.

Nghệ thuật âm nhạc chật vật tìm 'đất' sống

.

(ĐNĐT) - Nhiều thế hệ ca sĩ tên tuổi như Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý… đều có quê gốc Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng họ lại chọn mảnh đất khác để phát triển sự nghiệp. Phải chăng Đà Nẵng chưa thể là "điểm dừng lý tưởng" để các ca sĩ hướng đến, dù đây là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung?

Thiếu “đất” diễn

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, có các sân khấu ca nhạc chính là Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà biểu diễn đa năng, sân khấu ca nhạc thuộc Cung Thể thao Tiên Sơn. Tuy nhiên, các sân khấu này mỗi tháng "đỏ đèn" được bao nhiêu ngày? Mỗi năm có được bao nhiêu lần diễn ra các sự kiện âm nhạc lớn tại đây? Con số ắt sẽ làm nhiều người buồn lòng vì kể ra thì sẽ thấy khá hiếm hoi và quá ít so với 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ở Đà Nẵng, hiếm có nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, ngoài các đơn vị Nhà nước… Chỉ một số quán bar có tổ chức ca nhạc hằng đêm và thường mời các ca sĩ từ TP. Hồ Chí Minh ra, thi thoảng mời ca sĩ từ Hà Nội vào. Đơn vị tổ chức cũng “mạnh tay” mời các ca sĩ tên tuổi để thu hút khách. Tuy nhiên, khán giả của họ cũng chỉ là các thanh niên. Chính vì vậy, thị trường âm nhạc khó có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng người dân thành phố. Ca sĩ ở Đà Nẵng hiện giờ thiếu “đất” để biểu diễn, không thể sống được bằng chính giọng hát của mình. Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng, cho biết là nghệ sĩ mà không có nơi để diễn, hay lâu lâu mới có dịp được diễn thì ngoài việc không có thu nhập, họ ít có cơ hội tiếp cận đông đảo khán giả để “khoe” giọng hát của mình với mong muốn có thêm “fan” cổ vũ. Thêm nữa, không biểu diễn thường xuyên thì nghề nghiệp sẽ bị thui chột. Vì vậy, bất cứ ai muốn nghề nghiệp phát triển và muốn sống được bằng nghề đều phải tìm nơi khác thuận lợi hơn. Do đó, Đà Nẵng không phải là nơi họ chọn lựa để rèn luyện, nuôi dưỡng nghề nghiệp.

Cuộc thi  Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng.
Sau những cuộc thi âm nhạc lớn, những ca sĩ dần nổi danh lại chọn mảnh đất khác để phát triển sự nghiệp chứ không phải là Đà Nẵng. Trong ảnh: Cuộc thi Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Cùng chung quan điểm, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn nghệ - Thể thao, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, nhận định: Đà Nẵng không thiếu nhân tài nhưng bị “chảy máu” nhân tài. Dù thành phố cũng có các chính sách “chiêu mộ” ca sĩ về cống hiến, đã thu hút được một vài ca sĩ nhưng tạo môi trường để ca sĩ sống được bằng nghề thì Đà Nẵng chưa làm được.

Trong khi đó, hiện nay, tại Nhà hát Trưng Vương, các đêm nhạc diễn ra rất thưa thớt, có tháng không có đêm diễn nào. Nguồn thu của Nhà hát hiện đến từ việc cho các doanh nghiệp, các trường thuê để tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị..., còn để hoạt động âm nhạc thì rất ít. “Hai năm trở lại đây, các chương trình ca nhạc tại Nhà hát chỉ diễn ra lèo tèo, “bầu sô” than lỗ do không bán được vé, tự bản thân Nhà hát cũng không dám đứng ra tổ chức chương trình vì sợ không có khán giả đến xem. Chúng tôi rất muốn ngày nào Nhà hát cũng "đỏ đèn" nhưng thật sự rất khó”, ông Hoàng Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Nhà hát Trưng Vương thừa nhận.

