.

Nét cọ tình người

.

Tâm hồn người Việt, văn hóa người Việt, những cảnh đẹp của quê hương xứ Việt dường như hội tụ trong nét cọ của người họa sĩ tài hoa xứ Đà thành Xuân Sơn. Với anh, mỗi nét cọ là cả sự trải nghiệm mà qua bao thời gian ấp ủ, anh mới có thể thả hồn mình trên từng trang vẽ.

Họa sĩ Xuân Sơn (trái) tặng chữ tại Ngày thơ Việt Nam ở Đà Nẵng.                                Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Họa sĩ Xuân Sơn (trái) tặng chữ tại Ngày thơ Việt Nam ở Đà Nẵng. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Quán cà-phê Lá Trúc nằm khuất sau con đường 2 tháng 9 nhộn nhịp của thành phố như tìm về chút hương vị quê xưa. Mấy cây trúc, vài bộ bàn ghế gỗ, không gian thoáng đãng cùng những bức thư pháp, những bức tranh thiền treo ở mỗi góc tường khiến những ai một lần đặt chân đến đây không khỏi bâng khuâng, bồi hồi. Vài câu kinh kệ vọng từ chiếc radio cũ giữa một buổi trưa nắng, cảm giác lòng người như đang lạc vào chốn thiền môn. Từ lâu rồi quán cà-phê Lá Trúc của vợ chồng họa sĩ Xuân Sơn là nơi hội ngộ của các anh chị em văn nghệ sĩ đến trà đạo, kể cho nhau nghe về chuyện tình, chuyện đời, niềm đam mê hội họa hay chỉ giản đơn thưởng thức vài món chay trong không gian ấm cúng để thấy lòng thảnh thơi giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề.

Là người khá am hiểu Phật giáo, mê làm thơ thiền từ lúc nhỏ nên sở trường của họa sĩ Xuân Sơn là vẽ tranh thiền, hướng con người đến cái chân - thiện - mỹ, cái mạch sống chân chính của cuộc đời. Ngắm bức tranh “Ngũ Hành Sơn vùng đất thiêng” của anh, có lẽ không nhiều người có thể cảm nhận hết tâm tư, tình cảm với biết bao công sức và cả sự say mê qua từng đường vẽ, nét màu. Nét bút dứt khoát, mãnh liệt cùng những gam màu sáng - tối được phối hài hòa miêu tả cái hùng vĩ, bao la của ngọn núi Ngũ Hành qua thời gian vẫn trường tồn mãi giữa đất trời. Bức tranh còn thể hiện những địa chỉ văn hóa của xứ Đà thành gắn với một thời đại lịch sử không thể nào quên: Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật, Ngọn Vọng Giang Đài, Ngọa Sơn, dòng sông Cổ Cò. Ngắm bức tranh, người xem không chỉ giản đơn là ngắm cảnh mà còn hiểu thêm vài nét về văn hóa và con người của xứ Đà thành xưa, nhất là hiểu thêm về tính mềm mại mà đầy sức sống của dòng tranh thiền.

Họa sĩ Xuân Sơn cho biết để vẽ được bức tranh này, anh phải đọc và nghiên cứu tài liệu mất 3 năm. Lúc nào anh cũng đau đáu phải làm sao thể hiện bằng được nét bút có chiều sâu nội cảm làm lay động lòng người. Anh tâm sự: “Đất nước mình không thiếu họa sĩ tài hoa và tên tuổi nhưng rất ít họa sĩ theo đuổi dòng tranh thiền. Vẽ tranh này rất khó, đòi hỏi người họa sĩ phải có kiến thức về Phật giáo, chùa chiền và am hiểu về văn hóa”. Nhiều bức tranh như “Đình cổ Khuê Bắc”, “Pháp âm”, “Quê nhà”… đã thể hiện cuộc sống dưới góc nhìn của một người am hiểu lịch sử và văn hóa Việt.

