.

Những giai điệu lịch sử

.

Những giai điệu lịch sử của các ca khúc Sài Gòn quật khởi, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Đất nước trọn niềm vui đã, đang và mãi mãi vang lên, gợi hào khí một thời của dân tộc.

Sài Gòn quật khởi

Nhạc sĩ Hồ Bắc
Nhạc sĩ Hồ Bắc

Nhạc sĩ Hồ Bắc kể: “Tôi viết Sài Gòn quật khởi trong không khí cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, ngồi ở Hà Nội, nghe tin quân dân ta nổi dậy, tôi cứ nghĩ vậy là miền Nam giải phóng đến nơi rồi”. “Khi đó, ông đã tới Sài Gòn lần nào chưa?”, tôi hỏi. Nhạc sĩ Hồ Bắc cười: “Lúc viết bài hát này, tôi chưa một lần tới Sài Gòn, thậm chí cũng chưa đặt chân lên chiến trường miền Nam”.

Hồ Bắc cho biết, lúc ấy, ông chỉ muốn viết cái gì đó để thể hiện tình cảm của mình. Và cảm xúc chợt ùa đến, đó là không khí cả nước ra trận, cảm xúc từ những năm 1950 đi chiến đấu vào giải phóng các thị xã của vùng Đông Bắc, rồi ước nguyện hòa bình thống nhất đất nước của mọi người dân… Tất cả những cảm xúc ấy cộng với nhiều tư liệu tích lũy khi đọc sách báo và xem phim tư liệu đã giúp ông chỉ sau một đêm hoàn thành ca khúc Sài Gòn quật khởi để sáng hôm sau gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau đó, ca khúc này được dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng với sự lĩnh xướng của hai giọng ca Kim Oanh và Tuyết Nhung.

Điều đặc biệt là nhạc sĩ Hồ Bắc không sinh ra và lớn lên ở thành đồng Tổ quốc mà ở vùng quan họ xứ Bắc. Ông sinh ngày 8-10-1930, tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cha ông là nhà báo tham gia cách mạng, mẹ cũng là con của một gia đình từng nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Những tháng năm tuổi thơ của Hồ Bắc gắn liền với ngõ xóm, đình làng và ông thích ca nhạc từ những ngày còn thơ bé. Đầu tiên là những làn điệu quan họ mượt mà của xứ sở Kinh Bắc, rồi đến những âm thanh của các gánh hát tuồng, chèo, cải lương về đình làng biểu diễn đã thấm dần vào tâm hồn, vào tuổi thơ của Hồ Bắc. 14 tuổi, cậu bé Hồ Bắc được bố mua cho cây đàn violon và tự mày mò học, rồi tập trung chơi các bản nhạc học lỏm được như Mielliom d’ Arlequin...

Xuất thân trong gia đình không ai theo nghề sáng tác âm nhạc, lại trong hoàn cảnh đất nước xảy ra chiến tranh, Hồ Bắc không được đào tạo âm nhạc một cách bài bản, ông tự học nhạc qua sách vở rồi tham gia cách mạng từ rất sớm.

Bây giờ, mỗi khi nhắc tới nhạc sĩ Hồ Bắc, người ta nhớ ngay tới những tác phẩm đi cùng năm tháng như: Ca ngợi Tổ quốc, Bến cảng quê hương tôi, Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông, Tổ quốc yêu thương, Sài Gòn quật khởi…

Cô gái Sài Gòn đi tải đạn

Lư Nhất Vũ sáng tác bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn năm 1968. Lúc đó, Hà Nội sục sôi lắm. Xung quanh các giao lộ, quanh hồ Hoàn Kiếm, người ta trương lên panô và bản đồ miền Nam từ Vĩnh Linh cho đến mũi Cà Mau. Rồi hằng ngày báo chí tường thuật các mũi tấn công đánh tới đâu. Loa cũng phát thanh rầm rộ lắm. Hà Nội trở thành hậu phương lớn.

Đợt một (từ ngày 30-1 đến 25-2-1968), cuộc tổng tấn công chấm dứt, ở Hà Nội nổi lên một số bài hát: Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân)... Ở chiến trường miền Nam, các nhạc sĩ - từ Trần Hoàn, Thuận Yến đến Lưu Hữu Phước, Phạm Minh Tuấn - đều sáng tác nhưng điều kiện lúc đó rất khó đưa ra hậu phương lớn để dựng và phát thanh. Vì vậy, các nhạc sĩ sáng tác ngay ở chiến trường và phục vụ trực tiếp các chiến sĩ, các đoàn dân công. Ở miền Nam, đường phố vang lên những bài hát Sài Gòn tiến quân (Nguyễn Đồng Nai), Cô du kích Đà Nẵng (Thanh Anh), Tiến về thành Huế (Trần Hoàn)...

Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong Ban cán sự Hội đồng hương Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong khí thế đấu tranh hừng hực như vậy, hội đồng hương họp mặt với cảm giác sôi sục hơn bao giờ hết.

Mọi người trong hội đồng hương hỏi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rằng, tại sao ông chưa có bài hát nào về Sài Gòn. Thế là ông quyết tâm phải viết một ca khúc xứng đáng với tình hình sục sôi, khí thế lúc đó. Ông nghĩ đến các cô gái thanh niên xung phong cùng thời với ông. Rồi ông nhớ đến những buổi nói chuyện về các cô thợ dệt, chị buôn gánh bán bưng, các em nữ sinh... Ông biết sau khi chiến dịch hoàn thành đợt một, nhiều người đã thoát ly ra chiến khu tải thương, tải đạn phục vụ chiến trường. Cô gái Sài Gòn đi tải đạn ra đời, với những giai điệu nhanh, ca từ dễ nhớ, dễ thuộc đã nhanh chóng đi vào lòng công chúng yêu nhạc.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng là người sống chết với phong trào cách mạng. Năm 1950, tròn 14 tuổi, ông cùng bạn bè tham gia phong trào Trần Văn Ơn, biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm và sự can thiệp của Mỹ. Tháng 4-1955, cậu học trò Nguyễn Văn Gắt (tên thật của Lư Nhất Vũ) tiếp tục tham gia cuộc biểu tình kéo từ cầu Ông Lãnh đến chợ Bến Thành do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu, đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève.

Sau lần biểu tình đó, ông theo đường bộ bí mật ra Bắc với gần 300 học sinh miền Nam tham gia lực lượng thanh niên xung phong, tham gia phục hồi kinh tế miền Bắc sau chiến tranh, phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, về xây dựng công trường nhà máy chè Phú Thọ, đi bộ về xây dựng nhà máy gỗ Cầu Đuống... Sau đó, ông được rút về đi học theo chính sách học sinh miền Nam cùng với các nhạc sĩ Tô Đông Hải, Trương Gia Mỹ, Phạm Minh Lộc... Học sáng tác ở trường nhạc, ông có các tác phẩm nổi tiếng: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca đất Phương Nam, Chú bé đi tìm cha (phim Đất Phương Nam), Tỳ bà khúc (phim Thanh gươm để lại), Lời ru sau cơn giông (phim Còn lại một mình), Tiếng đàn Thạch Sanh (phim Thạch Sanh - Lý Thông)... Những sáng tác thanh nhạc: Chiều trên bản Mèo (1961, hợp xướng), Hàng em mang tới chiến hào (1964), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Thống nhất Trung ương), Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Tiếng cồng vượt thác, Hòn Khoai (nhạc cảnh)…

Đất nước trọn niềm vui

Nhạc sĩ Hoàng Hà (tên thật là Hoàng Phi Hồng) và vợ hiện sống ở thành phố Vũng Tàu. Ở tuổi 80, hằng ngày ông vẫn ngồi bên chiếc máy tính đặt ở góc phòng, viết nhạc, in đĩa và lướt web.

Nhạc sĩ Hoàng Hà
Nhạc sĩ Hoàng Hà

Hồi ức về bài hát mãi xanh cùng năm tháng - Đất nước trọn niềm vui, nhạc sĩ Hoàng Hà kể: “Bài hát này tôi viết xong trong đúng một đêm (26-4-1975) tại căn lều nứa nhà tôi ở Yên Phụ, ven bờ Hồ Tây. Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng.

Viết xong Đất nước trọn niềm vui, ngay sáng hôm sau, Hoàng Hà mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn An là tổ trưởng tổ biên tập đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhà hát giao hưởng. Ca sĩ Trung Kiên được chỉ định thể hiện bài hát này. Nhạc sĩ Hoàng Hà tâm sự: “Tôi được dự buổi thu thanh đầu tiên đó. Nghe mà cảm phục anh Trung Kiên, làm sao lại có sự đồng cảm đến thế! Giọng hát của anh ấy đã thật sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất”.

Còn có một điều bất ngờ nữa, Hoàng Hà viết Đất nước trọn niềm vui khi ông chưa đặt chân đến Sài Gòn. Nhạc sĩ tâm sự: “Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt thấy Sài Gòn khi vào chuẩn bị tổ chức Hội diễn Hoa phượng đỏ cho thiếu nhi… Sở dĩ Đất nước trọn niềm vui được như thế, chính là kết quả của cả một quá trình tích lũy, gần thì phải kể từ cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thậm chí là trước nữa. Nhiều yếu tố cộng lại dần dần để rồi bùng phát ở một thời điểm”.

MAI HOÀNG
 

;
.
.
.
.
.