1. Đôi khi tôi không có khái niệm khác biệt giữa sống hay không sống, hay chỉ tồn tại. Ở hình thức nào thì sống cũng là một tinh thần tồn tại hiện hữu và vĩnh cửu. Sống, đó là một bầu không khí để thở, một không gian để hòa mình, một ý niệm để tồn tại, một bản ngã để đắm vào đó mà suy nghĩ đến kiệt cùng. Đôi khi, sống với tôi là một khái niệm khó khăn để cắt nghĩa. Sống không phải là chuyện dễ dàng cho bất kỳ ai đang hiểu và trải nghiệm nó đến tuyệt đối bởi suy cho cùng chẳng có ai trên đời này biết trước tương lai của sống, và con đường sống, thời gian sống, cảm xúc sống, bản chất sống của chính mình đến kiệt cùng. Không có ai nói rằng tôi đã trải nghiệm hết khái niệm sống, ngoại trừ những linh hồn đã thoát khỏi thể xác và bay đi trong vĩnh hằng. Sống với tôi là quá trình tiến hóa khó khăn. Nó chứa đựng sự lãng mạn hơn bất kỳ sự lãng mạn nào đó, nhưng nó cũng là cảm giác của một đường hầm tối sâu không có đích, dẫn bước chân ta không cưỡng lại được, cứ thế mà thăm thẳm bước.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
2. Tôi từng không hiểu tại sao một nghệ sĩ lớn nhưng cũng đầy yếm thế trong những năm tháng cuối đời như NSND Đào Mộng Long đã hát những giai điệu Pháp rất vui tươi trong một buổi sáng mùa đông đầy nắng khi lê bước ra mở cửa cho tôi với một cuộc hẹn hiếm hoi trong thưa thớt những hẹn hò bạn hữu. Tại đời sống không cho phép ông thoát khỏi khuôn giường kia, cánh cửa kia để lang thang với bạn hữu. Ông gần như không đi được nữa, hơi thở của ông mỏng tang thoảng qua tấm ngực gầy trơ, và bước chân của ông như không thể chạm được đất. Thế mà ông vẫn cố mở chai rượu vang sẫm màu để rót ra cốc nâng ly cùng tôi trong cuộc nói chuyện cuối cùng, cuộc gặp cuối cùng bởi sau đó không lâu ông mất. Tôi không biết vì sao một người nghệ sĩ lớn như ông bị khung thời gian hưu trí cơ học tước ngôi báu sân khấu đã sống ra sao trong mấy chục năm còn lại với ký ức dày những hào quang. Trong căn gác nhỏ ở khu tập thể Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đọng lại như chiếc lá khô cong neo trên cây đời xanh tươi mà không nỡ lìa cành. Trải qua biết bao hợp tan, bao mất mát trong tình đời riêng chung mà phút cuối ông vẫn khe khẽ hát khi mở cửa đón khách…
Ông không biết rằng, trước khi gõ cửa, tôi đã ngắm ông rất lâu qua cửa sổ căn hộ. Ông nằm trên chiếc giường bé, đôi mắt khép lại, trên bàn là bông hồng nhung đỏ thẩm và chai rượu vang để sẵn… Phía bên ngoài khung cửa sổ, những tán sấu già hắt nắng xuống cửa sổ căn phòng và lũ sẻ hót ríu ran. Tôi đã quan sát không gian sống của ông mà ông không hay biết. Đủ để hiểu rằng, sở dĩ Đào Mộng Long vui sống cho đến phút cuối đời là bởi ông biết chắt chiu thời gian, cảm xúc và ý niệm sống bằng một tinh thần sống hòa với thiên nhiên. Mỗi lần nghĩ tới hình ảnh NSND Đào Mộng Long, tôi lại nhớ đến câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng”.