Với họa sĩ Xuân Sơn, vẽ tranh không phải là chạy theo thị hiếu của thị trường mà một mặt là thỏa niềm đam mê, mặt khác là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện văn hóa Việt, con người Việt. Đến với hội họa hơn 40 năm nhưng anh chỉ có khoảng hơn 100 tác phẩm. Anh rất khắt khe khi lựa chọn những bức anh cho là tác phẩm thật sự trong nhiều bức tranh anh vẽ. “Một bức tranh được xem là một tác phẩm nghệ thuật phải là sự lao động miệt mài và nghiêm túc của người họa sĩ. Chứ không phải cứ vẽ ra bao nhiêu thì ta lại dễ dãi cho nó là tác phẩm”, họa sĩ Xuân Sơn trải lòng.

Họa sĩ Xuân Sơn còn xem hội họa là “mảnh đất tình người” và nét cọ của anh thật sự là “nét cọ tình người”. Tham gia nhiều cuộc triển lãm, nhiều lễ hội văn hóa cũng chính là dịp anh làm từ thiện, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh mà anh có duyên gặp họ giữa cuộc sống này. Tiền tranh bán được, anh đều ủng hộ hội từ thiện và phải chăng chính tình thương người, thương đời khiến anh có cảm xúc hơn để thể hiện qua mỗi bức tranh.

Nhắc đến họa sĩ Xuân Sơn, người ta còn nhắc đến tranh thư pháp. Mặc dù mới gắn bó với nghệ thuật thư pháp từ năm 2000 nhưng anh dành cho nó tình yêu đặc biệt. Với anh, thư pháp Việt tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt, tâm hồn Việt mang nét mềm mại nhưng lại có chiều sâu bút lực. “Thư pháp Việt bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng chọn cho mình con đường phá cách riêng, tuy vay mượn nhưng có sự nhào nặn, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của người Tàu. Vẽ thư pháp Việt bao giờ cũng khó hơn, phải làm sao thể hiện được cái tâm, cái tình cũng như ý nghĩa của từng nét chữ”, họa sĩ Xuân Sơn cho biết.   

Thư pháp Việt đã len lỏi vào đời sống của người Việt, nhất là một bộ phận giới trẻ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp con người sống hướng nội hơn. Chính họa sĩ Xuân Sơn là người thầy hướng dẫn nhiều bạn trẻ những nét cọ đầu tiên khi đến với thư pháp và theo anh đó cũng chính là bài học làm người.

Chia tay anh vào một chiều còn nắng, nghe gió sông Hàn thổi vào lồng lộng, chúng tôi cứ nhớ mãi câu anh nói: “Cuộc đời không bằng phẳng, cốt làm sao giữ được cái tâm thật trong sáng để đạt đến cái lý, cái tình. Với tôi mỗi nét cọ là tình đời, là tình người”.

Họa sĩ Xuân Sơn đến với hội họa từ năm 16 tuổi bằng niềm đam mê mãnh liệt. Hơn 40 năm nay, con đường anh lựa chọn không hề bằng phẳng. Bàn tay của anh dường như cũng chai sần theo năm tháng nhưng niềm đam mê cứ mỗi ngày một lớn dần thêm. Có những lúc mệt mỏi vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, anh muốn dừng lại, nhưng mỗi lần như vậy, nghĩ đến những bức tranh vẫn còn vẽ dở, những ý định chưa thực hiện, những cây cọ nằm nguội lạnh giữa sàn nhà, sự thôi thúc phải tiếp tục con đường đã chọn cứ cháy bỏng trong anh.

“Nghề chọn người chứ đâu phải người chọn nghề”, họa sĩ Xuân Sơn nói như vậy. Với anh, hội họa là cái duyên, thậm chí còn là cái tình, cái nghĩa mà suốt cuộc đời này không thể nào dứt bỏ, và thiếu nó thì anh dường như mất ăn mất ngủ.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.