Mai Tuyết Hoa đang được đánh giá là nghệ sĩ sáng giá của nghệ thuật hát xẩm, mang lại niềm hy vọng bộ môn nghệ thuật dân gian này không còn đối mặt với nguy cơ thất truyền, sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời vào đầu tháng 3 vừa qua.
Mai Tuyết Hoa trong một chương trình tưởng niệm nữ sĩ Hằng Phương tại Đà Nẵng. Ảnh: T.T.S |
Bằng tiếng đàn và giọng hát buồn da diết, Mai Tuyết Hoa thường gợi cho khán giả những kỷ niệm, những số phận của con người quá khứ trong cảnh ngộ bất hạnh, éo le. Nhiều người còn gọi Tuyết Hoa một cách thân thương là “cô xẩm trẻ Hà Thành”.
Tuyết Hoa cho biết, cô sinh ra trong gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng bố yêu thích dân ca. Năm 8 tuổi, Tuyết Hoa được bố cho thi vào Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và học sơ cấp đàn nhị. Hết sơ cấp, trung cấp ở trường này, cô học luôn ĐH Nhạc viện Hà Nội cũng với cây đàn nhị. Từ năm thứ hai ĐH (năm 1996), Tuyết Hoa cộng tác với Viện Âm nhạc Việt Nam, chuyên ghi lời và ký âm lại một số tư liệu điền dã âm nhạc của Viện. Nhờ vậy, Tuyết Hoa có điều kiện tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc dân gian, trong đó có hát xẩm.
Khi tiếp xúc với những tư liệu điền dã, Tuyết Hoa như được sống với sinh hoạt âm nhạc sống động của thực tiễn, đặc biệt là những ngón rung, nhấn của đàn nhị khi hòa giai điệu với các giọng hát của các nghệ nhân. Qua lời ca mộc mạc, chân tình của hát xẩm, Tuyết Hoa càng hiểu thêm về tâm cảm của người xưa, đưa cô lại gần hơn với tinh thần và cội rễ của âm nhạc dân tộc.
Năm 2005, tại liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, trong đêm ca trù - hát xẩm, Tuyết Hoa là nghệ sĩ trẻ nhất của đêm diễn và để lại cho người nghe nhiều ấn tượng. Theo Tiến sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc: “Đặc biệt vừa chơi đàn cò tốt và vừa hát xẩm thì chỉ có Tuyết Hoa, cô có điều kiện đầy đủ nhất trong việc tiếp thu nghệ thuật hát xẩm từ nghệ nhân Hà Thị Cầu”.
Xem Tuyết Hoa hát xẩm ở Hàng Ngang, Hàng Ðào, tại Công viên Lý Thái Tổ (Hà Nội), hay tại “Ðêm di sản phục vụ APEC 2006”, có người bày tỏ: “Lần nào tôi cũng xúc động đến ứa nước mắt bởi tiếng đàn và giọng hát buồn da diết của Mai Tuyết Hoa, gợi về những kỷ niệm, những số phận của con người quá khứ trong cảnh ngộ bất hạnh, éo le, cũng có lúc cười ra nước mắt. Tôi thấy Mai Tuyết Hoa biểu diễn bằng tất cả trái tim của mình, bằng sự nhập vai thật sự, nhất là khi cô hóa thân vào vai thôn nữ chân quê với bộ váy dụm, áo nâu và khăn mỏ quạ, đôi khi còn đội chiếc nón cời, tay kéo đàn nhị, miệng hát những câu não lòng cùng những ngón vuốt nhấn rung trên phím đàn cò đầy sức truyền cảm tới người nghe thì làm sao không xúc động, không cảm thương!”.
Mai Tuyết Hoa cũng là người đầu tiên đánh thức lại nghệ thuật hát xẩm tàu điện (nghệ nhân Hà Thị Cầu không hát xẩm tàu điện) - môn nghệ thuật dân gian quen thuộc khi Hà Nội còn loại phương tiện này. Hồi ấy, chỉ những người mù lòa, yếu thế đến từ các miền quê mới hát xẩm trên tàu điện để mưu sinh...
