.

Từ khúc ca xưa

.

(…) Biển Iwami mênh mông
Bên mũi Kara
Giữa những tảng đá ngầm
Cỏ miru mọc sâu dưới biển
Nơi đây dọc bờ đá lởm chởm
Cỏ biển mọc mượt mà
Như cỏ biển đong đưa
Nàng nằm bên tôi ngoan ngoãn
Vợ tôi, người mà tôi yêu
Với một mối tình thương yêu
sâu sắc
Như cỏ miru ngày một lớn lên mọc sâu dưới biển…

Chương trình Cầu nguyện cho Nhật Bản ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) sau thảm họa động đất, sóng thần vào tháng 3-2011. Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Chương trình Cầu nguyện cho Nhật Bản ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) sau thảm họa động đất, sóng thần vào tháng 3-2011. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Đó là một “Bài ca của lính biên phòng (Sakimori)” in đậm dấu ấn trong tổng tập thơ Nhật ra đời từ thế kỷ VIII (Manyoshu - Vạn diệp tập). Lời thơ sao mang những nỗi niềm tương liên kỳ lạ với những tâm hồn Á Đông khắp từ Trung Hoa đại lục đến miền Nam Đảo, Đông Nam Á. Đặc biệt là ở đoạn  thơ này:

(…)
Tiếng hạc kêu
Đêm đêm từ biển vắng
Ngoài khơi
Sương mù bay lẳng lặng…
Những lúc thế này lại nhớ
quê hương.

Làn sương lãng đãng kia gợi nhớ quê hương, nào khác chăng sương miền biên viễn trong thơ Đường, và loài cỏ miru như bóng cây dâu in trong mắt người thương khi giã biệt: “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ ngàn dâu xanh ngắt một màu/ lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?…”. “Phòng nhân ca” quả có gì đó rất gần gũi với “Chinh phụ ngâm”, một áng thơ trác tuyệt của người Việt.

Mang niềm yêu da diết với bóng hình quê hương, và có thể bắt đầu bởi một mái chùa, một loài hoa cỏ, một dáng người thương, người Nhật đi khắp chân trời góc bể luôn để lại dấu ấn ấy. Không rõ tự bao giờ, loài cỏ Nhật, bèo “Nhựt Bổn”… lang thang trên những nẻo đường đất Việt, đã thành thứ cây cỏ quen thuộc với cư dân bản địa. Cỏ miru và hình ảnh người yêu đã tạc góc cạnh nào lên bi ký và mộ địa của những kiều dân Nhật ở xứ người? Mộ người Nhật đấy, trên vùng đất Trường Lệ - Hội An, vẫn lưu vết “dấu sương bay lẳng lặng”. Bi ký ở chùa Non Nước đấy, lưu mối tình “thương yêu sâu sắc” giữa những thương nhân người Nhật và những người con gái Việt. Một dòng chảy ngược của biển cả lại đưa những mỹ nhân, cô dâu Việt đặt chân lên xứ sở hoa anh đào và mang theo niềm “nhớ quê hương” tạc lên đền chùa xứ Nagasaki. Công chúa Ngọc Vạn theo bước Mộc Tôn Thái Lan (Araki Sotaro, dòng dõi võ sĩ - Samurai) về Nagasaki vẫn giữ gìn tấm gương soi đem từ cố quốc. Lời nàng gọi chồng sao mà tha thiết với hai tiếng “Anh ơi!” để rồi không ai nhớ nàng được đặt tên Nhật là Okakutome mà chỉ gọi là Anio (phiên âm: anh ơi).

Chùa Cầu - kiến trúc mang đậm nét văn hóa Nhật Bản. Ảnh: P.
Chùa Cầu - kiến trúc mang đậm nét văn hóa Nhật Bản. Ảnh: P.

Câu chuyện ấy xảy ra từ thế kỷ 17, là lúc khu phố Nhật đã sinh thành trên mảnh đất Hội An, nay đã ngót 400 năm. 4 khu phố của người Nhật trên đất Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Campuchia, giờ chỉ mỗi Hội An còn lưu vết khá rõ, thậm chí đã trở thành biểu tượng của di sản văn hóa thế giới này. Đó là chùa Cầu. Đó là màn sương huyền ảo trên những con đường, những căn nhà cổ. Phố Nhật ở Hội An được chúa Nguyễn cho đặc quyền tự trị bên cạnh khu phố Khách, và can dự vào công cuộc hình thành thương cảng quốc tế phồn thịnh với sự giao lưu trao đổi hàng hóa. Sử còn ghi năm 1632, hai tàu Nhật từng đem 300.000 lạng bạc đến đây để mua hàng hóa, và hằng năm người Nhật mang từ 4 - 5 triệu nén bạc đến Hội An mua lụa, một nửa số tàu Nhật buôn bán với Đông Dương đều ghé Quảng Nam (trung tâm thương mãi lớn của xứ Đàng Trong). Như thế không chỉ là sự gặp gỡ ở những tâm hồn đồng điệu mà còn ở giá trị thương mãi mà người Việt, người Nhật đem đến cho nhau.

Tiếc thay, sau đoạn mở cửa, mối tình Việt - Nhật bị chiến tranh ly loạn làm ngắt quãng. Và phải chờ đợi khá lâu để người Nhật trở lại Hội An vào những năm 90 của thế kỷ trước với những dự án trùng tu phố cổ. Ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật được tổ chức từ năm 2003, nay đã đến lần thứ VI, đánh dấu một chặng đường mới, duyên kết mối tình từ quá vãng đến hôm nay, mai sau…

Đàm đạo trong im lặng bên những chén trà sương buổi sớm, gấp nếp cuộc đời theo những tấm giấy với nghệ thuật Origami, thổi hồn vào đất những trò chơi trẻ thơ, kể tiếp truyền thuyết về Kadoya Shichibe, hay lãng đãng với tranh của Goto Katsumi đầy “sương mù bay lẳng lặng” trên phố cổ Nhật Bản và phố cổ Hội An… Đó là cách viết tiếp khúc ca xưa cho sự hòa quyện những tâm hồn Việt - Nhật trong mối tình miên viễn…

4 khu phố của người Nhật trên đất Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Campuchia, giờ chỉ mỗi Hội An còn lưu vết khá rõ, thậm chí đã trở thành biểu tượng của di sản văn hóa thế giới này. Đó là chùa Cầu. Đó là màn sương huyền ảo trên những con đường, những căn nhà cổ. Phố Nhật ở Hội An được chúa Nguyễn cho đặc quyền tự trị bên cạnh khu phố Khách, và can dự vào công cuộc hình thành thương cảng quốc tế phồn thịnh với sự giao lưu trao đổi hàng hóa.

NGUYỄN HỮU ĐỒNG

;
.
.
.
.
.