Và tôi cũng cắt nghĩa được vì sao thi sĩ Hoàng Cầm, ông hoàng của thơ tình Việt đã sống thượng thọ những ngày đau yếu dài lâu của mình gắn với chiếc giường nhỏ trên tầng áp mái của ngôi nhà rộng. Ở đó, Hoàng Cầm nằm và đợi tiếng chuông điện thoại reo của bạn bè như đợi những giọt sống của đời thấm tưới vào thân thể cằn khô vì tuổi tác của ông. Có những cuộc hẹn mà do người nhà đi vắng hoặc người nhà không cho phép nên tôi không thể bước vào khung cửa, leo cầu thang đi thẳng lên căn gác áp mái để được gặp ông. Hoàng Cầm đã đọc những câu thơ đứt quãng, rời rạc mà ông vừa chợt nhớ ra cho tôi nghe. Những ngày tháng cuối ấy, khi sự sống đã mỏng tang như một ảo giác thì nương tựa vào cõi sống, hay níu vào cõi sống để tận hưởng đến kiệt cùng những giọt thời gian quý báu vô giá trong hạn hữu đời người mới thấy đáng khâm phục và nể trọng. Tôi tôn thờ một tinh thần sống vô giới hạn của họ. Có một điều giống nhau ở cả Đào Mộng Long lẫn Hoàng Cầm là cả hai đều yêu đời, tinh thần sống rất mạnh và niềm lạc quan sống chảy trên gương mặt, trong huyết quản.
Tôi cũng từng kinh ngạc cách mà nhà thơ Tế Hanh đã sống cho đến tận những giây phút cuối. Ông nằm trên giường, gương mặt vô tri giác. Cả cơ thể vạm vỡ của ông giờ như một khối vật chất còn lại trong khi linh hồn và tinh thần đã phiêu diêu. Nhưng với thi sĩ Tế Hanh, tình yêu của người vợ hiền thục, tình thương và sự chăm bẵm của người bạn đời trăm năm đã phủ lên ông một không gian sống đặc quánh tình yêu thương, chan chứa nghĩa phu thê. Thế nên với bà, cái cơ thể vô tri kia vẫn là một linh hồn sống bằng xương bằng thịt. Bà neo vào đó để nuôi sự sống của bà, như thể bà chắt chiu sự sống của ông để nuôi dưỡng cuộc sống của bà. Đôi vợ chồng già đã nương tựa vào nhau trong sự khó khăn của sống để được bên nhau cho đến giây phút cuối. Bà vẫn trò chuyện với ông mỗi bận, vẫn đọc báo, đọc thơ cho ông nghe, vẫn ngủ bên cạnh ông, chăm sóc từng milimét nhỏ trên cái cơ thể vô tri giác ấy để duy trì sự sống cho ông. Bà kiên trì 20 năm để nối bền bỉ sợi dây linh thiêng của nghĩa phu thê giữa bà và người chồng chỉ còn là một cơ thể sống thực vật trên giường kia.
Rồi còn nhiều và rất nhiều những tấm gương sống như Nguyễn Ngọc Ký, Đỗ Trọng Khơi hay vô vàn ẩn khuất của số phận mà ta không thể biết hết được. Họ đang sống trọn vẹn cái đời sống không may mắn của mình bằng cách phủ xóa nỗi buồn hay tuyệt vọng bằng khát vọng.
3. Nhưng để sống thực sự thì không hề đơn giản. Hỏi trong nhân gian sâu bể kia, đã có mấy ai sống được một cuộc sống trọn vẹn dễ dàng mà không phải khó nhọc qua phong ba. Hỏi trong đời sống tầng tầng lớp lớp sâu rộng kia, có biết bao người đã từng gục ngã. Có những người ngã để rồi gượng dậy, bước tiếp những bước đi vững vàng, chắc chắn hơn, nhưng cũng có những cú ngã mà số phận buộc họ phải đầu hàng. Có những cú ngã con người không bao giờ còn tỉnh lại được nữa. Họ chấp nhận rời bỏ cuộc sống này như chấp nhận những sai lầm vô phương cứu chữa…
Đôi khi tôi như người bay qua những ảo giác của sống và không sống, bởi xét cho cùng, khi ta đạt đến một ý niệm nào đó thì giới hạn, hay chính xác hơn là ranh giới của sự vật, hiện tượng trở nên ảo nhòa. Tôi ngồi đây - còn lại - cố gắng để chắt chiu tôi, chắt chiu cái hữu hạn của thời gian, không gian để tới được cái vô hạn của tinh thần sống!
NHƯ BÌNH