Hiện nay, Mai Tuyết Hoa là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc. Cô thường xuyên biểu diễn hát xẩm trong chương trình phát triển âm nhạc dân tộc vào mỗi tối thứ bảy ở phố đi bộ Hà Nội. Một trong những điều quan trọng nhất đã góp phần giúp cô tiến bộ nhanh chóng, đó là được trực tiếp tìm tòi, thọ giáo những ngón đàn, điệu hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Hồi giáp Tết Quý Tỵ, hay tin nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm nặng, cô cùng các đồng nghiệp về thăm bà. Cô đàn, hát để bà nghe điệu xẩm “Thập ân” - 10 công ơn của cha mẹ. Thường thì bà vẫn hát theo, gõ phách theo, cứ nghe xẩm là bà thấy khỏe hẳn ra, nhưng lần này bà cụ chẳng biết gì nữa. Thế rồi, bà ra đi lúc 12 giờ 30 ngày 3-3-2013 tại quê nhà ở xã Yên Phong, tỉnh Ninh Bình. Tuyết Hoa nói: “Chẳng lời nào nói hết sự hụt hẫng của tôi. Biết bà ốm đã lâu, biết quy luật sinh tử, nhưng vẫn cứ hy vọng... Giờ thì chẳng bao giờ được nghe giọng thật của bà nữa rồi”.
Tuyết Hoa kể, cô theo học bà Hà Thị Cầu từ năm 1998. Làm sao quên được những lúc hai thầy trò đàn, hát với nhau, bà cụ thường hỏi: “Có mang rượu về cho tao không?”. “Đáng nhớ nhất là lần tôi xuống làm phim tài liệu về bà. Mấy ngày quay xong, có lần bà nắm lấy tay tôi bảo rằng bu khổ quá con ạ. Phận hát xẩm theo bà cụ long đong đến tận bây giờ”, Tuyết Hoa nói.
Tại Đà Nẵng, trong lần tham gia một số tiết mục phụ diễn dịp nơi đây triển khai các hoạt động tôn vinh nghệ thuật tuồng truyền thống, Tuyết Hoa xúc động: “Tôi rất vui khi thấy Quảng Nam-Đà Nẵng quan tâm nhiều đến nghệ thuật dân tộc truyền thống. Mặc dù từng đến quê hương đất tuồng này vài lần nhưng bao giờ nơi đây cũng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc mới lạ!”.
Hát xẩm xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Những người dân các miền quê hồi ấy ra Hà Nội mưu sinh đã chuyển hóa những điệu xẩm xoan, xẩm huê tình thành những điệu xẩm phù hợp với thẩm mỹ, thẩm âm của người Hà Nội. Trong số 20 điệu xẩm được các nghệ sĩ trình diễn tại sân khấu chợ Đồng Xuân hiện nay, điệu xẩm tàu điện chỉ duy nhất có tại Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, xẩm còn được “thời sự hóa”. Chẳng hạn, để hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, các nghệ nhân xẩm đã sáng tác bài xẩm Tiễu trừ giặc dốt (đang được trình diễn ở chiếu xẩm Đồng Xuân với lời mới Tiễu trừ tham nhũng). Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ - người đã có hơn 20 năm làm việc với các làng xẩm, trùm xẩm..., thời kỳ hưng thịnh của xẩm là vào cuối năm 1954, đầu năm 1955, khi Nhà nước vận động nhiều nhóm hát xẩm, cử người viết bài hát và đến diễn ở các vùng duyên hải miền Bắc nhằm chống lại phong trào di cư vào Nam do người Pháp lôi kéo. Vài ba chục nghệ nhân hát xẩm ở Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội... tham gia cuộc vận động này. Kể từ đó, những người hát xẩm không còn được hành nghề nữa, hát xẩm tưởng chừng như đã thất truyền, mai một. Từ đầu tháng 4-2006, vào hai đêm thứ bảy, chủ nhật, người dân Hà Nội và du khách trong, ngoài nước đến thủ đô khi dạo chơi tuyến phố đi bộ, chợ đêm Đồng Xuân - Hàng Đào lại được thưởng thức những làn điệu xẩm vốn chỉ còn tồn tại trong ký ức của các bậc cao niên ở Hà thành và trong vốn liếng âm nhạc dân gian của lão nghệ nhân “hát xẩm bẩm sinh” Hà Thị Cầu. Ngày 2-4 vừa qua, tại đình Hào Nam (Hà Nội) diễn ra lễ giỗ tổ nghề hát xẩm và tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đây là hoạt động thường niên được Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc - Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. |
TRẦN TRUNG SÁNG