.

Trọn đời viết cho thiếu nhi

.

Nhắc tới nhà văn Phong Thu là nhắc tới những tác phẩm viết cho thiếu nhi, như Đi tìm việc tốt, Cây bàng không rụng lá, Bồ nông có hiếu, Xe lu và xe ca… Đồng thời, ông cũng là tác giả lời thơ của nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: Bác Hồ - người cho em tất cả, Sao Nhi đồng chăm ngoan, Năm cánh sao vui, Hoa thơm tặng chú thương binh…

Nhà văn Phong Thu với cuốn sách đầu tay “Đi tìm việc tốt” (NXB Kim Đồng in năm 1966).  					Ảnh: H.T.P
Nhà văn Phong Thu với cuốn sách đầu tay “Đi tìm việc tốt” (NXB Kim Đồng in năm 1966). Ảnh: H.T.P

Năm nay ở tuổi 80, nhà văn Phong Thu vẫn đều đặn viết. Sức khỏe và tuổi già không cho phép ông viết những tác phẩm dài hơi, mà chủ yếu là viết bài cho các báo. Đều đặn hằng tuần ông vẫn cặm cụi viết trên chiếc thùng gỗ trong căn phòng trên tầng 5 của khu tập thể cũ kỹ ở phố Trương Hán Siêu (Hà Nội).

1. Căn nhà nhỏ của Phong Thu được Trung ương Đoàn phân cho từ năm 1981, suốt từ đó đến nay là chốn đi về, là nơi ông gắn bó và các con lớn lên… Nhà văn Phong Thu kể rằng, ngày trước trẻ, khỏe, leo lên tầng 5 không vấn đề gì, thậm chí cũng là cách tập thể dục. Nhưng giờ tuổi già đến, tầng 5 nhiều khi lại thành “nhược điểm”. Mấy năm trước ông bị ốm, có khi cả tháng không bước chân xuống phố. Bây giờ sức khỏe trở lại, hằng tuần ông chầm chậm xuống 5 tầng lầu, đi bộ sang mấy tờ báo “gần gần” mà ông thường cộng tác. Để đỡ cho bạn bè phải gửi xe chạy lên tầng 5, Phong Thu còn làm riêng thùng thư đặt dưới gầm cầu thang tầng 1. Ông dặn tôi gửi gì cho ông thì cứ bỏ vào thùng thư là… yên tâm.

Nhà văn Phong Thu vốn cẩn thận, xuất phát từ những năm tháng ông làm nghề giáo ở vùng Mai Đà (Mai Châu, Hòa Bình). Sau này ông chuyển sang làm Báo Thiếu niên Tiền phong, sự cẩn thận lại càng là đức tính cần thiết.

Căn nhà tập thể nhỏ, ông dành riêng cho mình một phòng nhỏ nhất, chỉ chừng 4m2. Ở đó ngoài chiếc giường còn có chiếc giá sách với hàng ngàn tựa sách. Phong Thu thuộc lòng từng ô sách, chỗ nào là sách ông đang đọc; chỗ nào sách tham khảo, tra cứu; ô nào là những cuốn sách của ông; và góc nào là chỗ nào để lưu các tập bản thảo… Đến nay, ông vẫn giữ tờ báo Thiếu niên Tiền phong đăng bài báo đầu tay của ông ký tên Phong Thu. Cuốn sách đầu tiên Đi tìm việc tốt (NXB Kim Đồng, 1966) vẫn được ông để riêng trong túi nilon mà bất cứ ai muốn nhìn “vật chứng”, Phong Thu cũng có thể mang ra. Cuốn Đi tìm việc tốt được trả 7 đồng nhuận bút (hồi đó mua được… 23 bát phở ngon).

