.

Thơ trào phúng Trần Tế Xương: Cười đó rồi khóc đó

.

Yếu tố trào phúng và trữ tình trong thơ Trần Tế Xương thường đan xen nhau, trong cái này luôn có cái kia và ngược lại.

Tú Xương (Tranh của họa sĩ Trần Quang Trân vẽ sau khi ông Tú mất khoảng 20 năm) 						              (Ảnh tư liệu)
Tú Xương (Tranh của họa sĩ Trần Quang Trân vẽ sau khi ông Tú mất khoảng 20 năm) (Ảnh tư liệu)

Những bài nghiên cứu về Tú Xương, nhất là của các nhà thơ, nhà nghiên cứu có uy tín như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Trần Thanh Mại, v.v… đều dành bút lực tập trung khai thác nhiều phần trữ tình, phần đau thương, xót xa của Trần Tế Xương trước thời cuộc mất nước và cảnh nghèo khổ, bần cùng của bản thân. Nhưng có điều lạ, đông đảo độc giả lại nhớ Tú Xương nhiều hơn với tư cách nhà thơ trào phúng, họ thường vận dụng các câu thơ có tính nghịch cảnh, nghịch lý, gây cười của ông. Như vậy, trong văn hóa đại chúng, người đọc nhìn Tú Xương với tư cách nhà thơ trào phúng, còn trong văn hóa hàn lâm, người ta khai thác sâu vị thế nhà thơ trữ tình của ông.

Nhìn một cách khái lược, trong thơ trào phúng luôn có những yếu tố đi cùng đại chúng, thời cuộc; còn thơ trữ tình hay đi với những điều nghiêm chỉnh, nghiêm ngắn. Khi thời cuộc có nhiều nghịch lý, lố bịch và vô lý trong đời sống, những người sáng tác, nhất là sáng tác dân gian, thường chĩa ngòi bút vào và khai thác các mặt đen trắng, mâu thuẫn đó thành tiếng cười. Do đó, người ta tổng kết, khi trào phúng phát triển, xã hội thường có những rối loạn, loạn chuẩn; khi trào phúng ít đi, nói chung xã hội đạt được sự nghiêm túc, căn cơ. Điều này nếu áp vào thời của Tú Xương, sau Hiệp định 1884, triều đình Huế nhường toàn bộ quyền quản lý cho Pháp, nước ta mất hoàn toàn vào tay thực dân, từ đây sản sinh ra một tầng lớp mới là đám công chức đi làm cho Pháp, nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở thành thị. Cùng với đó là lối sống mới, nhân sinh quan mới mâu thuẫn với triết lý nhà Nho. Tất cả những điều này kích thích Tú Xương sắc sảo nhìn ra các mặt đối lập đó. Tất nhiên, bên cạnh Tú Xương còn có những cây bút khác, có thể tài không bằng ông, nhưng cũng tạo ra sự đồng thanh tương ứng. Đây là thời kỳ đề tài chế giễu, bài bác, đả kích rất phát triển.

Cười người và cười mình

Thơ trào phúng của Tú Xương rất phong phú, vì nó là tấm gương soi chiếu cuộc đời nên cuộc đời có gì thì nó hiện lên, không phân biệt đề tài lớn, nhỏ. Hễ chúng đụng vào tâm hồn, trái tim, tư tưởng của Tú Xương thì ông đều tìm ra tiếng cười đả kích. Tuy nhiên, nhìn một cách hệ thống, ta có thể hình dung về hai mảng đề tài lớn trong thơ trào phúng Tú Xương. Trước hết là cảnh đời, xã hội khách quan. Ở đó, ông tìm ra những điều trái đạo lý như chuyện nhà sư phá giới, tằng tịu với đệ tử, chuyện những kẻ dốt nát lại được làm quan, việc thi cử và thái độ ngạo mạn của bọn thực dân, những suy vi thoái trào của đạo học và nền nếp Nho giáo.

Mảng đề tài thứ hai khá nổi bật trong thơ Tú Xương là tinh thần trào lộng, tự giễu cợt. Biết tự cười mình luôn là bản lĩnh rất lớn và ngạo nghễ của những người có cá tính. Với Tú Xương, ông tự thấy bản thân có những nghịch lý để tự trào. Ông là người thông minh, có tài thơ văn, nhưng thi mấy lần cũng chỉ đỗ đến tú tài, đạt được cái bằng cũng không dùng để đi làm mà chỉ là thứ ghi nhận một nấc thang học vấn. “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ”, ông tự giễu mình, tự lấy mình ra sỉ vả, và vì không động chạm đến ai nên ông thường phóng to nhược điểm của mình. Qua đó cho thấy, trong những nghịch lý này có lỗi của thời đại, xã hội. Chẳng hạn, ông không có nhiều quần áo, chỉ có một tấm áo bông rất đẹp. Do đó, khi phải tiếp khách, dù trời nóng phát sốt, ông vẫn phải mặc áo rét. “Bức sốt mà mình vẫn áo bông - Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không”. Cảnh đó thật buồn cười, nhưng sau cái cười là sự thương cảm với thân phận nhà thơ nghèo khổ.

Rồi chuyện Tú xương phải lo việc nhà để vợ đi buôn bán kiếm tiền. Mặc dù không giỏi việc gia chánh nhưng vì không biết kiếm tiền nên Tú Xương phải ở tư thế “làm vợ” với những câu tự giễu mình như: “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó - Quắc mắt khinh đời cái bộ anh”. Ra đời thì quắc mắt coi thường mọi người vì ỷ thế là người có tài, nhưng về nhà vẫn phải nịnh vợ vì kinh tế do vợ nắm. Mà thời đồng tiền làm chủ thì kinh tế quan trọng lắm, nên vẫn phải “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó” là thế.