Được biết, các cơ quan chức năng đã tạo nhiều sân chơi âm nhạc để phát hiện và phát triển nhân tài âm nhạc như chương trình Nhịp điệu tuổi thơ, Sao mai... nhưng rồi khi có chút ít tiếng tăm, các ca sĩ lại về miền đất khác sinh sống, bởi lẽ sân khấu ở Đà Nẵng “hiu hắt” như vậy thì ca sĩ chắc chắn sẽ đắn đo rất nhiều khi về đây biểu diễn. Thi thoảng lắm mới có những liveshow ca nhạc của những ca sĩ nổi tiếng, thu hút sự quan tâm và ái mộ của khán giả như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn, Quang Hào..., song những liveshow này trong cả năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khán giá "khó tính"?

Cách thưởng thức âm nhạc của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân miền Trung nói chung thường khắt khe hơn nhiều so với miền Nam. Đây cũng là một "thách thức" đối với những ai muốn phát triển sự nghiệp ca hát tại Đà Nẵng.

“Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn để nhận được tiếng vỗ tay của khán giả Đà Nẵng không hề dễ. Đó phải là bản nhạc hay, sâu sắc, chứ không hời hợt, chỉ mang tính giải trí”, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh nói. Thêm vào đó, “văn hóa hâm mộ” của người dân Đà Nẵng dường như kín đáo, trầm lắng hơn so với người dân miền Nam. “Khi phấn khích vì một tiết mục hay, tôi để ý thấy khán giả không bộc lộ niềm yêu thích mạnh mẽ, họ chỉ vỗ tay nhẹ chứ không vỗ mạnh hay có những hành động quá khích”, Nguyễn Lê Na (ở quận Hải Châu), một khán giả thường xuyên của Nhà hát Trưng Vương cho biết.

Sự trầm lắng của người dân Đà thành phần nào làm giảm cảm xúc “sung” của người nghệ sĩ trên sân khấu. Hơn nữa, nhiều người dân vẫn chưa “hào phóng” với việc phải bỏ tiền ra để thưởng thức âm nhạc. Theo chia sẻ của một nhân viên làm việc tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, khi có sự kiện âm nhạc nào diễn ra, bạn bè thường điện thoại để xin vé vì nghĩ "người nhà đài” sẽ có vé mời, chứ không bỏ tiền ra mua dù họ không khó khăn về tài chính. “Đà Nẵng cũng có Đoàn ca múa và Đoàn có Nhà hát Trưng Vương khá thuận lợi để biểu diễn, nhưng ít khi bán hết vé, số ngày "đỏ đèn" không nhiều”, nhạc sĩ Thái Nghĩa chia sẻ. Bổ sung về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Chiến cho biết, do hạn chế "đất" diễn, khán giả ít nên các tụ điểm ca nhạc đã “đẩy” giá vé lên nhằm mong có đủ chi phí. Riêng giá vé ca nhạc của Nhà hát Trưng Vương dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng/vé, đêm diễn có “ngôi sao” thì cao hơn, có khi lên đến 1 triệu đồng/vé. Với thu nhập chưa cao của nhiều người dân Đà Nẵng hiện nay, họ chưa “thoải mái” khi bỏ tiền ra để thưởng thức âm nhạc.

Những nguyên nhân trên khiến hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng vẫn chưa thể khởi sắc. Người dân thành phố vẫn trông đợi ở sự thay đổi trong hoạt động âm nhạc từ các nhà tổ chức, đem lại luồng sinh khí mới cho đời sống tinh thần của họ. Trong khi đó, nhà tổ chức, những người trực tiếp biểu diễn lại mong người Đà Nẵng "khoáng đạt" và "chịu chi" hơn để tham gia những chương trình ca nhạc tại thành phố. Có như vậy, ca sĩ dễ có "đất" diễn và quan trọng là họ sẽ tìm thấy được một lượng khán giả đông đảo, đủ để tôn vinh lao động nghệ thuật của họ một cách xứng đáng và trân trọng.

Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.