Đã có không chỉ một, mà tới vài ba thế hệ cầm bút được hình thành kể từ sau “cột mốc” 30-4-1975. Nhưng sau 38 năm đất nước thống nhất, nền văn học Việt Nam đang ở đâu? Các nhà văn, nhà văn hóa của chúng ta hiện có đáp ứng được những mong mỏi của thời cuộc? Và với 8 thế hệ đồng hành, có phải đang cần một cuộc bứt phá, thậm chí “soán ngôi”?...
Đó là những vấn đề được chúng tôi đặt ra trong cuộc trò chuyện mới nhất với GS Phong Lê (ảnh).
* Thưa GS, 38 năm sau khi đất nước giải phóng, có rất nhiều giá trị văn hóa được xác lập, có nhiều thế hệ được sinh ra với những đặc tính khác biệt và kéo theo không ít vấn đề liên quan đến đất nước, cuộc sống, xã hội. Là người dành cả cuộc đời nghiên cứu văn hóa, văn học, theo ông, các nhà văn, nhà văn hóa của chúng ta hiện có đáp ứng được những mong mỏi của thời cuộc hiện nay?
- Tôi thấy mỗi người vẫn hành nghề như họ vẫn hành nghề. Bây giờ cũng khó để nói ai tròn vai hay không vì hiện không ai giao trách nhiệm. Trước kia có giao trách nhiệm thật sự, thậm chí quy định đề tài nữa, còn bây giờ tự do hơn nhiều. Vậy thì nhà văn hãy viết theo thiên hướng của anh. Đứng về tổng thể họ vẫn hoạt động như thế, và nền văn học như vậy cũng được, không có gì phải bi quan. Các nhà văn vẫn ra sách, vẫn rôm rả đấy chứ. Nhưng đáp ứng được như thời trước năm 1945 với một “thế hệ vàng” như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… thì bây giờ chưa xuất hiện. Từ ông Tô Hoài cho đến thế hệ viết 9X vẫn bị đeo đẳng một cái gì đó, chưa thoát ra được. Có thể trông cậy vào thế hệ cầm bút được sinh ra vào đầu thế kỷ 21. Hy vọng là những thập niên tới có thể khác đi.
* Thưa GS, đúng là bây giờ không ai quy định nhà văn phải viết gì, nhưng sứ mệnh của nhà văn là phải viết, thông qua các tác phẩm, trước vận mệnh của dân tộc, cất lên tiếng nói thuyết phục về nhân sinh, về con người chứ không phải là trên… mạng xã hội?
- Cái đó là tùy thuộc hoàn toàn vào bản lĩnh của anh, vào cái thuộc về lý tưởng của anh. Đối với các nhà văn chân chính thì yêu nước, yêu dân phải là điều tất nhiên. Người viết văn bây giờ có cả nghìn người. Nhưng những người viết có trách nhiệm với dân tộc mình, trách nhiệm trước cái ao ước nghệ thuật của anh thì không phải là nhiều. Đếm đi đếm lại chắc không vượt quá được trăm người. Nhưng anh có theo kịp được gì mà anh ao ước không thì còn trăm thứ quy định. Hiện hơi hiếm các nhà văn đồng thời mang trong mình dáng dấp của nhà văn hóa.
* Vậy trong số “của hiếm” như ông nói đã hoàn thành sứ mệnh của mình chưa?
- Sứ mệnh hiện nay là sự chung lưng của 7-8 thế hệ. Có thể nói, chưa bao giờ nền văn học của chúng ta lại đông vui như hiện nay, với sự hiện diện của 8 thế hệ, từ thế hệ 2X như cụ Tô Hoài tới thế hệ 9X. Mỗi thế hệ chỉ có thể làm trong giới hạn mà thế hệ mình có. Ông Tô Hoài chỉ làm được thế thôi. Hồ Phương cũng chỉ vậy, Bảo Ninh như thế… Nhìn tổng thế ấy vẫn thấy sự rôm rả vui vẻ cả. Nhưng để có một thế hệ bứt phá hẳn lên, như Nam Cao thay Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh; Xuân Diệu thay Tú Xương, Hàn Mặc Tử thay Nguyễn Khuyến mà chỉ trong vài chục năm… thì chưa thấy.
* Đó là một cuộc soán ngôi, thưa ông?
- Đúng vậy, một cuộc soán ngôi êm ấm. Trước năm 1900 vẫn là Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu… Sang văn học chữ quốc ngữ, chỉ trong vòng gần 20 năm đã phát triển một cách khủng khiếp, tốc độ phát triển nhanh vô cùng. Và các nhà văn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… là các vị làm việc vĩ đại, tức là thực hiện xong cái yêu cầu hiện đại hóa của văn học. Phải nói rằng đó là thế hệ vàng.