Cái hay ở Tú Xương là đằng sau việc ông tự giễu ông nhà Nho, ta thấy cả một đạo học suy vi. Thời trước là “duy hữu độc thư cao”, chỉ người đọc thánh hiền mới đáng được coi trọng, thì bây giờ không còn như vậy nữa. Thậm chí có lúc ông coi mình như một thứ ăn hại, như đứa con trong số những đứa con bà Tú phải nuôi. Không ai lấy chồng cộng với con thành một nhóm như Tú Xương đã viết trong bài Thương vợ.

Ông tổ của thơ trào phúng

Đầu thế kỷ XX, năm 1907, Tú Xương tạ thế. Hai năm sau, năm 1909, Nguyễn Khuyến tạ thế. Đây là hai nhà thơ cổ điển cuối cùng của nền văn học kéo dài suốt 10 thế kỷ viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Nhưng người ta thường xem Nguyễn Khuyến là tác gia cuối cùng kết thúc cho một dòng văn học theo lối văn chương cử tử, thì với Tú Xương, tác phẩm của ông lại được liệt vào hàng những tác phẩm mở đầu cho một luồng gió mới, đại diện cho tâm tư, tình cảm của lớp người mới, những thị dân sống ở thế kỷ XX.

Tú Xương xuất hiện trong hai tư cách: nhà thơ trữ tình và nhà thơ trào phúng. Lẽ dĩ nhiên, không thể phủ nhận phần đóng góp rất lớn của ông ở mảng thơ trữ tình, nhưng cái làm quần chúng nhớ tới ông nhiều hơn chính là tư cách nhà thơ trào phúng.

Tú Xương, bằng những tác phẩm trào phúng để đời của mình như Năm mới chúc nhau, Đất Vị Hoàng, Lễ xướng danh, Thói đời…, đã góp phần khai sinh một dòng thơ mới, mà kế đó là một loạt nhà thơ trào phúng bắt chước tên Tú Xương như Tú Mỡ (nhà thơ trào phúng viết bằng chữ quốc ngữ), Tú Nạc, Tú Sụn, Tú Sót, Tú lơ mông (đọc theo tiếng Pháp, có nghĩa là tất cả mọi người). Đánh giá về thành công của một tác giả thơ, có thể có nhiều tiêu chí, nhưng việc có những người bắt chước cách viết của nhà thơ ấy cũng có thể coi là một trong những tiêu chí nhận diện. Như vậy để thấy sức ảnh hưởng rất lớn của Tú Xương đã thúc đẩy sự ra đời của cả một dòng thơ trào phúng hiện đại, khởi đầu là Tú Mỡ. Việc tìm ra tình huống hài hước và tìm ra ngôn ngữ miêu tả đắc địa những tình huống ấy đều là những sở trường của dòng thơ trào phúng xuất phát từ Tú Xương. Cố nhiên sau này có rất nhiều biến hóa, có thêm đóng góp của các nhà thơ hiện đại, đương đại, nhưng cú hích đầu tiên là ở Tú Xương. Và hiện nay, ít người nhắc tới tên thật, tên ghi trong khai sinh của ông là Trần Kế Xương (hay Trần Tế Xương) mà thường gọi là Tú Xương, đó là cách gọi đại chúng, cũng như cách ta gọi những ông tuần, ông cử, ông phủ, đó là cách gọi của dân gian. Gọi Tú Xương là gọi theo cách gọi dân gian, đó là cách gọi để ghi nhận mạch thơ trào phúng của ông. Có thể thấy, trào phúng chưa phải là mạch chính của Tú Xương, nhưng sự ảnh hưởng lớn của ông trên văn đàn lại chính là dòng mạch này. Và đây sẽ là vấn đề cần được giải thích kỹ hơn để có thể nối được giai đoạn từ cổ điển sang hiện đại, đương đại, để thấy sự chuyển đổi giữa các trào lưu văn học như thế nào.

Nói về đề tài, có lẽ cũng nhiều người như Tú Xương đã khai thác tiếng cười từ những chệch choạc, nhố nhăng trong xã hội và tự cười nhạo chính mình để nói lên những thói tật của đời sống. Nhưng về mặt nghệ thuật, Tú Xương đã tạo nên được một giọng điệu rất riêng bởi cá tính độc đáo của mình.

Trước hết, ông tạo nên được những tình huống, tình thế đặc biệt. Chẳng hạn trong câu “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt - Dưới dân ông Cử ngỏng đầu rồng”. Bà đầm vợ ông quan Tây đến dự lễ xướng danh thì ngồi trên ghế. Các ông quan thời đó ở dưới sân. Khi đọc xướng danh, phải lạy thiên tử. Khi người đỗ - tiêu biểu cho đạo học - lại ở dưới thấp và cúi lạy bà đầm - tiêu biểu cho bọn thống trị, ngồi ở chỗ cao thì Tú Xương lại chỉ lia cái ống kính của mình quay cận cảnh. Cái đứa ngồi ông chỉ quan tâm tới cái mông của nó. Còn người quỳ ở dưới, ông chỉ quan tâm tới cái đầu. Vậy tình thế ở đây là anh thống trị - anh bị trị, anh vô học - anh có học, cái đít vịt - cái đầu rồng, đó là cái đáng gây cười. Còn thái độ được biểu lộ qua chữ “ngỏng”, đó là chữ rất nghịch ngợm của Tú Xương. “Bà ngoi - ông ngỏng”, hình ảnh đó khiến sân khấu của lễ xướng danh thành ra như trò hề không ra đầu đuôi gì cả.

DƯƠNG KIM THOA
 

;
.
.
.
.
.