Những chiếc thuyền hoa rực rỡ chở niềm tự hào về thành phố biển đang được các nghệ nhân địa phương khẩn trương hoàn thiện, để kịp đón lễ hội pháo hoa.
Trước khu vực khán đài B, thuyền hoa của các phường An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái ngay ngắn tựa vào bờ. |
Đây là cầu Rồng, kia cầu Trần Thị Lý, kia nữa cầu Sông Hàn nhấp nhô… kế tiếp, những tòa nhà cao tầng ẩn hiện. Xa xa, thấp thoáng ngọn Ngũ Hành Sơn, màu xanh dịu dàng của biển… Đó là những gì người ta có thể thấy, cũng có thể lầm tưởng, khi thoạt nhìn dãy thuyền hoa được xếp ngay ngắn thành từng cụm dọc bờ Đông sông Hàn. Ở đó, những nghệ nhân “cây nhà lá vườn” bằng tình yêu quê hương đang ra sức chăm chút cho những công trình, biểu tượng, hình ảnh mang niềm tự hào về Đà Nẵng. Với sự khéo léo, nhẫn nại, những ngư dân đã tài tình biến những chiếc thuyền cá thô mộc thường ngày trở nên xinh đẹp, duyên dáng, thấm đậm hồn người.
Tự hào Đà Nẵng
Chỉ đạo các anh em uốn lại mình Rồng trên đoàn thuyền hoa phường mình đảm nhận, anh Nguyễn Ngọc Hùng (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) không giấu niềm tự hào: “Năm nay là năm thứ hai tôi được địa phương giao thiết kế, thi công thuyền hoa cho lễ hội, chúng tôi vui lắm, làm quần quật cả tháng nay nhưng không thấy mệt”. Anh Hùng cho biết, năm nay, phường An Hải Tây được quận giao làm 3 thuyền hoa chở mình Rồng, tòa sen và chân dung Bác Hồ. Với kinh nghiệm của người có nghề trang trí sân khấu, anh Hùng khoe: “Năm ngoái làm rồng bằng khung sắt được cái chắc chắn, nhưng hơi nặng nề, năm nay chúng tôi lấy tre làm khung vừa chắc, lại vừa mềm dẻo, dễ uốn nắn, dáng rồng mềm mại thanh thoát hơn. Hệ thống đèn điện, đèn trang trí cũng được đầu tư chăm chút hơn thì chắc chắn thuyền năm nay của phường tôi sẽ rất đẹp”, anh Hùng khẳng định.
Trước khu vực khán đài B đã được lắp dựng hoàn chỉnh, 12 thuyền hoa của phường Mân Thái, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Nại Hiên Tây cũng ngay ngắn tựa vào bờ. Vừa ngắm lại công trình thuyền hoa tâm huyết qua mấy mùa pháo hoa, anh Phan Chí Toàn (phường An Hải Bắc) vui vẻ cho biết: “Thay vì sáng nay mới bắt đầu lắp ráp các mô hình xuống thuyền như chủ trương của quận, chúng tôi tranh thủ làm từ chiều tối qua, nên giờ gần như xong rồi, ngày mai chỉ còn kiểm tra lại lần cuối trước khi trình quận thôi”. Theo cảm nhận của anh Toàn, nhờ kinh nghiệm, năm nay, các hình ảnh mô phỏng cầu Sông Hàn, Quốc hoa, chim hạc của đơn vị anh sống động, thật hơn so với các năm.
Không chỉ là thuyền hoa
Ông Huỳnh Văn Bảy, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà, cho biết số lượng thuyền hoa quận giao phục vụ lễ hội pháo hoa khoảng 20 chiếc, do 7 phường trên địa bàn quận đảm nhận. Dự kiến đến ngày 27-4, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc bảo đảm an toàn và tính thẩm mỹ, để đúng 16 giờ 30 ngày 28-4 tổng duyệt và diễu hành chính thức trong hai đêm diễn ra Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC 2013) vào các ngày 29 và 30-4. Theo quy chuẩn, mỗi thuyền hoa cách nhau 30m, diễu hành hai vòng trên một lộ trình có sẵn trên sông Hàn.
20 chiếc thuyền hoa vẫn tập trung xây dựng các hình tượng khẳng định sức trẻ, sự phát triển từng ngày của thành phố. Vì vậy, vẫn không thể thiếu nhịp cầu Sông Hàn nối đôi bờ Đông Tây, không thể thiếu Quốc hoa, hình tượng Bác Hồ, chim bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình của người Đà Nẵng… Tuy nhiên, trên những chiếc thuyền chở tâm tình của thành phố biển năm nay sẽ giàu sức hút, giàu ý nghĩa hơn bởi cột chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định chủ quyền đất nước, bởi niềm tự hào về những công trình mới cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cáp treo Bà Nà…
Ông Bảy cũng thừa nhận, mặc dù cùng một mức kinh phí (35 triệu đồng/thuyền hoa), nhưng thuyền hoa những năm trước được làm đơn giản, trang trí không lộ diện được hình ảnh trong đêm, nhìn chỉ như một đốm sáng trên sông. Ông Bảy nói rằng, thuyền hoa năm nay phải rực rỡ, làm nổi bật được hình ảnh, ý nghĩa muốn chuyển tải đến người xem.
Bài và ảnh: THANH TÂN