúc trực tiếp viết về trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988?

- Ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa tôi viết ngay sau sự kiện 14-3-1988. Bài hát dịu dàng âm hưởng quan họ, là niềm thương yêu, tin tưởng, sẻ chia ân tình với những người lính đảo trước phong ba bão tố, kẻ thù rình rập. Bài hát được lấy làm chủ đề cho album vừa phát hành để tưởng nhớ và tri ân những người lính biển đã anh dũng hy sinh giữ đảo năm xưa. Lúc ấy, tôi còn rất trẻ, đang là ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Không quân học sáng tác âm nhạc Nhạc viện Hà Nội.

Bài hát hoàn thành vào buổi tối thì sáng hôm sau được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm cùng với nhiều sáng tác mới viết về Trường Sa. Tinh thần lúc ấy sôi sục lắm, tôi đến chơi với mấy anh ở Báo Quân đội Nhân dân thì thấy bài vở, tin tức, thơ, nhạc về Trường Sa gửi về tòa soạn rất nhiều. Tôi nhớ là khi thu âm, chưa kịp thuộc bài hát nên tôi vẫn phải cầm bản nhạc thể hiện. Sau khi thu âm, băng cassette được gửi ra Trường Sa để động viên tinh thần những người lính đảo. Những ngày sau đó, tôi đã biểu diễn Nghe em hát ở Trường Sa trong nhiều chương trình ca nhạc...

Album Nghe em hát ở Trường Sa vừa được phát hành.
Album Nghe em hát ở Trường Sa vừa được phát hành.

* Chị vừa nhắc tới album Nghe em hát ở Trường Sa mới phát hành?

- Album Nghe em hát ở Trường Sa là bức tranh Trường Sa đa diện, phản ánh chân thực cuộc sống, tinh thần cũng như tấm lòng của những người lính biển trong giai đoạn mới, đem đến cho khán giả một Trường Sa đầy nắng gió, những người lính biển kiên cường dâng tràn sức sống. Các ca khúc trong album được tôi phổ từ thơ của các nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Trúc Chi, Hồ Tĩnh Tâm, Nguyễn Phan Quế Mai, Đoàn Hoài Trung, Dương Tự Trọng… Có người hỏi tại sao tôi chọn ca sĩ Dương Quốc Hưng để thể hiện tất cả bài hát trong album. Dương Quốc Hưng là giọng nam cao có nội lực, nồng nàn, trữ tình và giàu nhạc cảm, lại hát ngọt âm hưởng dân ca nên có thể chuyển tải được những cảm xúc đa dạng trong album.

Qua album này, người nghe sẽ cảm nhận một Trường Sa mới mẻ hơn, cuộc sống của những người lính biển đỡ vất vả hơn, sống lạc quan hơn cùng tình yêu nước nồng nàn qua các ca khúc Ra khơi, Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình, Với Trường Sa, Nếu em không yêu lính Hải quân, Hoa của đảo…

* Vậy gần đây chị có viết ca khúc nào liên quan tới trận hải chiến tháng 3 năm đó?

- Đó là Khúc tưởng niệm trên biển, ca khúc xuất phát từ xúc cảm khi đoàn công tác chúng tôi dừng chân gần đảo Gạc Ma làm lễ tưởng niệm những người lính biển hy sinh trong trận hải chiến ngày 14-3-1988. Bài hát là khúc bi tráng, trầm hùng, lắng đọng cùng cảm xúc nhớ thương và biết ơn vô bờ. Phút mặc niệm trên biển ấy, rất nhiều người trong đoàn đã nghẹn ngào, mắt người nào người nấy đỏ hoe, thậm chí có cả tiếng khóc nức nở.

Năm 2011, tôi cũng viết ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài hát tôi viết rất nhanh, chỉ trong khoảng 3 tiếng, ngay sau sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí của ta ở ngoài khơi. Ca khúc này đã nhận được giải C - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải bài hát yêu thích trong chương trình Bài hát tôi yêu của VTV. Nhưng với tôi, giải thưởng lớn nhất vẫn là bài hát đã nhận được sự yêu mến của khán giả cả nước, khơi dậy tình yêu đất nước, biển đảo trong trái tim hàng triệu người Việt Nam. Có lẽ điều làm tôi vui nhất, ấn tượng nhất là đi đến đâu tôi cũng được giới thiệu là nhạc sĩ của Tổ quốc nhìn từ biển. Gần đây tôi viết tiếp nhiều ca khúc về Trường Sa như: Ra khơi, Đảo bão, Đảo chìm, Tình ca sau đêm bão, Tạm biệt Trường Sa, Kỷ niệm Trường Sa…

NGUYỄN THANH BÌNH thực hiện

;
.
.
.
.
.