Sau này, văn học Việt Nam phát triển được là dựa trên cái nền đó. Nhắc tới Thơ mới là nhắc đến Xuân Diệu, Huy Cận…; tiểu thuyết thì có Số đỏ, Sống mòn, Chí Phèo… Đó là những sản phẩm tuyệt vời của văn học dân tộc. Trước đó, chỉ 10 năm trước, ông Hồ Biểu Chánh viết còn khá cũ kỹ, giờ không đọc được nữa. Tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách, Tố Tâm nay cũng không đọc được nữa. Nhưng Giông tố, Số đỏ, Chí Phèo, Sống mòn thì lúc nào cũng đọc được. Đó là “thế hệ vàng”.
* Và thưa ông, lịch sử chưa lặp lại?
- Đúng rồi. Lịch sử chưa lặp lại. Tôi mong chứng kiến một cuộc soán ngôi như thế, nhưng chưa thấy.
* Vậy thì phải đến bao giờ, thưa GS?
- Có lẽ nó sẽ diễn ra, trong vài thập niên tới.
* Tức là những người ấy không phải thuộc những gương mặt bây giờ mà vượt qua cả thế hệ 9X?
- Đúng rồi, phải vượt qua. Nhưng muốn vượt qua thì nó phải khác, phải được nhen nhóm ở nhóm những cây bút sinh ra vào đầu thế kỷ 21, chứ nó không phải ở Tô Hoài, không phải Hồ Phương, cũng không phải Bảo Ninh hay những thế hệ 7X, 8X đương thời. Những cây bút như chúng ta đang thấy vẫn còn “dấp dính” cái cũ, chưa vượt thoát được.
* Ngày xưa, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao từng nổi tiếng ở tuổi ngoài 20. Còn mấy chục năm qua, cũng có nhiều tác giả xuất hiện, tạo nên một vài hiện tượng trên văn đàn, nhưng chưa tạo một phong trào, một “thế hệ vàng” như ông vừa nhắc đến. Có ý kiến cho rằng xã hội ít biến cố, nên người viết không có động lực để bùng lên?
- Suốt mấy chục năm nay người ta vẫn chưa trả lời được câu hỏi vì sao mà chưa xuất hiện những tài năng lớn trong văn học? Có thể lý giải ở tâm lý thỏa mãn ở một số người. Nhưng cái chính là anh phải vượt được anh. Bản thân phải vượt mình, đó mới là điều quan trọng. Tất cả vốn liếng dồn vào tác phẩm đầu tay, sau không có gì tích lũy, không có gì mới. Cuối cùng vẫn là bản năng ấy, bản lĩnh ấy chứ không phải sự tác động từ thời cuộc.
Rồi đây, khi Tô Hoài mất đi thì nền văn học Việt Nam mới thấy trống vắng. Ông vẫn đi như thế, trên đường đi ông trổ những ô cửa và cứ bền bỉ viết suốt hơn 70 năm nay. Đó là điều lạ chứ. Nhưng tại sao lực lượng trẻ bây giờ lại dừng lại sớm như thế? Bao nhiêu màu mè son phấn dồn vào cuốn sách thứ nhất nhưng đến cuốn thứ hai không bứt lên được.
Trước năm 1945, “thế hệ vàng” mà tôi nói đều có tác phẩm lớn ở tuổi từ 20-30. Vũ Trọng Phụng, Nam Cao chói sáng ở tuổi 20; Chế Lan Viên, Tố Hữu viết khi 17, 18 tuổi. Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” khi chưa tới tuổi 30. Dân tộc đang chờ một cuộc chuyển ở thế hệ những người viết tuổi 20, cùng lắm là 30.
* Có phải ý ông nói, chúng ta không chờ đợi được gì vào thế hệ nhà văn hiện thời?
- Không hẳn như vậy. Thế hệ nhà văn hiện thời vẫn đồng hành cùng dân tộc, họ vẫn có trách nhiệm. Nhưng để tạo một “thế hệ vàng” như trong quá khứ, thì tôi chưa tin tưởng lắm. Đừng nhìn vào giải thưởng, bởi sự thật thì tôi không tin lắm vào các giải thưởng.
* Xin cảm ơn GS!
* Ở một tia hy vọng khác, một góc nhìn khác đi, ta có thể nhìn thấy sứ mệnh dân tộc bây giờ đang đặt lên vai các nhà văn đương thời không? - Tôi nghĩ rằng bây giờ việc cấp bách trong điều hành vĩ mô là chấn hưng lại giáo dục và văn hóa, phải thăng bằng lại sự phát triển kinh tế và văn hóa, đừng chạy đuổi theo các lợi ích kinh tế. Chấn hưng giáo dục, đạo đức và luân lý để củng cố các đơn vị của cộng đồng xã hội, trong đó gia đình là điều trước hết và cơ bản nhất. Cộng đồng gia đình không được để vỡ đi, rạn nứt đi. Tội ác xã hội, sự vô cảm phải bớt đi. Điều đó phải bằng giáo dục, văn hóa chứ không phải kinh tế. Giáo dục phải trở lại vai trò quốc sách của nó, trở lại con người thân thiện, thì sẽ có tương lai. |
HOÀNG THU thực hiện