Phong Thu có thói quen giữ gìn cẩn thận tất cả những gì mình viết. Ông có thể nhắm mắt là lấy chính xác vật dụng mình cần. Trong “buồng văn” của ông còn có chiếc hòm gỗ xoan - vật bất ly thân, kỷ vật từ hồi ông còn làm thầy giáo - đã được Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam “chấm chọn” để lưu giữ. Chiếc hòm này cũng chính là chiếc bàn ông ngồi viết vào mùa đông hay lúc khuya đêm tĩnh lặng mà không muốn ảnh hưởng tới gia đình. Khi đó, ông đặt chiếc hòm ra giữa giường, ngồi xếp bằng mà viết.

Đến giờ này, thế kỷ 21 đã qua được 13 năm, con cái đã trưởng thành, sẵn sàng “đầu tư” cho bố cái máy vi tính, hay thậm chí là laptop nhưng nhà văn Phong Thu vẫn chung thủy với trang giấy trắng. Ông đặt tờ giấy than bên dưới, để mỗi lần viết xong có hai bản, một gửi đi và còn một để lưu, khỏi phải đi photo. Có những bài ông để hai lớp giấy than, để có thêm một bản lúc nào tiện sẽ nhờ con gái đánh máy vi tính. Dù viết tay nhưng bản thảo của ông “rất sáng”, bởi nét chữ đều tăm tắp.

2. Tuổi già nhưng hằng ngày nhà văn Phong Thu vẫn miệt mài viết báo. Viết với ông cũng là sự tập thể dục cho đầu óc thư thái, trẻ trung. Ngoài viết và cộng tác với các báo cho thiếu nhi như Nhi đồng, Chăm học,… nhà văn Phong Thu vẫn đều đặn cộng tác với nhiều tờ báo khác. Ông “thủy chung” nhất có lẽ là với tờ Hạnh phúc gia đình của Báo Phụ nữ Việt Nam. Mỗi tuần một số, mỗi số về một chủ đề, và đều đặn tuần nào ông cũng viết bài. Nhuận bút mỗi bài suốt mấy năm nay vẫn không đổi: 500.000 đồng, thành thử ngoài tiền lương hưu, mỗi tháng Phong Thu có thêm vài triệu đồng từ nhuận bút.

Nhà văn Phong Thu có 2 con gái và 1 con trai. Cả 3 con đều đã trưởng thành, công ăn việc làm ổn định và không ai… theo nghề văn cả. Tôi hỏi điều ấy có khiến ông buồn không thì nhà văn Phong Thu mỉm cười, trả lời không chút đắn đo: “Nói chung mình không suy nghĩ gì, cũng không buồn, không vui”. Rồi ông kể thêm: “Bây giờ sách của mình viết ra chỉ có con lớn đọc, các cháu giờ chả đứa nào đọc sách cả. Có nhuận bút cho các cháu thì chúng nó thích, đi đâu bảo ông là nhà văn thì nó tự hào, nhưng sách của ông thì nó không đọc. Có lần mình còn nhặt được sách tặng các cháu trong đống báo phế liệu”. Rồi ông an nhiên cười móm mém: “Mình chẳng buồn. Vì trẻ nó thích cái gì còn do nhiều yếu tố xã hội tác động”. Ông còn dành riêng một cuốn sổ để viết thơ tặng các cháu và đề từ: “Lúc nào nhớ cháu quá/ Ông lại ngồi làm thơ…”.

Chính sự lạc quan “biết mình, biết người” đó, ở tuổi 80, nhà văn Phong Thu vẫn bền bỉ viết. Ông bảo cả cuộc đời này ông chỉ viết và viết cho thiếu nhi là mảng đề tài ông yêu thích nhất. Bởi lẽ ở đó, tâm hồn ông luôn được trở về với tuổi thần tiên đẹp nhất của đời người…

Về cuốn sách mới Ước mơ viết văn viết truyện (NXB Kim Đồng) của ông để hướng dẫn các em viết văn, nhà văn này nói rằng, chỉ có một biện pháp là các thầy cô giáo dạy hay hơn, sách giáo khoa có tồi mà thầy giỏi thì dạy vẫn cứ hay. Ông nhấn mạnh: “Cảm hứng văn học phải từ nhà trường mà ra chứ không phải chỗ khác”.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.