.

Snowden - từ hiện thực đến màn ảnh

.

Câu chuyện Edward Snowden chạy trốn sự truy lùng của Mỹ được cho sẽ là nhân vật hình mẫu để Hollywood khai thác và dựng thành phim.

Edward Snowden							Ảnh: Reuters
Edward Snowden. Ảnh: Reuters

Đến nay đã có 3 nước đề nghị cho Snowden tị nạn, bao gồm Venezuela, Nicaragua và mới nhất là Bolivia. Trong lúc này, anh vẫn bị mắc kẹt ở sân bay quốc tế Sheremetyevo của Mátxcơva. Chưa rõ phản ứng của Snowden đối với những đề nghị mới của ba nước Mỹ Latinh và tung tích của anh hiện biệt tăm. Một trong những quốc gia mà anh có đơn xin tị nạn và kỳ vọng nhất là Ecuador vẫn chần chừ, chưa có câu trả lời chính thức; còn hầu hết trong số hơn 20 nước khác thì lắc đầu.

Mọi việc xuất phát (hay nói cách khác là cuốn phim của Hollywood về “người hùng” Snowden sẽ xuất phát) từ quyết định của Snowden bỏ cô bạn gái làm nghề múa cột ở Hawaii để sang Hong Kong vào ngày 23-6 vừa qua, bắt đầu cuộc trốn chạy. Lý do là anh đã làm lộ bí mật chương trình giám sát qua điện thoại và Internet của Cơ quan An ninh quốc gia (Mỹ) - hành động như “quả bom” phát nổ mà Washington gọi là “không thể dung thứ”. Với những người chống lại hành động nghe lén của Mỹ, Snowden là “người hùng”. Còn với Chính phủ Mỹ, anh là “kẻ tội đồ”.

Đưa ra quyết định trên, Snowden cũng từ bỏ mức lương 122.000 USD của nhà thầu Booz Allen, một cơ quan thuộc NSA. Lý giải của anh chỉ đơn giản rằng: “Tôi không muốn sống trong một thế giới mà mọi thứ tôi làm và nói đều bị thu lại”.

Giới chức Mỹ đang lo lắng, quan ngại Snowden có thể đã đánh cắp nhiều hơn tài liệu so với con số mà các quan chức đưa ra lúc đầu, đồng thời sợ nếu Snowden liên minh với nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange sẽ làm tăng khả năng thông tin được công bố mà không xem xét các tác động tới an ninh.

Điều mà nhiều người không thể ngờ tới, đó là “kẻ tội đồ” của Mỹ, người khiến Nhà Trắng phải đau đầu, lúng túng, không hề có bằng cấp chính thức nào, thậm chí anh chưa tốt nghiệp phổ thông chỉ có được một tấm bằng vi tính thông thường.

Snowden trưởng thành ở Elizabeth City, Bắc Carolina; sau đó chuyển đến sống ở Maryland, gần trụ ở NSA. Năm 2003, anh tham gia quân đội Mỹ, được huấn luyện trong lực lượng đặc biệt. Song, trong một tai nạn, anh bị gãy chân và phải rời quân đội.

Snowden làm nhân viên an ninh về IT cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Tuy không có bằng cấp, nhưng kỹ năng máy tính đầy ma thuật khiến Snowden nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nhân viên tình báo. Năm 2008, Snowden chuyển sang làm việc cho NSA, cụ thể là làm nhân viên của nhà thầu khổng lồ Booz Allen.

Với những gì đang diễn ra, Hollywood hoàn toàn có thể có được một bộ phim ăn khách, bởi chỉ riêng việc Snowden ẩn náu được ở sân bay Sheremetyevo suốt hai tuần qua cũng đủ làm nhiều người tò mò, tự hỏi làm sao anh có thể vượt qua hàng rào an ninh dày đặc như thế. Dù Mỹ lùng sục như thế nào thì khu vực quá cảnh ở Terminal F - một hành lang dài 1,6km, không hề có bóng dáng anh. Mỹ bất lực, Nga bối rối, thậm chí còn tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi vì một người ít có ảnh hưởng chính trị mà quan hệ giữa Mátxcơva - Washington có thể bị rạn nứt…

Hong Kong đã có một bộ phim ngắn về Snowden và thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Vì vậy, nhiều người đang chờ đợi “kẻ phản bội nước Mỹ” sẽ lên màn ảnh của Hollywood như thế nào. GS Robert Thompson, học giả về văn hóa đại chúng của ĐH Syracuse, bang New York, cho rằng: “Bộ phim sẽ mô tả hình ảnh Snowden không phải người hùng, cũng không phải tội đồ, mà là một câu chuyện nước Mỹ hết sức hiện đại”.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.