Anh Đức - tác giả của Hòn Đất - cũng như phần lớn các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến đều tự học, được lớp đàn anh chỉ dẫn rồi tìm ra “ngón nghề” trong văn chương. Ông cho rằng, trong thời đại nào thì nhà văn cũng không thể đứng ngoài cuộc sống.
Cảnh trong phim Hòn Đất, được dựng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức. |
* Từ truyện ngắn đầu tay Chuyến lưới máu, tuy còn đơn sơ nhưng người đọc lúc đó đã thấy manh nha một cây bút trên đường tới chuyên nghiệp, đó là lối kể nhẩn nha, ngôn ngữ chọn lọc và cốt truyện gọn… phải không, thưa nhà văn Anh Đức?
- Tôi viết những truyện ngắn đầu tay trong chiến khu miền Tây Nam Bộ vào những năm sau Cách mạng tháng 8. Ngày đó, sách báo rất hiếm nên có tờ báo đăng truyện là tôi đọc bằng hết, rồi viết những chuyện xảy ra trong các làng ấp mình được chứng kiến. Viết về những chuyện mình biết, những con người thân thuộc dễ cho mình cảm hứng tìm được chi tiết văn học sống động. Ngược lại, viết những chuyện xa xôi sẽ gượng gạo, bạn đọc nhận ra ngay và họ sẽ không tin.
* Các cây bút văn xuôi Việt Nam dường như đều khởi nghiệp bằng truyện ngắn. Theo ông, điều quan trọng nhất của truyện ngắn là gì?
- Ngoài nghệ thuật bố cục, chữ nghĩa, truyện ngắn đòi hỏi tính nghiêm ngặt, ngay từ câu mở đầu đã phải đưa người đọc vào chuyện chính, đoạn mở đầu phải làm sao có cách kể thong dong, nhưng không chậm chạp, cuốn hút người đọc nhưng không hấp tấp, để dẫn tới cái kết bất ngờ. Và điều vô cùng quan trọng là phải có chi tiết đặc sắc, nếu không có chi tiết, truyện sẽ nghiêng về thể ký, mà thực tế, ký cũng cần có bố cục chặt chẽ. Chính nhà văn Đoàn Giỏi, người thầy đầu tiên của tôi, đã dặn: “Truyện ngắn có rất nhiều kỹ thuật, kỹ xảo, khi mình viết phải chú ý tới kịch tính, vô đầu cần phải tạo được không khí, rồi sự thắt nút, mở nút, từ từ hay đột ngột đều do mình tính theo tình huống của truyện. Lại còn phải lo đến cái kết, có hậu hay không có hậu...”. Đó là điều không bao giờ xưa cũ.
* Đọc truyện ngắn Anh Đức thấy truyện nào cũng có lối kể thong dong, chậm rãi như giọng kể của người Nam Bộ ở miệt vườn. Ở các truyện Cái bàn bỏ trống, Người góa phụ phố Sinh Từ..., giọng đặc trưng Nam Bộ nhưng hành văn, ngôn ngữ dẫn truyện là tiếng phổ thông.
- Điều kỳ diệu của nước ta là ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng một cách điêu luyện và thống nhất từ Nam đến Bắc. Tuy vậy, để thể hiện tính cách nhân vật, địa bàn sinh sống và để câu chuyện sinh động... thì tác giả phải cho nhân vật nói giọng từng vùng quê, nhưng đừng quá lạm dụng phương ngữ, đặc biệt phải phân biệt được tiếng nói trại với phương ngữ.
* Ở cấp độ nào đó, đóng góp của Anh Đức cho văn học Việt Nam còn là ngôn ngữ, với những trang văn đẹp và nhân vật có tính cách...
- Trong khi viết, điều quan trọng với tôi là phải khắc họa được tính cách nhân vật. Tôi từng tâm niệm, điều quan trọng nhất đời văn, theo tôi, là phải cố khắc họa được nhân vật, để lại được nhân vật trong lòng người đọc với độ bền thời gian.
* Và bây giờ, khi đời văn Anh Đức có lẽ đã được đúc kết, có thể thấy ông đã làm được phần nào điều đó, nhiều nhân vật từ trang văn của ông đã bước ra với đời như chị Sứ, chị Tư Hậu, chị Lộc... Các nhân vật đều là phụ nữ, phần nhiều nhân vật ấy đều có thực trong cuộc đời, được nhà văn tái tạo qua trang viết?
- Trong cuộc kháng chiến vừa qua, hiện thực vô cùng lớn lao, con người dễ bộc lộ phẩm giá của mình. Tôi may mắn được sống trong cuộc chiến đấu của nhân dân ở Nam Bộ, được chứng kiến những anh hùng, trong đó có nhiều phụ nữ với lòng nhân hậu, quả cảm, hy sinh vì sự nghiệp lớn của dân tộc.
* Tiểu thuyết của Anh Đức thường lấy bối cảnh của một vùng quê, một cuộc chiến đấu, có khi kéo dài mấy năm ròng, như Hòn Đất. Bản thân tôi và chắc chắn nhiều người cùng thế hệ bây giờ đọc Hòn Đất vẫn xúc động. Phải chăng, tiếp nhận văn chương cũng cần có cảm hứng trải nghiệm, hay nói nôm na là vốn sống của người đọc?
- Hòn Đất cũng như phần lớn tiểu thuyết thời bấy giờ nghiêng về lối kể chuyện, thuật chuyện truyền thống, nghĩa là tuần tự lớp lang, xung đột phân thành hai tuyến, ta và địch, yêu ghét rõ ràng, tính cách nhân vật khá ổn định. Tiểu thuyết cung cấp cho người đọc một mảng hiện thực về cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam ở vùng Hòn Đất, thuộc tỉnh Kiên Giang.
Tác phẩm văn học quan trọng còn ở nội dung. Tất nhiên, nghệ thuật cũng quan trọng không kém. Thời chiến tranh, nhà văn viết để phục vụ cuộc chiến đấu của nhân dân. Bộ đội và các lực lượng khác chiến đấu ngoan cường, hy sinh cho công cuộc giải phóng đất nước, nhà văn làm sao đứng ngoài cuộc được. Mà bây giờ cũng vậy thôi, nhà văn chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính cuộc sống của nhân dân sẽ tạo cho nhà văn nguồn sáng tạo vô tận.
Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông gắn bó với công việc viết văn và nghề làm báo với chức vụ: Tổng Biên tập Báo Văn nghệ giải phóng; ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, có thời gian Anh Đức là ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập tạp chí Văn... Ông từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học. |
QUỐC NGUYỄN thực hiện